Tây Du Ký bản Nhật: Ra đời trước bản Trung, từng nổi tiếng khắp thế giới
Bạn có biết Nhật đã sản xuất ra một phiên bản Tây Du Ký đình đám vào cuối thập niên 70, thậm chí còn được đánh giá là kinh điển và gây sốt tại phương Tây? Và cũng chính tác phẩm này đã “ép” Trung Quốc phải sản xuất bộ phim huyền thoại gắn liền với tuổi thơ của bao người.
Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong “tứ đại danh tác” của Trung Quốc, kể về hành trình trải qua 81 kiếp nạn để hoàn thành tâm nguyện đến Tây Thiên (Tây Trúc) thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng.
Tạo hình gây tranh cãi
"Saiyuki" (西遊記) là tựa đề của bộ phim truyền hình Nhật Bản có kịch bản dựa trên tiểu thuyết Tây Du Ký của xứ Trung, được phát sóng từ năm 1978 đến 1980 trên Nippon TV với 2 phần và 52 tập.
Bộ phim giữ nguyên phần lớn cốt truyện chính của bản gốc nhưng có cải biên, sửa đổi để phù hợp với văn hóa của nước Nhật. Đặc biệt khoản tạo hình của phim có những đổi mới độc đáo khi người đóng vai Đường Tăng là một nữ diễn viên - Masako Natsume.
Dụng ý của đoàn làm phim khi để một sao nữ hóa thân thành nhân vật nam là để khắc họa nên nét phúc hậu, cao quý, nhã nhặn của vị sư.
Ngoài ra, tạo hình của Tôn Ngộ Không bị đánh giá là không giống khỉ, nhân vật này cũng được xây dựng với hình tượng thân thiện, hài hước hơn so với bản gốc. Trư Bát Giới lại có nét giống khỉ hơn về khoản đầu tóc và không có đặc điểm gì giống với heo. Còn nhân vật Sa Tăng bị đánh giá là hơi “ẻo lả”, không được mạnh mẽ, cường tráng như trong nguyên tác miêu tả.
Và những thành công vang dội của Tây Du Ký bản Nhật
Mặc dù gặp tranh cãi về tạo hình cũng như có nhiều tình tiết trong phần nội dung bị sửa đổi nhưng từ khi công chiếu, Saiyuki đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng.
Phim được đánh giá cao về phần hình ảnh, bối cảnh khi nhà sản xuất đã bỏ ra số vốn cực lớn, lên đến 1 tỷ yên. Đây là dự án thuộc hàng “bom tấn” truyền hình được đầu tư mạnh nhất nhì thời điểm đó.
Phim có hiệu ứng hình ảnh, kỹ xảo do chuyên gia lừng danh Nakano Akira và Takano Koichi thực hiện. Bên cạnh đó việc quay ngoại cảnh ở khắp các vùng miền nước Nhật và Tây Bắc Trung Quốc cùng khu vực Nội Mông đã đem đến những khung cảnh chân thực, mãn nhãn nhất cho khán giả.
Tác phẩm này không chỉ gây sốt tại Nhật mà còn phổ biến, tạo tiếng vang ở nhiều quốc gia, trở nên ăn khách tại châu Âu và thậm chí vươn xa đến tận Nam Mỹ. Bộ phim cũng giới thiệu đến khán giả nước ngoài về thể loại hành động giả tưởng kiểu châu Á cũng như truyền thuyết, văn hóa đặc sắc của phương Đông dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo.
Saiyuki tạo nên “cơn sốt” ở mỗi nơi mà phim được trình chiếu. Năm 1981, phim ra mắt tại Úc. Từ năm 1996 đến năm 2000, các tập của phim thường được phát đi phát lại trong chương trình truyền hình dành cho giới trẻ đương đại Recovery.
Năm 1979, bản lồng tiếng Anh của Saiyuki được phát hành với lời thoại do David Weir viết. Phiên bản lồng tiếng được phát sóng dưới tên Monkey và được chiếu trên kênh BBC.
Phim còn có phiên bản lồng tiếng Tây Ban Nha và được phát sóng ở Mexico, Costa Rica, Peru, Argentina, Uruguay, Cộng hòa Dominica vào đầu những năm 80.
Saiyuki khiến Trung Quốc quyết tâm ra mắt phiên bản Tây Du Ký 1986
Phiên bản Tây Du Ký của nước Nhật không chỉ gây chú ý tại phương Tây mà còn “gây bão” tại các nước châu Á, trong đó có xứ tỷ dân. Bộ phim lên sóng đài CCTV và khiến dân tình xứ Trung tò mò theo dõi.
Tuy nhiên sau khi công chiếu vài tập đầu, khán giả Trung Quốc lại chỉ trích Saiyuki đã “phá hỏng” đại danh tác nước họ khi có những cải biên khác xa so với nguyên tác. Sau đó, họ đã lên tiếng yêu cầu Đài truyền hình Trung ương nên làm một bộ phim về Tây Du Ký mang bản sắc của quốc gia và bảo toàn cái hay của nguyên tác.
Dưới sức ép của dư luận cùng sự thành công vang dội trên thị trường quốc tế của Saiyuki, các nhà làm phim Trung Quốc đã sản xuất phiên bản Tây Du Ký do Dương Khiết làm đạo diễn và phát sóng vào năm 1986.
Phiên bản này đã trở thành kinh điển với sự hóa thân xuất sắc của dàn diễn viên từ chính đến phụ, họ đã thành công xây dựng nên những nhân vật huyền thoại, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả.
Tuy nhiên trên thị trường quốc tế lúc bấy giờ, Tây Du Ký bản 1986 vẫn chưa quá phổ biến và có tiếng tăm như Saiyuki 1978 và mọi người vẫn tranh cãi đâu là phiên bản kinh điển nhất.
Khán giả châu Á đánh giá cao Tây Du Ký 1986 còn người xem tại phương Tây lại chọn Saiyuki 1978 vì tính giải trí, gần gũi của bản phim này mang lại, ngoài ra đây cũng là phiên bản có sức ảnh hưởng lớn vì được phát sóng rộng rãi khắp thế giới.
Thông tin về Tây Du Ký bản Nhật năm 1978
- Tựa phim: Saiyuki (tựa tiếng Anh: Monkey)
- Năm phát sóng: 02/10/1978 - 04/05/1980
- Số tập: 52 tập (2 mùa)
- Kênh phát sóng: Nippon TV
- Đạo diễn: Toshi Aoki, Jun Fukuda, Kazuo Ikehiro, Yusuke Watanabe, Daisuke Yamazaki, Yoshiyuki Kuroda
- Kịch bản: dựa theo tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Đội ngũ biên kịch gồm: Motomu Furuta, Hiroichi Fuse, Hirokazu Fuse, James Miki, Moto Nagai, Yooichi Onaka, Mamoru Sasaki, Eizaburo Shiba, Yu Tagami, Kei Tasaka và Mutsuo Yamashita.
- Diễn viên: Masaaki Sakai vai Son Goku (Tôn Ngộ Không), Masako Natsume vai Genjo Sanzo (Đường Tăng), Shiro Kishibe vai Sa Gojo (Sa Tăng), Toshiyuki Nishida vai Cho Hakkai (Trư Bát Giới) mùa 1, Tonpei Hidari vai Cho Hakkai (Trư Bát Giới) mùa 2.
kilala.vn
31/08/2023
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận