Onbashira: Lễ hội độc đáo, nguy hiểm mang đậm tinh thần Võ sĩ đạo

    Onbashira là một trong những lễ hội nguy hiểm bậc nhất Nhật Bản, được tổ chức sáu năm một lần vào các năm Thân và năm Dần.

    Nếu từng yêu mến những thước phim đẫm sắc xanh núi rừng, mô tả chân thực cuộc sống của những người làm lâm nghiệp trong “Wood Job!”, có lẽ bạn chưa quên phân cảnh “thót tim” khi nhân vật chính của chúng ta - cậu thanh niên Hirano Yuki cưỡi một cây gỗ to dài và trượt xuống từ đỉnh đồi. Đó chính là hình ảnh biểu tượng của Onbashira, một lễ hội độc nhất vô nhị diễn ra tại khu vực Suwa, phía Bắc Nhật Bản.

    lễ hội onbashira nguy hiểm
    Người tham gia lễ hội cưỡi lên cây gỗ to dài, trượt xuống từ đỉnh núi. Ảnh: Nippon 

    Lễ hội truyền thống với lịch sử 1200 năm

    Onbashira (御柱) trong tiếng Nhật nghĩa là những cây cột linh thiêng. Đúng như cái tên, lễ hội Onbashira là một nghi lễ Thần đạo diễn ra ở các ngọn núi, khu rừng và con sông xung quanh hồ Suwa để thay thế 4 cây cột thiêng tại 4 ngôi đền thuộc Suwa Taisha.

    Lễ hội được tổ chức 6 năm một lần vào mùa xuân của những năm Thân, năm Dần và được vinh danh là Tài sản văn hóa dân gian vô hình của tỉnh Nagano.

    đền suwa-taisha
    Đền Suwa-Taisha. Ảnh: Nippon

    Đền Suwa-Taisha, trung tâm của lễ hội là một địa điểm tâm linh vô cùng thiêng liêng với người dân vùng Suwa. Ngôi đền được xây vào khoảng thế kỷ thứ 6, là một trong những ngôi đền cổ nhất Nhật Bản.

    Suwa-Taisha gồm khu phức hợp 4 ngôi đền được gộp lại thành 2 địa điểm là Kamisha (đền thượng) và Shimosha (đền hạ); Kamisha bao gồm Honmiya (đền chính) và Maemiya (đền cũ), còn Shimosha bao gồm Akimiya (đền mùa thu) và Harumiya (đền mùa xuân).

    honmiya của đền suwa taisha
    Honmiya (đền chính) của Suwa-Taisha. Ảnh: Nippon
    maemiya của đền suwa taisha
    Maemiya (đền cũ) của Suwa-Taisha. Ảnh: Nippon

    Về nguồn gốc của lễ hội này, ghi chép đầu tiên về nó xuất hiện trong tác phẩm “Suwa Daimyojin Ekotoba”, một bộ mười hai cuộn tranh được hoàn thành vào năm 1356 trong thời kỳ Nanboku-cho. Theo đó, lễ hội được cho là tổ chức từ đầu thời Heian.

    harumiya của đền suwa taisha
    Harumiya (đền mùa xuân) của Suwa-Taisha. Ảnh: Nippon
    akimiya
    Akimiya (đền mùa thu) của Suwa-Taisha. Ảnh: Nippon

    Lịch sử của lễ hội Onbashira tuy không rõ ràng, nhưng có thể nói đây là nghi lễ Thần đạo lớn nhất và quan trọng nhất được tổ chức tại đền Suwa Taisha từ thời cổ đại.

    Có gì tại lễ hội Onbashira?

    Lễ hội Onbashira diễn ra với 2 nghi lễ chính, gồm: lễ đưa cây xuống núi (Yamadashi), lễ kéo cây vào thành phố và dựng cột trụ (Satobiki).

    Yamadashi thường diễn ra vào tháng tư, bao gồm lễ khai mạc và đốn gỗ trên núi theo nghi thức Thần đạo. Những cây gỗ lớn được kéo từ núi qua những địa hình gồ ghề, nguy hiểm xuống bốn ngôi đền Suwa Taisha.

    cột trụ có gắn medo
    Nghi lễ Yamadashi đưa cây cột dựng ở đền thượng được gắn medo xuống núi. Ảnh: tabicoffret.com
    cây kéo qua sông miyagawa
    Cây được kéo từ núi qua sông Miyagawa về đền Suwa-Taisha. Ảnh: tabicoffret.com

    Còn Satobiki diễn ra trong tháng năm, bao gồm việc vót và dựng những cột gỗ mới bằng tay. Sau khi lễ đưa cây xuống núi kết thúc, cây gỗ được cất giữ vào kho rồi đưa đến trước cổng điện thờ chính, tại đây người dân bắt đầu công đoạn dựng cột trụ gọi là Tateonbashira.

    Nếu cây cột trụ dựng ở đền thượng thì được trang trí các “medo”, là những đòn bẩy có ngạnh trên cây để người dân có thể ngồi lên và điều khiển, còn cây cột trụ dựng ở đền hạ chỉ là một cây gỗ nguyên khối, không có trang trí “medo”.

    cây thiêng được chuẩn bị trước lễ hội
    Cây thiêng được chuẩn bị trước đại lễ. Ảnh: Wikipedia

    Trước khi đại lễ diễn ra, người dân trong làng sẽ vào rừng và chọn 16 cây gỗ linh sam để làm cột cho ngôi đền địa phương. Mỗi cây có thể cao đến 19m và nặng tới 12 tấn. Những cột gỗ được kéo về bằng các đoạn dây thừng lớn và được trang trí màu đỏ và trắng, màu sắc truyền thống trong các nghi lễ Thần đạo.

    Nam giới trong làng sẽ mặc lễ phục, họ mang những cái cây khổng lồ vượt qua sông núi, địa hình hiểm trở từ rừng vào phố để đưa cây đến khu điện thờ. Khi thả những thân cây xuống từ sườn núi, họ sẽ nhảy lên cây để trượt xuống (Kiotoshi).

    nghi lễ kiotoshi
    Nghi lễ Kiotoshi. Ảnh: Nippon

    Hành động này rất nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người tham gia. Tuy nhiên họ vẫn quyết tâm thực hiện nghi lễ vì tin tưởng vào sự che chở của thần linh và thể hiện lòng dũng cảm, tinh thần Võ sĩ đạo của người con nước Nhật.

    Thu hút và nguy hiểm

    Onbashira không chỉ một lễ hội thể hiện rõ bản sắc, văn hóa của vùng Suwa mà còn nổi tiếng và cuốn hút khách du lịch nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Lễ hội này luôn đem lại sự hồi hộp, phấn khích cho những ai tham dự và chứng kiến các hoạt động diễn ra.

    Hai hoạt động được xem là “đỉnh cao” của lễ hội, thu hút nhiều người đến theo dõi là phần Kiotoshi - trượt xuống sườn đồi trong lễ YamadashiTateonbashira - dựng cột trụ trong lễ Satobiki.

    nghi lễ tateonbashira tại đền suwa-taisha
    Hoạt động Tateonbashira, dựng cột trụ trong lễ Satobiki ở đền Suwa-Taisha. Ảnh: shibusaki.co.jp

    Ước tính lượng người tham gia lễ hội lên đến hàng chục nghìn người. Lễ Onbashira cũng được nhắc đến, miêu tả trong các video quảng bá du lịch trên khắp thế giới hay các cảnh quay giới thiệu về văn hóa, đất nước Nhật Bản. Lễ hội này còn xuất hiện trong sách truyện, phim ảnh, điển hình như trong phim “Wood Job!” của đạo diễn Shinobu Yaguchi.

    hirano yuki trong phim wood job
    Anh chàng Hirano Yuki trong lễ hội Onbashira của phim "Wood Job!". Ảnh: m.imdb.com

    Dù nổi danh toàn cầu nhưng đại lễ của người dân Suwa cũng tồn tại sự nguy hiểm khôn lường. Onbashira là một trong những lễ hội nguy hiểm nhất tại Nhật Bản, luôn có thương vong tại các mùa lễ hội. Trong năm 2010 và 2016 đã có ba người thiệt mạng và nhiều người bị thương khi tham gia vào các nghi lễ mạo hiểm.

    Dẫu vậy Onbashira vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay, trở thành một lễ hội truyền thống mang tính lịch sử, chứa đựng những tinh hoa văn hóa về đời sống của nhân dân vùng Suwa, biểu đạt sự tôn thờ, gắn kết của con người với môi trường tự nhiên và thần linh.

    cột trụ thiêng được đặt tại đền suwa-taisha
    Các cột trụ thiêng được đặt tại đền Suwa-Taisha. Ảnh: Wikipedia

    Đối với người dân Suwa, nó không chỉ là một lễ hội. Họ đã đặt toàn bộ cơ thể và tâm hồn mình vào quá trình đưa những cây cột về thị trấn, khiến nó trở thành một cảnh tượng cuồng nhiệt và tràn đầy năng lượng. Như một người tham gia đã nói: “Đối với chúng tôi, Onbashira là cuộc sống”.

    Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ Yamadashi năm 2022 đã bị hủy bỏ. Lễ Satobiki dự kiến vẫn được tổ chức tại Kamisha (đền thượng) từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5, và ở Shimosa (đền hạ) từ 14 đến 16 tháng 5. Thông tin sẽ được cập nhật tại website chính thức của lễ hội onbashirafestival.com.

    kilala.vn

    01/04/2022

    Bài: Ái Thương
    Ảnh bìa: 4travel.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!