Sự tương đồng giữa truyện cổ tích phương Tây và tác phẩm của Studio Ghibli
Những câu chuyện cổ tích phương Tây vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh thế giới. Từ những nhân vật và câu chuyện yêu thích, các nhà làm phim thêm vào những sáng tạo riêng để kể lại chúng theo một góc nhìn mới mẻ. Và với Studio Ghibli cũng không ngoại lệ, nhiều kiệt tác hoạt hình như Lâu đài di động của Howl hay Vùng đất linh hồn đều cho thấy những ảnh hưởng từ truyện cổ tích phương Tây.
Đến khi trở thành một đạo diễn, Hayao Miyazaki đã dựng nên thế giới cổ tích của riêng mình với nguồn cảm hứng từ ký ức tuổi thơ và những nhân vật ông ấn tượng thời thơ bé.
Dưới đây là một số điểm tương đồng thú vị giữa truyện cổ tích châu Âu với phim của Studio Ghibli, được trang Tokyo Weekender liệt kê.
Vùng đất linh hồn với Alice ở xứ sở thần tiên
Hayao Miyazaki từng chia sẻ về 50 cuốn sách thiếu nhi yêu thích của mình, trong đó có tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên của Lewis Carroll. Nhiều người cho rằng hành trình của Chihiro trong Vùng đất linh hồn có nhiều điểm tương đồng với chuyến phiêu lưu của Alice trong Alice ở xứ sở thần tiên.
Mặc dù phim của Ghibli có cốt truyện và tính thẩm mỹ khác biệt, nhưng chủ đề và thông điệp chính của hai tác phẩm lại khá giống nhau. Cũng như Alice, Chihiro ban đầu là một cô bé ngây thơ bị lạc đường và bước vào một thế giới huyền bí.
Tên tiếng Nhật của Vùng đất linh hồn là Sen to Chihiro no Kamikakushi. Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, kamikakushi ám chỉ sự biến mất đột ngột do bị các linh hồn bắt đi, cũng giống như cách Alice đi theo Thỏ Trắng và rơi vào xứ sở thần tiên.
Khi khám phá vùng đất linh hồn, Chihiro đã gặp những sinh vật kỳ lạ nửa người nửa thú hay người hóa thành động vật, như ông nhện Kamaji, cậu bé Haku có thể biến thành rồng hoặc Vô Diện bí ẩn. Những nhân vật này cũng giống như ở xứ sở thần tiên mà Alice đã lạc vào, như ngài sâu bướm hay chú thỏ trắng. Ngoài ra còn có Boh, đứa trẻ to lớn, ngỗ nghịch gợi liên tưởng đến cặp song sinh Tweedledee và Tweedledum.
Bên cạnh đó nhân vật phản diện Yubaba cũng có nét tương đồng với Hoàng hậu Q cơ. Cả hai đều toát lên vẻ đáng sợ, uy nghiêm cũng như thể hiện rõ sự trẻ con, nóng tính trong hành động.
Lâu đài di động của Howl với Người đẹp và Quái vật
Lâu đài di động của Howl có nội dung dựa trên tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1986 của nữ tác giả người Anh Diana Wynne Jones. Bộ phim hoạt hình đã giữ nguyên phần cốt truyện gốc và sửa đổi, thêm thắt những tình tiết để phù hợp với chất phim của Ghibli.
Cũng như tiểu thuyết gốc của Diana, bộ phim chuyển thể của Ghibli có nhiều điểm tương đồng với truyện cổ tích Người đẹp và Quái vật. Đây là một câu chuyện nổi tiếng xuất xứ từ nước Pháp, được Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve viết vào năm 1740.
Những điểm giống nhau giữa Lâu đài di động của Howl với Người đẹp và Quái vật được khán giả chỉ ra là phần kịch bản có chủ đề về lâu đài ma thuật và tình yêu chân thành giúp các nhân vật chính phá bỏ lời nguyền.
Trong tác phẩm của đạo diễn Hayao Miyazaki có Sophie Hatter, một thợ làm mũ bình thường đã trúng phải lời nguyền trở thành bà lão và đến lâu đài của pháp sư Howl để tìm cách hóa giải nó. Nàng cũng giống như Belle, đã lạc bước vào tòa lâu đài ma thuật và gặp gỡ Quái vật.
Chàng pháp sư mang tên Howl thì dù mang vẻ ngoài điển trai, thu hút nhưng luôn phải kìm nén hình dạng một con quái thú bị nguyền rủa. Chàng đã trao cho Calcifer trái tim của mình vì "trái tim là một gánh nặng". Và Sophie là người khiến Howl cảm nhận được yêu thương chân thành, điều này đã cứu rỗi Howl và giải thoát cho chính Sophie, cũng giống như tình yêu của Belle giúp Quái vật trở về hình hài Hoàng tử.
Bên cạnh đó, ở đoạn kết hạnh phúc của câu chuyện, những nhân vật phụ đều trở về hình dáng con người sau khi bị phù phép thành đồ vật. Trong Lâu đài di động của Howl, anh chàng bù nhìn Đầu Củ Cải nhờ nụ hôn của Sophie đã trở lại là Hoàng tử, còn trong Người đẹp và Quái vật thì những người hầu của lâu đài trong hình hài đồ vật bị phù phép đã trở lại làm người.
Ponyo với Nàng tiên cá
Nàng tiên cá là câu chuyện cổ tích được viết vào năm 1837 bởi nhà văn Hans Christian Andersen. Đạo diễn Hayao Miyazaki từng chia sẻ rằng ông đã lấy cảm hứng từ hình tượng Nàng tiên cá của Andersen để tạo nên Ponyo.
Ponyo là một bé tiên cá tinh nghịch, đáng yêu, là con gái của Fujimoto và nữ thần đại dương Granmamare. Vì muốn khám phá thế giới loài người mà Ponyo đã lên bờ và gặp gỡ cậu bé Sosuke, cùng cậu tìm hiểu về cuộc sống của làng chài.
Ponyo tập trung vào sự tò mò, phấn khích đong đầy nét trẻ thơ của tiên cá khi đến với thế giới con người và mong muốn trở thành người khi kết bạn với Sosuke.
Thay vì cốt truyện lãng mạn điển hình, tập trung vào tình yêu giữa Nàng tiên cá và con người như trong các bản chuyển thể khác của Nàng tiên cá thì Ponyo của Ghibli hướng đến tình cảm gia đình và sự đáng yêu, trong sáng của mối quan hệ giữa Ponyo và Sosuke.
Thế giới bí mật của Arrietty và Thumbelina
Thế giới bí mật của Arrietty dựa trên cuốn tiểu thuyết The Borrowers của tác giả người Anh Mary Norton, được xuất bản vào năm 1952.
Ở bản gốc, nội dung kể về gia đình Clock là những người tí hon sống bí mật trong ngôi nhà gần Leighton Buzzard tại nước Anh và "vay mượn" từ những người to lớn để sinh tồn.
Trong phiên bản anime do Studio Ghibli sản xuất, câu chuyện kể về tình bạn của cô bé tí hon Arrietty và cậu bạn Sho đang dưỡng bệnh nơi căn nhà cổ tuyệt đẹp tại vùng ngoại ô.
Về nhân vật người tí hon thì trước đó đã xuất hiện Thumbelina - sinh vật bé nhỏ trong truyện cổ tích cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch Hans Christian Andersen.
Truyện xuất bản năm 1835, kể về cô bé tí hon Thumbelina được sinh ra từ hạt mầm với vẻ ngoài nhỏ xinh. Khi đang ngủ trong chiếc nôi làm bằng vỏ quả óc chó thì Thumbelina bị một con cóc bắt đi, sau đó cô bé đã vượt qua nhiều thử thách, chiến đấu với nhiều sinh vật và có một đoạn kết hạnh phúc với hoàng tử tiên hoa.
kilala.vn
Nguồn: Tokyo Weekender
Đăng nhập tài khoản để bình luận