
Những lễ hội "phá hủy kiệu thần" tại Nhật
Trong các lễ hội truyền thống Nhật Bản, không khó để bắt gặp cảnh tượng những người đàn ông khỏe mạnh cùng khênh một chiếc kiệu trông giống như một đền thờ thu nhỏ, diễu hành trong tiếng hò reo và cầu nguyện của người dân. Đó chính là kiệu thờ Mikoshi (神輿) phương tiện ngự giá của các vị thần, là biểu tượng của sự linh thiêng trong văn hóa Nhật Bản.
1. Lễ hội Abare - tỉnh Ishikawa
Mỗi mùa hè, thị trấn Ushitsu yên bình trên bán đảo Noto lại trở nên náo nhiệt và tràn đầy năng lượng với một trong những lễ hội “bùng cháy” nhất năm - lễ hội Abare.

Lễ hội này bắt đầu từ thế kỷ 17, khi dịch bệnh hoành hành ở bán đảo Noto, người dân nơi đây đã cầu nguyện với các vị thần hùng mạnh ở đền Yasaka, tỉnh Kyoto ngày nay. Sau khi bệnh dịch qua đi, họ mang theo những chiếc đèn lồng khổng lồ rực rỡ gọi là Kiriko và rước đèn quanh làng để cảm tạ thần linh.
Từ đó đến nay, vào đêm thứ nhất của lễ hội Abare, người dân sẽ khênh những chiếc kiệu Mikoshi và đèn Kiriko diễu hành khắp thị trấn. Những đứa trẻ ngồi ở chân đèn Kiriko, đánh trống và thổi sáo trong lúc được khiêng đi vòng quanh một đám lửa lớn.

Vào đêm tiếp theo, hai chiếc kiệu Mikoshi nơi thần Susanoo ngự giá sẽ diễu hành dọc theo các khu dân cư để xua đuổi tà khí. Trên đường quay về đền thờ, những chiếc kiệu này sẽ bị ném mạnh xuống đất, thả xuống sông hoặc biển, rồi ném vào lửa, vùi vào tro trong tiếng hò hét đầy phấn khích của người xem. Những hành động này nhằm tạo nên bầu không khí sôi động dành riêng cho vị thần dũng mãnh Susanoo.



Kết thúc buổi diễu hành, những chiếc kiệu Mikoshi thường bị cháy xém và phần mái bị vỡ, nhưng dù có bị hỏng nặng ra sao, người dân vẫn tỉ mỉ sửa lại từng phần một.
- Địa điểm: Ushitsu, thị trấn Noto, Quận Housu, Tỉnh Ishikawa
- Thời gian: Đầu tháng 7
2. Lễ hội Ohoshi - tỉnh Kumamoto
Lễ hội Ohosi là một trong những lễ hội chính của đền Tsumori tại thị trấn Mashiki. Mỗi năm, 12 khu phố ở ba thị trấn Mashiki, Kikuyo và Nishihara sẽ luân phiên xây dựng một ngôi đền tạm trong khu phố, được gọi là “Okariya”. Sau đó, họ sẽ đón thần thể của vị thần Ohoshi trên một chiếc kiệu đến tạm cư tại ngôi đền này và thờ cúng trong một năm.

Trên đường di chuyển đến Okariya mới, những chiếc kiệu Mikoshi mang thần thể sẽ bị ném xuống đường hoặc những cánh đồng gần đó. Vị tư tế (Guuji) của đền thờ sẽ kiểm tra và hét lên “Mada, mada!” (Chưa được!). Chiếc kiệu sẽ tiếp tục được ném thêm vài lần nữa, cho đến khi Guuji tuyên bố “Kore made!” (Đủ rồi!). Lúc này, cả chiếc kiệu lẫn thần thể sẽ được trao cho khu phố tiếp theo.


Truyền thuyết kể rằng Ohoshi đã từng “giáng trần” rồi lần lượt đến thăm 12 ngôi làng mỗi hai năm một lần. Nghi thức phá kiệu Mikoshi tượng trưng cho nỗi buồn của dân làng khi phải chia tay vị thần và mong muốn thần linh sẽ cảm thấy vui vẻ khi thấy họ tận tụy tiễn đưa. Chiếc kiệu Mikoshi sẽ được sửa chữa sau lễ hội và ngôi làng đón thần về sẽ chịu chi phí.
- Địa điểm: thị trấn Mashiki, thị trấn Nishihara và thị trấn Kikuyo, tỉnh Kumamoto
- Thời gian: Cuối tháng 10
3. Lễ hội Iba no Sakakudashi - tỉnh Shiga
Hằng năm, trong lễ hội Sakakudashi được tổ chức tại thị trấn Iba, một chiếc kiệu Mikoshi nặng hơn 500kg sẽ được thả trượt xuống dọc theo sườn núi Kinugasa. Đây là nghi lễ chung của ba ngôi đền ở Iba: đền Sanposan trên núi Kinugasa, đền Boko dưới chân núi và đền Ohama.

Một ngày trước lễ hội, kiệu sẽ được di chuyển đến khuôn viên đền Sanposan để chuẩn bị cho hành trình trượt xuống cổng Torii ở chân núi. Đến ngày lễ, hai thiếu niên 15 tuổi sẽ ngồi lên kiệu trước khi nó được thả xuống. Những người đàn ông sẽ kéo dây thừng để đảm bảo kiệu trượt xuống an toàn, trong đó một đoạn có dốc nghiêng khoảng 60 độ.

Kiệu Mikoshi trượt đến cổng Torii dưới chân núi trong tiếng reo hò của đám đông dành cho lòng dũng cảm của những thiếu niên ngồi trong kiệu, đánh dấu cho nghi thức trưởng thành của những đứa trẻ này.

Ảnh: Thư viện Haga
- Địa điểm: Đền Sanposan, Iba-cho, thành phố Higashiomi, tỉnh Shiga
- Thời gian: Đầu tháng 5
kilala.vn
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận