10 giáo phái kỳ lạ của Nhật Bản có thể bạn chưa biết (P.2)

    Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về 5 giáo phái kỳ lạ ở Nhật Bản. Lần này, Kilala sẽ giới thiệu đến bạn 5 giáo phái còn lại, cũng lạ lùng và bí ẩn không kém!

    Cộng đồng Yamagishi (幸福会ヤマギシ会)

    Người nông dân nuôi gà Miyozo Yamagishi đã xây dựng một cộng đồng nông nghiệp vào năm 1952 để những người cảm thấy xa lạ và vỡ mộng bởi những thay đổi chóng mặt trong xã hội Nhật Bản - kết quả của quá trình công nghiệp hóa, có thể đến sinh sống. Kể từ khi thành lập, Cộng đồng Yamagishi đã phát triển lên đến vài nghìn tín đồ ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Các thành viên sống cùng nhau ở các xã nhỏ và làm việc trong môi trường chủ yếu là nông nghiệp. Cộng đồng được duy trì bằng cách bán rau và các sản phẩm từ sữa. Các thành viên chia sẻ mọi thứ với nhau và tất cả các mặt hàng đều miễn phí. Tuy nhiên, mặc dù nghe như một thiên đường hippie, một số thành viên cũ đã công khai hoạt động thực sự bên trong của Yamagishi. Những người muốn trở thành thành viên chính thức được yêu cầu phải hiến tặng tất cả tài sản của họ cho cộng đồng này. Khi đã ở trong hội, những người lãnh đạo điều hành chặt chẽ mọi hoạt động của các thành viên. Đáng lo ngại hơn, họ còn tách những đứa trẻ từ 5 tuổi trở lên khỏi cha mẹ và đưa chúng vào một xã toàn trẻ em riêng biệt, nơi chúng được khuyến khích tự chăm sóc bản thân.

    những giáo phái kỳ lạ của Nhật Bản

    Câu lạc bộ tự tử trên Internet Nhật Bản

    Khái niệm tự tử là một phần không thể tách rời trong văn hóa Nhật Bản. Từ thời của những vị samurai cho đến phi công kamikaze trong Thế chiến II, ngày nay, mối liên hệ của Nhật Bản với việc tự sát không may lại được củng cố hơn nữa bởi công nghệ. Internet đã giúp các câu lạc bộ tự sát trở nên phổ biến hơn ở Nhật Bản. Mặc dù các câu lạc bộ này đã hoạt động được một thời gian, nhưng cảnh sát chỉ bắt đầu chú ý đến họ vào năm 2003. Kể từ đó, ngày càng có nhiều người Nhật tham gia các câu lạc bộ này làm dấy lên một hồi chuông báo động về tình trạng tự tử. Các phương pháp tự tử thường bao gồm hít khói than trong một căn phòng hoặc ô tô kín, sau đó dần được thay thế bằng khí độc hydrogen sulfide khi các câu lạc bộ này hướng dẫn các thành viên của họ cách sử dụng nó vào năm 2008. Tất cả những điều này cho thấy rằng, hàng nghìn người Nhật đã chết trong các câu lạc bộ tự sát này, và điều đáng sợ hơn là ngày nay các nhóm này vẫn còn hoạt động tích cực.

    câu lạc bộ tự tử trên Internet Nhật Bản

    Kofuku no Kagaku (幸福の科学) - Viện Nghiên cứu Hạnh phúc Con người

    Vào năm 1981, doanh nhân Ryuho Okawa tuyên bố đã nhận được “Sự Khai sáng Vĩ đại”.  Ông tự cho mình là người truyền đạt lời của của Chúa Giê-su và Muhammad. Đến năm 1986, ông thành lập nhóm Kofuku no Kagaku, nhóm này tán thành sự kết hợp triết lí giữa Phật giáo với chủ nghĩa duy vật. Kể từ khi thành lập, nhóm đã phát triển lên đến hàng trăm nghìn thành viên ở một số quốc gia. Nhóm còn có đảng phái chính trị riêng gọi là Đảng Hiện thực hóa Hạnh phúc mà Okawa thành lập năm 2009. Đảng phái này cổ súy các quan điểm chính trị bao gồm ủng hộ sự mở rộng quân sự của Nhật Bản, ủng hộ việc sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân, và phủ nhận các sự kiện lịch sử như Thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc và comfort woman (tạm dịch: thiếu nữ mua vui - ám chỉ các nạn nhân nữ bị ép làm nô lệ tình dục ở các trại mua vui của lính Nhật trong Thế chiến II) ở Hàn Quốc.

    viện nghiên cứu hạnh phúc con người

    PL Kyodan (パーフェクト リバティー教団) - Nhà thờ Tự do Tuyệt đối

    PL Kyodan có thể được bắt nguồn từ đạo sĩ Shinto Tokumitsu Kanada, người đã thành lập giáo phái của riêng mình gọi là Shinto Tokumitsu-Kyo vào năm 1912. Sau khi ông qua đời, người kế nhiệm của ông là Tokuharu Miki đổi tên giáo phái thành Hito-no-Michi Kyodan vào năm 1931. Tuy nhiên, nhóm của ông vẫn bị đàn áp bởi các nhà chức trách Nhật Bản, những người ủng hộ tín ngưỡng khác họ. Sau Thế chiến II, cháu trai của Tokuharu là Tokuchika đã thành lập lại nhóm và tên cuối cùng của nó là PL Kyodan. Ngày nay, trụ sở chính của giáo phái đặt tại Tondabayashi, Osaka, Nhật Bản. Giáo phái này cũng có một số thành viên và nhà thờ trên khắp thế giới. “Cuộc sống là nghệ thuật” là cụm từ tóm tắt về cách hoạt động của giáo phái này. Các thành viên được dạy cách thể hiện bản thân một cách nghệ thuật để có cuộc sống viên mãn. Ngay cả những thứ trần tục như công việc văn phòng cũng có thể bị biến thành sự thờ phụng tôn giáo nếu người đó thực hiện nó với cả tấm lòng. Tại Nhật Bản, nhóm còn được gọi là “tôn giáo chơi gôn” vì có rất nhiều sân gôn. Thậm chí còn có một ký túc xá toàn nữ tại trụ sở chính của họ, nơi các nữ sinh làm việc như một caddie bán thời gian để hỗ trợ bản thân đến hết cấp ba. Việc tham gia giáo phái này nghe có vẻ hấp dẫn đấy nhỉ?

    nhà thờ tự do tuyệt đối

    Sekai Mahikari Bunmei Kyodan (世界真光文明教団) - Tổ chức tôn giáo nền văn minh ánh sáng đích thực thế giới

    Kodama Okada được cho là đã nhận được mệnh lệnh từ Chúa để cứu thế giới vào năm 1959. Để đạt được mục đích đó, Okada, lúc bấy giờ đã là thành viên của một giáo phái tôn giáo, đã thành lập nhóm của riêng mình có tên là Sekai Mahikari Bunmei Kyodan (gọi tắt là Mahikari). Sau khi ông qua đời, nhóm của ông chia thành hai nhánh: một nhánh vẫn giữ nguyên tên ban đầu và được dẫn dắt bởi một trong những người con trai của Okada. Nhánh còn lại đổi tên thành Sukyo Mahikari và hiện do Okada Keisha, con gái nuôi của ông đứng đầu. Giáo phái này tin rằng lịch sử về cơ bản đều xoay quanh Nhật Bản. Theo họ, người Nhật cổ đại cai trị một xã hội giả tưởng (utopia) toàn cầu bao gồm các nền văn minh khác như Ai Cập và Lưỡng Hà; Hoàng đế của họ thậm chí còn dạy người Do Thái cách nói tiếng Do Thái! Họ cũng tin rằng nhiệm vụ của họ là thống nhất tất cả các chủng tộc và tôn giáo, tạo ra một thiên đường Nhật Bản trên trái đất được cai trị bởi vị vua của họ.

    tổ chức tôn giáo nền văn minh ánh sáng đích thực thế giới

    Xem thêm: 10 giáo phái kỳ lạ của Nhật Bản có thể bạn chưa biết (P.1)

    kilala.vn

    24/02/2021

    Bài: Huy Phấy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!