Những điều cấm kỵ trong lễ Obon Nhật Bản
"Tháng cô hồn" đến với những điều kiêng kỵ được mọi người truyền tai nhau để tránh chuyện xui rủi, không may. Và ở Nhật Bản cũng tương tự khi tháng 7 âm lịch là thời điểm diễn ra Obon - dịp mà những linh hồn ở cõi âm quay trở về thế giới của người sống.
Dù thời gian tổ chức có thể khác nhau giữa các vùng tùy theo việc sử dụng âm lịch hay dương lịch, nhưng Hachigatsu Bon – Lễ Obon tổ chức vào tháng 8 (khoảng ngày 13-16) là phổ biến nhất. Trước đây khi Nhật Bản chưa chuyển sang sử dụng dương lịch thì Obon diễn ra vào tháng 7 âm lịch.
Obon tương tự với lễ Vu Lan ở Trung Quốc hay Việt Nam, được bắt nguồn từ Phật giáo. Và trong tháng 7 âm lịch mà người Việt chúng ta hay gọi là “tháng cô hồn”, nếu có những lời khuyên như kiêng kỵ chuyện đại sự (cưới hỏi, đi xa) hoặc những việc nhỏ hơn như không phơi quần áo buổi đêm, không nhặt tiền rơi, đốt vàng mã... thì ở Nhật cũng vậy.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Trong lễ Obon, khi những hồn ma trở về dương giới, người Nhật truyền tai nhau một số việc nên tránh để không gặp phải xui xẻo.
Xem thêm: Obon - Lễ Vu Lan của Nhật Bản
Chơi ở biển hoặc sông
Người ta nói rằng nhiều linh hồn tụ tập gần vùng nước như sông, biển trong thời gian diễn ra lễ Obon. Do đó, nếu “xuống biển sẽ bị ma kéo chân” và “bị đưa thẳng sang thế giới bên kia”.
Dù đây có thể chỉ là quan niệm mê tín hoặc truyền thuyết nhưng sự thật là khoảng thời gian diễn ra Obon cũng thường có bão. Thủy triều thay đổi và mực nước dâng cao do mưa lớn khiến bờ sông trở nên nguy hiểm.
Chuyển nhà, chuyển bàn thờ
Chuyển nhà là sự kiện đánh dấu một khởi đầu tốt lành. Vì vậy dân gian rất quan tâm đến ngày tháng, chẳng hạn như ngày Đại An (Taian) là ngày tốt để chuyển nhà.
Người Nhật tin rằng nếu thực hiện một sự thay đổi lớn như chuyển nhà trong dịp Obon, linh hồn của tổ tiên và người thân đã khuất có thể sẽ không thể quay trở lại, vì vậy tốt nhất nên tránh.
Câu cá và bắt côn trùng
Vào lễ Obon, các linh hồn được cho là “cưỡi” trên những sinh vật sống để quay về dương gian. Vì vậy, tốt nhất nên tránh giết hại động vật một cách bừa bãi.
Câu cá, bao gồm việc bắt và ăn cá, được coi là hành vi giết hại động vật, và bắt côn trùng cũng tương tự. Các loài côn trùng như muỗi và ruồi cũng không ngoại lệ.
May vá
May vá, thêu thùa trong dịp lễ Obon đều là việc cấm kỵ. Trong Phật giáo, máu được coi là “không tinh khiết”, vì vậy bất kỳ công việc may vá nào có thể khiến chảy máu đều bị coi là không nên. Không chỉ may vá mà còn nên tránh chạm vào những bông hoa có gai.
Cưới xin
Cũng có niềm tin rằng tốt hơn là nên tránh tổ chức đám cưới trong thời gian diễn ra Obon. Dù thời điểm này thuận tiện cho mọi người tụ tập trong kỳ nghỉ lễ, nhưng một số người có thể sẽ có những lo ngại liên quan đến vấn đề tâm linh.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận