Mối tình học trò trong sáng trong "Ngọn đồi hoa hồng anh"
Mang cốt truyện đơn giản và nhẹ nhàng, bộ phim đến từ sự kết hợp của hai cha con đạo diễn Hayao và Goro Miyazaki là một thước phim êm ả về nhiệt huyết đấu tranh tuổi trẻ, câu chuyện tình cảm dễ thương của cô cậu học sinh cấp ba Umi và Shun.
Khi nghĩ về những ngày tháng cấp ba, người viết nhớ về một buổi trưa
nắng oi nhẹ khi ngồi sau xe đạp của người mình thích. Dưới cái nắng
hơi chói chang xen kẽ với những đợt gió mát dịu thổi qua, những vòng xe cứ mải miết lăn trên đường, như những ngày tháng tươi đẹp cứ
trải dài bất tận.
Khi nhìn cảnh cậu nam sinh Shun chở cô bé Umi đi dạo một đoạn đường đến cửa hiệu thực phẩm, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ lại thứ cảm xúc trong trẻo còn vẹn nguyên suốt mười năm ấy.
Từ trước đến nay, đề tài tình cảm thuở hoa niên luôn là mảnh đất màu mỡ cho những tác phẩm điện ảnh, từ hoạt hình đến phim người đóng. Các câu chuyện thường được mô tả với nhiều tình tiết hài hước, dở khóc dở cười hoặc được thuật lại như một nỗi ngậm ngùi, tiếc nuối vì đã bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá trong đời.
Riêng "Ngọn đồi hoa hồng anh" (tiếng Anh: From Up on Poppy Hill) của nhà Ghibli lại mang màu sắc khác. Không cao trào kịch tính, cũng không có sự chia ly đau đớn, bộ phim đưa khán giả trở lại thời thanh xuân cùng các cô cậu học trò cấp ba ở đất cảng Yokohama năm 1963.
Sự phối hợp ăn ý của cha con đạo diễn Miyazaki
Năm 2006, con trai đạo diễn Hayao Miyazaki – Goro Miyazaki chính thức “chào sân” khán giả bằng tác phẩm chuyển thể "Tales from Earthsea". Điều đáng buồn rằng, đây lại là bộ phim nhận được số điểm đánh giá thấp nhất từ giới phê bình và các trang phê bình phim trong lịch sử Studio Ghibli, trước khi có sự xuất hiện của tác phẩm 3D mới nhất "Earwig and the Witch".
Thời điểm sản xuất phim, Hayao đã có sự thất vọng với Goro, khi ông cho rằng con trai mình thiếu kỹ năng cần thiết để làm đạo diễn. Họ không trò chuyện với nhau trong suốt quá trình làm phim.
Một thời gian sau, Hayao mới dần cởi mở hơn với Goro và công nhận một phần khả năng của con trai mình. Họ cùng bắt tay vào làm "From Up On Poppy Hill". Hayao Miyazaki và Keiko Niwa giữ vai trò biên kịch và Goro ở vị trí đạo diễn.
Bộ phim được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Tetsuro Sayama và Chizuru Takahashi, vốn được đăng tải trước đây trên tạp chí shoujo manga Nakayoshi (tạp chí manga dành cho độ tuổi thiếu nữ).
Sự giảng hoà và sau đó là phối hợp ăn ý của hai cha con nhà Miyazaki đã mang lại trái ngọt khi phim nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, được đem đi công chiếu ở các liên hoan phim quốc tế và đạt doanh thu cao ngất ngưởng.
Khi giữ gìn truyền thống song hành cùng niềm tự hào dân tộc
Vào năm 1963 (chênh hơn 3 năm so với bản gốc manga), cô bé Umi Matsuzaki, 16 tuổi, phải tự lo cho hai em và người bà khi mẹ cô đang đi du học. Cô trọ ở một căn nhà gần Cảng Yokohama, ngày ngày kéo cờ hiệu cầu cho những thuỷ thủ, trong đó có cha mình trở về an toàn.
Trong một ngày đi học, cô học trò cấp 3 phát hiện một bài thơ viết về mình đăng trên nội san của trường. Sau đó, cô biết được tác giả là Shun Kazama - một thành viên cốt cán của Latin Quarter, vốn là toà nhà cũ kỹ tập hợp nhiều câu lạc bộ lý thú của sinh viên.
Shun cùng các nam sinh trong hội đấu tranh phản đối việc dỡ bỏ Latin Quarter,
vì ban lãnh đạo nhà trường muốn cải tạo nơi đây thành chốn mới khang
trang. Được sự khích lệ từ người chị, Umi cùng các nữ sinh giúp hội của
Shun cải tạo lại nơi đây, từ đó họ có động lực lên tiếng bảo vệ “ngôi
nhà” mình trước ban lãnh đạo nhà trường.
"From Up on Poppy Hill" phản ánh đúng bối cảnh lịch sử của nước Nhật thời điểm thập niên 60, đó là sự nổi dậy của các phong trào biểu tình học sinh, sinh viên. Với các nam sinh đến từ nhiều câu lạc bộ trong trường, Latin Quarter dù có xập xệ, đổ nát đến đâu vẫn là ngôi nhà của họ, là nơi ươm mầm cho những ước mơ và hoài bão của con người độ tuổi đang lớn.
