Phim Sword Art Online: Cốt truyện mới lạ, kỹ xảo siêu đỉnh!
Là người trước giờ chỉ “đắm chìm” vào One Piece và Doraemon, tôi chưa hề nghĩ sẽ có ngày mình thích phim Sword Art Online (SAO): Ranh giới hư ảo vì thấy cái tên này có Sword (kiếm) – hẳn là truyện đánh đấm dành cho con trai. Nhưng lần nọ, tôi đi làm tóc tại một salon Nhật, anh thợ người Nhật vô tình thấy cái túi in hình One Piece mà tôi đeo, anh nằng nặc bảo tôi hãy xem SAO, “totemo omoshiroi” (Rất là thú vị). Trùng hợp thay, anh người yêu cũng thúc giục tôi xem thử bộ phim này.
Theo tôi quan sát, những người đến xem nắm khá rõ thông tin về SAO vì SAO đã có 1 bộ light novel, 2 phần anime và 1 phiên bản anime chiếu rạp. Vậy còn tôi, chưa hề biết về SAO thì theo dõi bộ phim như thế nào đây? Ấy vậy mà, SAO: Ranh giới hư ảo vẫn đủ sức thu hút tôi bởi nhiều nét đặc biệt. Nếu bạn từng “nghẹt thở”, từng “đứng hình” khi xem các bộ phim điện ảnh Mỹ như Fast and Furious, Deadpool,… thì đây là bộ phim không thể hoàn hảo hơn cho phiên bản hoạt hình.
Poster chính thức của Sword Art Online: Ranh giới hư ảo (Lotte Cinema).
1. Cốt truyện hơi khó hiểu nhưng mới lạ
Nếu như các tháng đầu năm nay, đa phần các anime ra rạp tại Việt Nam sẽ theo motif nhẹ nhàng như Doraemon, Your name, Dáng hình thanh âm… và phần đông vẫn bị gắn mác dành cho trẻ con, thường có chủ đề đời sống học trò, gia đình, tình bạn tình cảm trai gái,… thì đây là lần đầu tiên, anime chiếu rạp ở Việt Nam đã được “đổi vị” bằng siêu phẩm SAO với cốt truyện gay cấn, đưa người chơi đến thế giới của tương lai khi công nghệ đạt mức đỉnh cao.
Thật sự mà nói 30 phút đầu xem phim, tôi chưa “cảm” được nhịp hay của SAO bởi rất nhiều thuật ngữ ngành công nghệ liên tục lặp đi lặp lại như AR, VR, AI, Aincrad, SAO… càng khiến tôi thêm hoang mang. Nhưng kinh nghiệm của tôi là “hãy cứ xem đi hãy cứ dại khờ”. Bảo đảm đến giây phút cuối cùng của bộ phim, cái đọng lại là những cảm xúc lâng lâng chứ chẳng còn nghĩ đến các thuật ngữ kia đâu.
Cảnh trong phim (©2016 REKI KAWAHARA/PUBLISHED BY KADOKAWA CORPORATION ASCII MEDIA WORKS/SAO MOVIE Project).
Câu chuyện phim xoay quanh trò chơi thực tế ảo Ordinal Scale. Bất kỳ ai đeo một thiết bị giống headphone (Augma) thì ngay lập tức, họ sẽ đóng vai người chơi ở thế giới ảo, được trang bị bộ giáp, cảnh vật xung quanh ở thế giới thật cũng sẽ được “hô biến” thành thế giới ảo nốt.
Mỗi hiệp chơi, bạn sẽ có 10 phút để cùng các người chơi khác đánh quái vật nhiều cấp độ dưới sự dẫn dắt của MC Yuna kiêm ca sĩ chính hát trực tiếp trong trận đấu. Cuối mỗi hiệp, nếu thắng, bạn sẽ được cộng điểm và tất cả điểm số này sẽ quy về 1 bảng xếp hạng sức mạnh trong trò chơi này. Muốn chơi được loại máy này không phải dễ, bản thân bạn ở thế giới thật cũng phải khỏe mạnh và linh hoạt (nhân vật nam chính Kirito đã phải tập luyện rất nhiều để cơ thể linh hoạt hơn).
Thiết bị Augma (©2016 REKI KAWAHARA/PUBLISHED BY KADOKAWA CORPORATION ASCII MEDIA WORKS/SAO MOVIE Project).
Và dĩ nhiên, phim không đơn thuần chỉ xoay quanh trò chơi như thế, ẩn đằng sau đó là những âm mưu đen tối và có thể lấy mạng người chơi dần dần được hé lộ…
2. Phái nữ không là “bánh bèo”
Thật hạnh phúc khi trong bộ phim này, tôi hết sức mãn nhãn với các pha chiến đấu của nhân vật nữ chính Asuna. Không “bánh bèo” như nhiều nhân vật nữ khác thường thấy trong anime Nhật, dễ khóc, hay đấu tranh nội tâm… thì Asuna của SAO hiện thân là một cô bé mạnh mẽ, giỏi chiến đấu (thậm chí còn vượt mặt những chàng trai chơi cùng để giết được quái vật và nhận điểm nhiều nhất) nhưng khi cần cũng bộc lộ sự duyên dáng dịu dàng khi bên cạnh bạn trai Kirito.
Nhân vật Kirito và Asuna (©2016 REKI KAWAHARA/PUBLISHED BY KADOKAWA CORPORATION ASCII MEDIA WORKS/SAO MOVIE Project).
