NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Khám phá những lễ hội đua thuyền nổi tiếng ở Nhật Bản

    Được bao quanh bởi biển cũng như sở hữu mạng lưới sông ngòi, ao hồ rộng khắp, Nhật Bản là đất nước nhiều lễ hội đua thuyền.

    Lễ hội đua thuyền bắt nguồn từ thần thoại và Trung Quốc

    Một trong những lễ hội lâu đời nhất, nghi lễ Morotabune cổ xưa của Đền Miho ở thành phố Matsune, tỉnh Shimane, bắt nguồn từ truyền thuyết “kuni-yuzuri –国譲り” (chuyển nhượng đất đai) của vùng Izumo.

    Trong buổi lễ, một chiếc thuyền chở theo nhiều tay chèo, tái hiện cảnh sứ giả nhà trời đến gặp người cai trị Mihonoseki. Nghi lễ này sau đó phát triển thành một cuộc đua để cầu mong mùa màng và đánh bắt bội thu.

    nghi-le-morotabune
    Nghi lễ Morotabune cổ xưa của Đền Miho ở tỉnh Shimane. Ảnh: kankou-shimane.com

    Ở nhiều nơi tại Nhật, các nghi lễ tương tự với số lượng lớn tay chèo dần phát triển thành các cuộc đua sôi nổi, chẳng hạn như Hare ở Okinawa - bắt nguồn từ các cuộc đua thuyền rồng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

    Những cuộc đua đòi hỏi các đội phải phối hợp chặt chẽ vì chỉ cần một người chèo không đồng bộ cũng có thể làm chậm thuyền đáng kể. Các tay chèo có kinh nghiệm sẽ phải truyền dạy kĩ năng của mình cho các thành viên mới trong đội, tất cả đều luyện tập chăm chỉ cho đến khi cả đội có thể di chuyển trơn tru.

    Bao gồm yếu tố tôn giáo, các sự kiện này giúp tăng cường sự đoàn kết giữa các tín hữu. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về ba lễ hội đua thuyền thiêng liêng và đầy tự hào của các địa phương tại Nhật.

    Top 3 lễ hội đua thuyền ở Nhật Bản

    Itoman Hare (tỉnh Okinawa)

    Ở Okinawa, “Hari” (爬竜) – cuộc đua giữa những chiếc thuyền đánh cá truyền thống là sự kiện thường niên vào đầu mùa hè, được tổ chức vào ngày 4/5 theo lịch trước đây (năm 2024 rơi vào ngày 9/6).

    Các cuộc đua được tổ chức tại hơn 20 địa điểm, bao gồm các đảo nhỏ hơn trong quần đảo Okinawa. Ở Itoman, một thành phố ở mũi phía nam của đảo chính, cuộc đua đã có từ 600 năm trước và được người dân địa phương gọi là “Hare”.

    itoman-hare
    Đua thuyền Itoman Hare ở Okinawa. Ảnh: Nippon

    Về nguồn gốc, có giả thuyết cho rằng, người đứng đầu vương quốc Nanzan trên đảo Okinawa đã được chứng kiến một cuộc đua thuyền rồng ở Nam Kinh, Trung Quốc và ông đã tổ chức một sự kiện tương tự ở vùng đất mà mình cai trị vào khoảng năm 1400.

    Đến thời vương quốc Lưu Cầu (1429-1879), hare là một sự kiện quốc gia. Tuy nhiên, sau khi Okinawa trở thành một tỉnh của Nhật Bản vào năm 1879, sự kiện này đã bị cấm do chính sách tôn giáo của chính phủ.

    Mặc dù vậy, người Okinawa vẫn tiếp tục cuộc đua trên cạn bằng cách trang bị bánh xe cho các con thuyền. Sau gần một thế kỉ, cho đến Triễn lãm Hàng hải Quốc tế Okinawa năm 1975, cuộc đua dưới nước mới được tiếp tục trở lại.

    Trong lễ hội Itoman Hare, 60 đội từ 3 quận (Nishimura, Nakamura, Niijima) tranh tài với nhau và tìm ra đội chiến thắng với tổng số điểm cao nhất.

    Vào ngày diễn ra cuộc đua, đại diện từ 3 quận tụ họp từ sáng sớm tại nơi thờ cúng trên đồi. Cùng với nữ thần Noto, họ tạ ơn thần biển cả và cầu nguyện cho cuộc sống sung túc, đánh bắt bội thu.

    Sau buổi lễ, lá cờ xuất phát được kéo lên trên đỉnh đồi và cuộc đua bắt đầu tại cảng cá Itoman. Nhóm thanh niên của Hiệp hội Nghề cá tranh tài trên những chiếc thuyền gỗ truyền thống có sức chứa 13 người. 

    vay-co-hieu-xuat-phat
    Vẫy cờ hiệu xuất phát trên đỉnh đồi. Ảnh: Nippon

    Sau đó, các đội tập trung tại ngôi đền thờ vị thần bảo hộ của địa phương, cùng cất lên bài hát Hare và biểu diễn điệu múa dân gian mang tên Kachashi.

    hat-va-nhay-voi-mai-cheo-gio-cao
    Các đội tập trung hát và nhảy với mái chèo giơ cao. Ảnh: Nippon

    Tại cảng cá, cuộc đua giữa các nhóm thanh niên, nhóm học sinh THCS và nhóm công sở sẽ tiếp tục được tổ chức. Điểm nhấn của phần này là “kunnukase” - một chiếc thuyền được cố tình lật úp rồi dựng thẳng lại, sau đó các đội tiếp tục chèo thuyền.

    tinh-huong-lat-up-thuyen
    Tình huống lật úp thuyền, điểm nhấn của cuộc đua. Ảnh: Nippon

    Cuộc đua cuối cùng trong ngày là “Agaisubu" với tổng chiều dài 2.150m (3 vòng quanh cảng) và 3 chiếc thuyền tương ứng với 3 quận chạy quanh cảng ba lần. Trên đất liền, người dân của quận chiến thắng sẽ ăn mừng bằng cách ca hát và nhảy múa.

    Mifune Matsuri (Kyoto)

    Mifune Matsuri là cuộc đua thuyền diễn ra trên sông Kumano vào ngày thứ hai của lễ hội thường niên ở Đền Kumano Hayatama.

    Điểm xuất phát là Gongen Kawara, phía đông bắc ngôi đền, gần cầu Shin-Kumano Ohashi. Sau khi mikoshi (đền thờ di động) được đưa lên tàu, 9 chiếc thuyền sẽ bắt đầu chèo cùng lúc. Sau khi vòng quanh đảo Mifunejima 3 lần, các đội sẽ đua về đích ở bờ bên kia tại Otomo.

    cac-doi-vong-quanh-dao-mifunejima
    Các đội chèo thuyền vòng quanh đảo Mifunejima. Ảnh: Nippon

    Higashino Sumiyoshi Matsuri (Hiroshima)

    Đua thuyền kaidenma đã trở thành một truyền thống văn hóa ở đảo Osaki trên Biển Nội địa Seto qua nhiều thế hệ.

    Trong thời kỳ Muromachi (1336-1568), hòn đảo này là nơi ẩn náu của những tên cướp biển do gia tộc Kobayakawa của vùng Bitchu (một phần của tỉnh Okayama ngày nay) lãnh đạo. Để truyền thông tin và vận chuyển hàng hóa giữa tàu lớn và lực lượng trên bộ, những tên cướp biển đã sử dụng chiếc thuyền nhỏ có khả năng cơ động cao gọi là kaidenma.

    higashino-sumiyoshi-matsuri
    Đua thuyền kaidenma trong lễ hội Đền Sumiyoshi. Ảnh: Nippon

    Vào năm 1827, kaidenma được sử dụng để dẫn đường cho con thuyền chở mikoshi trong lễ hội thường niên ở Đền Sumiyoshi. Từ cuối thời Edo, đoàn diễu hành đã chuyển thành cuộc đua tốc độ với những màn giao tranh gợi nhớ đến thời kỳ cướp biển. Tuy nhiên, kể từ những năm 1950, cuộc đua bắt đầu mang tính thể thao nhiều hơn.

    Ngày nay, cuộc đua có bốn quận địa phương tham gia, họ không ngừng cải tiến thuyền của mình để đạt được lợi thế về tốc độ dù là nhỏ nhất.

    nguoi-danh-trong-giu-nhip
    Người đánh trống taiko để giữ nhịp. Ảnh: Nippon

    Tại lễ hội, bốn chiếc thuyền sẽ chèo trong bốn lượt, chiếc nào giành được tổng số điểm cao nhất sẽ chiến thắng. Mỗi thuyền bao gồm 14 tay chèo, một người đánh trống taiko tạo nhịp điệu, một người điều hướng bằng mái chèo lớn và những cậu nhóc cổ vũ đứng ở mũi và đuôi thuyền.

    cau-be-co-vu
    Cậu bé cổ vũ cho đội chèo. Ảnh: Nippon

    kilala.vn

    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!