Khán giả cảm nhận được bức tranh sống động và giàu nhiệt huyết tuổi trẻ khi ngước nhìn toà nhà Latin Quarter nhiều ánh vàng xanh, ngổn ngang và phủ bụi. Đây là cảnh mang lại nhiều năng lượng nhất trong phim, và thể hiện được sự chăm chút của Goro Miyazaki cùng các hoạ sĩ khi quyết định sáng tạo thêm sự bừa bộn của các căn phòng. Bởi vì nhà làm phim người Nhật cũng muốn sống lại một phần ký ức về “sự bừa bộn và dơ dáy” mà ông trải qua trong quá trình học đại học.
“Phá huỷ cái cũ nghĩa là xoá bỏ ký ức về quá khứ” là câu khẩu hiệu sống còn của các học sinh cấp 3 khi đấu tranh cho Latin Quarter. Nổi cộm trong đó là nhân vật Shun Kazama, được khắc hoạ với sự ngông cuồng và dũng cảm. Nam sinh chinh phục khán giả nhờ hành động ngang tàng, bốc đồng trước lý tưởng của mình, nhưng không thiếu sự tận tụy, tình cảm với những người đồng đội cùng chí hướng. Cậu cùng các bạn không chỉ lên tiếng trước nhà trường, mà còn với một hội sinh viên đối lập với lý tưởng của mình.
Các nhân vật học sinh khác cũng thể hiện tinh thần tự hào dân tộc với màu sắc rất riêng. Nếu Shun thể hiện sự mãnh liệt, thì cậu bạn Shiro – chủ tịch hội học sinh lại toát lên khí chất điềm tĩnh. Umi là mảnh ghép phù hợp với Shun, khi cô thể hiện sự chăm chút, cẩn trọng và nhẹ nhàng trong từng hành động, quyết định của mình.
Phân cảnh khiến nhiều người xem xúc động chính là lúc các học sinh xếp hàng chỉnh tề hát vang bài quốc ca trong Latin Quarter, cũng như cảnh đoàn thuỷ thủ hát bài ca chào tàu về. Điều này khiến phim mang giá trị tinh thần dân tộc cao.
Những học sinh đất cảng Yokohama theo đuổi sự tiến bộ của phương Tây thông qua các hoạt động trong câu lạc bộ, nhưng họ vẫn tôn trọng mảnh đất mình sinh ra, cũng như cố gìn giữ truyền thống và lịch sử nước mình.
Chi tiết này còn được phản ánh ở người mẹ của cô bé Umi, khi bản thân theo đuổi ngành y khoa của Mỹ, nhưng quyết định yêu và kết hôn cùng người thuỷ thủ quân đội Nhật.
Tình cảm học trò đến từ sự đồng điệu
Bên cạnh giá trị về lòng yêu nước sâu sắc, người xem có được cảm giác hoài niệm khi theo dõi tình cảm của Shun và Umi dần nảy nở. Ở họ có sự đồng điệu từ việc có người cha là đồng đội thuỷ quân tử nạn cùng trận chiến, sự độc lập trong suy nghĩ và khao khát tìm hiểu về cha mình.
Khán giả trải qua cảm giác thư thái khi xem cách Shun và Umi trò chuyện trên những con đường. Ban đầu, cách họ gặp nhau có phần khá hài hước, nhưng lý tưởng và sự thú vị đến từ truyền thống trong trường là sợi dây kết nối hai cô cậu học sinh lại với nhau.
Một tình tiết những tưởng là cú "plot twist" xuất hiện ở cuối 2/3 phim càng làm người xem cảm thấy ngưỡng mộ về cách họ trân trọng tình cảm dành cho nhau, khi những tưởng không thể thích nhau được nữa.
Sự tương tác của đôi bạn trẻ khiến nhiều người nhớ về phút giây rung động đầu đời vô tư, bất chấp, không toan tính của mình. Dù phim không đưa ra cái kết sau này, nhưng sự hiện hữu của tình cảm học trò trong sáng khiến người xem có dịp hồi tưởng lại những khoảnh khắc đáng quý đôi khi đã bị bỏ quên trong dĩ vãng.
Âm nhạc sống động với ca khúc mang màu sắc tươi tắn
Bên cạnh cảm giác êm ả, dễ chịu khi xem phim, khán giả còn yêu giai điệu khi thì vui vẻ dễ thương, khi lại sâu lắng hoài niệm của những ca khúc nhạc phim. Bên cạnh ca khúc cuối phim, "Sayonara no Natsu ~Kokuriko-zaka kara~” (tựa Việt: Tạm biệt mùa hè) do ca sĩ Aoi Teshima trình bày, bài hát khiến người viết thích thú nhất là ca khúc Asagohan no Uta (dịch: Bài ca bữa sáng) mở đầu phim.
Sự tươi vui của giai điệu, kết hợp với cảm giác “đã mắt, ngon miệng” trước các món điểm tâm được Umi chế biến tạo cảm giác hứng khởi và sảng khoái. Điều này tiếp nối khả năng chinh phục nhãn quan khán giả bằng phân cảnh chế biến ẩm thực của Hayao Miyazaki, đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm trước đó.
kilala.vn
Umi Matsuzaki
biển matsuzaki
Did you mean 海 松崎
20/03/2022
Bài: Vĩnh Anh
Đăng nhập tài khoản để bình luận