Tôi cực kỳ tâm đắc tạo hình tính cách nhân vật Asuna, làm anh hùng đâu chỉ là phái nam, phái nữ cũng có thể chiến đấu mãnh liệt lắm chứ. Asuna chẳng những thế còn rất dũng cảm cứu bạn của mình để rồi hứng trọn vết thương mà tên quái vật gây ra. Ngay cả khi đối mặt với quái vật tầng 100, dù trí nhớ chưa phục hồi nhưng Asuna vẫn liều mình chiến đấu cùng bạn bè. Asuna không chỉ là nguyên nhân để các anh trai phải đến rạp để ngắm nữ chính mạnh mẽ xinh đẹp mà còn là biểu tượng để các bạn nữ được dịp gợi nhớ giấc mơ làm. anh hùng cứu Trái Đất thuở nhỏ.
3. Cảnh chiến đấu không thể đẹp hơn!
Đây chính là lý do để tôi bỏ qua hết các thuật ngữ khó hiểu như AR, VR, AI… hay SAO, Aincrad… khó hiểu lúc ban đầu vì KỸ XẢO SWORD ART ONLINE THẬT SỰ QUÁ ĐỈNH. Từ những bộ áo giáp mà nhân vật mặc, bối cảnh xung quanh biến chuyển khi đeo thiết bị Augma, cảnh các quái thú các cấp độ khác nhau lần lượt xuất hiện, cảnh người chơi sử dụng vũ khí để tiêu diệt quái đều “no mắt” đến không ngờ. Độ tinh xảo của kỹ xảo sẽ càng hoàn hảo đến phân đoạn cuối cùng khi mọi người cùng nhau tiêu diệt quái vật tầng 100.
Với tôi, những quái vật cấp thấp chưa có gì đặc biệt nhưng đến khi “diện kiến” quái vật tầng 100 thì… ôi thôi sao quái vật mà cũng đẹp xuất sắc đến vậy. Cảnh cả nhóm cùng chiến đâu phân đoạn quá sức hoàng tráng. (Đến nỗi mà xem đoạn này tôi không dám chớp mắt nhiều vì sợ lỡ mất bất kỳ cảnh đồ họa nào thì tiếc cực kì). Bên cạnh những cảnh đánh đấm, phim vẫn xen kẽ thêm nhiều cảnh lãng mạn (đồ họa vẫn cực lung linh) để tạo “nhịp nghỉ” giữa phim.
Một trong những quái vật trong phim (©2016 REKI KAWAHARA/PUBLISHED BY KADOKAWA CORPORATION ASCII MEDIA WORKS/SAO MOVIE Project).
4. Âm nhạc xuất sắc
Người chơi tham gia Ordinal Scale trong phim mê mẩn giọng hát của ca sĩ Yuna thì tôi ở tại Việt Nam, xem rạp, cũng mê cô ấy y như vậy. Nhân vật Yuna hát đủ thể loại nhạc, tiết tấu nhanh có, tiết tấu chậm có để ủng hộ người chơi chiến đấu. Và lý giải cho sự xuất sắc của âm nhạc trong phim là sự kết hợp giữa hai “nhân tố” đặc biệt. Đầu tiên là Yuki Kajiura – nhà sản xuất âm nhạc cho SAO và cũng là nhà sản xuất “nhẵn mặt” cho các anime nổi tiếng. “Cú hích” thành công đầu tiên của bà là bài hát cuối phim cho Gundam Seed và từ đó trở về sau, bà là “chủ xị” cho các bộ anime khác như Madlax, My-HiME, Tsubasa Chronicle,… Nhân tố thứ hai chính là là ca sĩ/ diễn viên lồng tiếng cho vai Yuna – Sayaka Kanda, người đã giành giải diễn viên lồng tiếng nữ xuất sắc trong Seiyuu Award cho vai Anna trong Frozen.
Nhờ bộ phim này đã thôi thúc tôi mua ngay bộ light novel Sword Art Online Aincrad để có thể “giải ngố” về AR, VR, AI, về trò chơi SAO cũng như cái tên Aincrad. Đây cũng là cách để phái nữ tụi mình giải mã lý do vì sao các anh con trai lại cuồng SAO đến vậy.
Một tín hiệu đáng mừng khác khi trên các trang facebook, diễn đàn về SAO tại Việt Nam mà tôi biết, khá nhiều lời kêu gọi của các bạn cùng nhau ra rạp xem phim để thể hiện sự ủng hộ của fan hâm mộ anime Nhật Bản với các nhà nhập phim. Các bạn sẵn sàng có những biện pháp trừng trị thẳng tay với những tài khoản cố tình quay clip lén trong rạp và dẫn link về. Bạn muốn tận mắt theo dõi SAO hấp dẫn thế nào, cũng như ủng hộ các nhà nhập phim mang thêm nhiều những bộ anime đỉnh của Nhật chiếu rạp tại Việt Nam thì tôi tin chắc sẽ không còn lý do để bạn có thể từ chối ra rạp xem SAO.
Light novel Sword Art Online do IPM phát hành tại Việt Nam. (Ảnh: IPM)
Một vài lưu ý khi xem phim
- Sword Art Online: Ranh giới hư ảo hiện đang được trình chiếu tại một số ít rạp Lotte Cinema. Bạn nhớ theo dõi lịch chiếu trên website Lotte Cinema nhé.
- Hiện SAO đang được IPM bán dưới hình thức light novel và truyện tranh, bạn có thể mua để hiểu thêm toàn cảnh về SAO – bộ truyện được bán 19 triệu bản trên toàn cầu.
- Đừng quên coi After Credit khi kết thúc phim nhé, vì nó sẽ bật mí một vài phân cảnh đặc biệt đó!
Đánh giá của Kilala:
Nội dung: 4/5 đối với bạn đã biết về SAO và 3.5/5 đối với bạn chưa từng biết về SAO
Âm nhạc: 4/5
Đồ họa: 5/5
02/06/2017
Bài: Ngô Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận