“Tottochan: Cô bé bên cửa sổ”: Thước phim trong trẻo về ngôi trường trong mơ của mọi đứa trẻ
Thế giới đáng yêu của những học sinh lớp 1 tại ngôi trường toa tàu Tomoe nay được tái hiện qua những khung hình nhiều sắc màu trong bộ phim hoạt hình mới nhất của hãng Shin-Ei Animation.
Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim
Từ quyển tự truyện “gối đầu giường” của bao thế hệ
Quyển sách “Totto-chan bên cửa sổ” thực chất là quyển tự truyện của diễn viên nổi tiếng Tetsuko Kuroyanagi. Bà sinh ra trong một gia đình khá giả và hạnh phúc, với bố là một nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ và có chú chó Rocky làm bạn. Totto là tên gọi thân mật ở nhà lúc nhỏ của Tetsuko.
Lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, cô bé Tetsuko luôn hào hứng, tích cực và tò mò với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, sự hiếu động quá mức trong giờ học vô tình khiến cô bé trở thành "cái gai" trong mắt của các giáo viên. Tetsuko chính thức bị đuổi học.
Trong một chuyến dạo chơi cùng mẹ, cô bé hoạt bát bị lôi cuốn trước ngôi trường toa tàu Tomoe và nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Tuy có phần do dự, người mẹ đã dẫn cô con gái bé bỏng đến gặp thầy hiệu trưởng Kobayashi.
Người thầy đã dành hết 4 tiếng đồng hồ chỉ để lắng nghe hết mọi suy tư, góc nhìn trẻ thơ về thế giới xung quanh của Tetsuko. Quả đúng như trực giác non nớt của Tetsuko, trường Tomoe như được sinh ra cho một tâm hồn rộng mở như cô bé. Và chính Tetsuko sau này đã trở thành một phần linh hồn của ngôi trường.
Nữ diễn viên Tetsuko viết tác phẩm này đơn giản chỉ để kể về những năm tháng đi học của mình. Quyển sách được ra mắt tại Nhật Bản năm 1981, là tập hợp hàng loạt bài viết được đăng trên tạp chí của "cô bé" Totto tuổi trung niên về những trải nghiệm và khó khăn khi đến trường trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nhiều trẻ em Nhật không muốn đi học, và bà viết ra chỉ để động viên lũ trẻ nhìn thấy niềm vui ở trường lớp.
Điều gì khiến cho một tác phẩm với lối kể chuyện gần gũi, lời văn miêu tả sống động và chân tình lại thu hút biết bao thế hệ độc giả như thế? Đằng sau những câu chuyện nhỏ nhặt, những trò chơi vui nhộn của tuổi thơ là rất nhiều triết lý giáo dục sâu sắc, chan chứa tình yêu thương vô bờ của những người làm công việc gõ đầu trẻ.
Trong suốt thời kỳ cắp sách đến trường, phải chăng chúng ta ít nhiều đều mong mỏi có được một ngôi trường hay ít nhất một người thầy, người cô bao dung, kiên nhẫn để đứa trẻ năm ấy có thể tự tin, thoải mái với chính mình, và sau cùng là lan tỏa sự yêu thương ấy đến với những bạn cùng lớp và mọi người xung quanh?
Ngôi trường trong mơ của những đứa trẻ "khác biệt"
Biên kịch, đạo diễn Shinnosuke Yakuwa của “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” cũng đã cảm thấy điều tương tự từ tác phẩm gốc. Được biết đến qua nhiều phim điện ảnh về Doraemon như “Doraemon và mặt trăng phiêu lưu ký”, Shinnosuke Yakuwa chia sẻ trên Newtype rằng cảm hứng với dự án trên đến vào năm 2016, sau khi anh kết thúc với phim chiếu rạp “Doraemon: Nobita và nước Nhật thời nguyên thủy”.
Trong một dịp mua sách ở cửa hiệu Kinokuniya, quyển sách “Totto-chan - cô bé bên cửa sổ” đến với anh như một mối duyên, sau khi anh ấn tượng trước lời tác giả Tetsuko đề tặng cho một quyển sách khác. Anh thích thú bởi cách sự tương tác giữa trẻ em và người lớn, vấn đề phân biệt đối xử, xóa bỏ định kiến với người khuyết tật và tầm quan trọng của hòa bình được truyền tải trong tác phẩm, rồi ngỏ ý muốn được chuyển thể câu chuyện này.
Và nhìn chung, bản điện ảnh của Shinnosuke Yakuwa đã làm tốt việc chuyển tải tinh thần cùng những chi tiết đắt giá của nguyên tác. Trong phim, ngôi trường Tomoe xinh đẹp tựa như một công viên giải trí vui nhộn, tràn ngập hoa và âm nhạc, là nơi các em nhỏ sống vô cùng tự do và vui vẻ. Ở đó, ngay cả những đứa trẻ khuyết tật cũng làm theo lý tưởng của thầy Kobayashi và phát triển khả năng tự lập theo sở thích của mình...
Thầy Kobayashi là người đấu tranh chống lại một nền văn hóa phân loại một số trẻ em là “có vấn đề”. Đối với những cá nhân không hòa hợp về mặt trí tuệ hoặc thể chất, ông đã xây dựng cho chúng một nơi trú ẩn, một không gian nơi các em có thể tự do theo đuổi sở thích cá nhân. Các giáo viên ở trường có mặt để giải thích mọi thứ mà bọn trẻ muốn biết, thay vì cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng.
Ngoài ra ở phiên bản anime, một số tuyến truyện cũng được thêm thắt để tăng chiều sâu, nỗi buồn và sự kịch tính trong việc phát triển nhân vật. Đó là tình bạn của cô bé Totto-chan với cậu bạn bại liệt cùng lớp Yasuaki và cuộc sống thường nhật của cậu, hay những chuyển biến nội tâm của người thầy Kobayashi trước sự tàn khốc của chiến tranh, lồng ghép với những thông điệp phản chiến của những người trí thức chính nghĩa...
Vào ngày 8 tháng 12 năm 1941, theo giờ Nhật Bản, Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào hạm đội Mỹ đang neo đậu tại Trân Châu Cảng trên đảo Oahu, Hawaii. Trong chiến dịch mà sau này được gọi là cuộc tấn công Trân Châu Cảng, hơn 2.400 người, bao gồm cả dân thường đã thiệt mạng. Với cuộc tấn công này, Chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu, và khi cuộc chiến với Trung Quốc kéo dài, Nhật Bản rơi vào tình thế phải đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ và Anh.
Trước cái chết, những thay đổi đơn giản trong đời sống thường nhật do cuộc chiến gây ra, cô bé Tetsuko đã trở nên chín chắn và điềm tĩnh hơn. Dù đối diện với sự tàn khốc của thực tại nhưng nhờ nền tảng yêu thương của ngôi trường Tomoe ngày nào, cả cô bé và những cô cậu học sinh thời chiến vẫn giữ nguyên trong mình trái tim trong trẻo, hướng thiện.
Trường Tomoe được khởi dựng từ năm 1937 và cuối cùng bị hủy hoại hoàn toàn dưới bom đạn của Thế chiến Thứ Hai, như nhắc nhở về niềm hạnh phúc ngắn ngủi của biết bao cô cậu bé “khác biệt”. Nhưng chính vì thế mà những đứa trẻ như Tetsuko đến hiện tại vẫn trân trọng những giây phút hạnh phúc, vì thuở bé, chúng đã được sống, học tập và vui chơi một cách trọn vẹn nhất có thể.
Bản chuyển thể đáng xem của tác phẩm thiếu nhi kinh điển
Về phần hình ảnh, so với lối vẽ trẻ thơ tả thực thường thấy như ở các phim hoạt hình Ghibli, tạo hình nhân vật trong phim cũng khác đi rất nhiều, mang hơi hướm của “những bức vẽ trẻ thơ” thời Showa. Các em bé được phác họa có phần mơ mộng, bay bổng thông qua đôi mắt lấp lánh, má ửng hồng và đôi môi chúm chím, hé mở cùng nước da trắng hồng.
Tuy nhiên, sự phá cách này cũng vô hình khiến cho biểu cảm nhân vật có phần thiếu tự nhiên, thông qua những cảnh thể hiện niềm vui, hay chuyển động.
Đan xen với những cuốn phim bằng nét vẽ 2D, khi theo dõi phim, khán giả còn có được những giây phút “thả trôi” trong những phân cảnh tuyệt diệu bằng màu nước kể về những khoảnh khắc hồn nhiên giữa hai cô cậu bé Tetsuko và Yasuaki, khi các em tận hưởng những giây phút bé nhỏ của cuộc sống.
Phần âm thanh là một điểm cộng của phim khi lồng ghép nhiều bài hát thiếu nhi của thời kỳ trước năm 1945. Ca khúc kết thúc phim của Aimyon vang lên nhẹ nhàng, sâu lắng đã giữ chân khán giả lại cho đến khi kết thúc.
Nhìn chung, “Totto-chan - cô bé bên cửa sổ” vẫn là một cuốn phim đáng xem, mang lại cảm giác hoài niệm với những khán giả trưởng thành. Khán giả nhí vẫn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ và buồn cười trước những khoảnh khắc vui nhộn.
Tuy nhiên, vẫn sẽ cần sự giải thích của phụ huynh trước một số phân cảnh có phần không còn phù hợp với xã hội hiện tại (như cảnh các bạn nhỏ trong giờ học bơi của trường Tomoe). Bên cạnh đó, việc phim chỉ có bản lồng tiếng mà không có phiên bản phụ đề cũng là trải nghiệm khá đáng tiếc cho những ai thích phim Nhật.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận