Bunka no Hi: Ngày lễ tôn vinh văn hóa Nhật Bản
Ngày Văn hóa - Bunka no Hi (文化の日) được tổ chức vào ngày 03/11 hàng năm với thông điệp “yêu tự do và hòa bình, góp phần thúc đẩy văn hóa”. Ngày lễ này được ra đời năm 1948 để kỷ niệm sự kiện Nhật Bản công bố Hiến pháp thời hậu chiến vào ngày 03/11/1946. Tuần đầu tiên của tháng 11 được gọi là Tuần Văn hóa và Giáo dục (教育と文化の週), nơi các sự kiện liên quan đến giáo dục và văn hóa ở Nhật Bản được tổ chức nhằm nâng cao mức độ quan tâm và hiểu biết của công chúng, với sự tham gia của các trường học và đại học trên khắp đất nước.
Trước đó, đây vốn là một ngày đặc biệt với người dân Nhật Bản vì trùng với ngày sinh nhật của Thiên hoàng Minh Trị (trị vì từ 1867 – 1912). Đến năm 1927, ngày này trở thành ngày lễ quốc gia và được gọi là “Meiji Setsu - 明治節”. Nhưng với mong muốn nêu bật tầm quan trọng của ba từ “Tự do – Hòa bình – Văn hóa” sau khi ban hành Hiến pháp thời hậu chiến nên ngày 03/11 được chính thức đổi tên thành ngày Văn hóa.
Những sự kiện diễn ra trong ngày Bunka no Hi
Ngày Văn hóa không chỉ diễn ra trong vòng một ngày mà sẽ kéo dài vài ngày với nhiều lễ hội, sự kiện khác nhau trải dài ở khắp các địa phương, từ triển lãm nghệ thuật, diễu hành đến lễ trao giải danh giá dành cho những người có đóng góp tiêu biểu để quảng bá văn hóa Nhật Bản. Các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử hoặc khoa học trong thời gian này đa phần sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham quan. Đặc biệt, những buổi triển lãm được thiết kế riêng cho ngày lễ này nhằm giới thiệu các giai đoạn lịch sử của Nhật Bản.
Lễ trao giải Bunka-kunsho
Lễ trao giải thưởng Văn hóa (Bunka-kunsho - 文化勲章) sẽ diễn ra tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo. Đây là huy chương của Nhật Bản được trao cho những cá nhân đạt thành tựu trong việc quảng bá văn hóa nước nhà, thuộc các lĩnh vực như: khoa học, công nghệ, học thuật và nghệ thuật. Huy chương được ban hành vào năm 1937 bởi Thủ tướng lúc bấy giờ - Hiroyuki Hirota và được Nhật hoàng trao tặng vào Ngày Văn hóa hàng năm.
Hơn 400 người đã nhận được giải thưởng danh giá tính đến nay và không phải tất cả họ đều là người Nhật Bản. Trong danh sách nhận giải còn bao gồm cả nhà Nhật Bản học người Mỹ Donald Keene. Những người chiến thắng đáng chú ý khác là nhà thiết kế thời trang Issey Miyake, họa sĩ Ikuo Hirayama và học giả Haruko Wakita.Tuy nhiên, Kenzaburo Oe, tiểu thuyết gia nổi tiếng của Nhật Bản, người đoạt giải Nobel năm 1994 là người duy nhất đã từ chối nhận giải thưởng Văn hóa cho đến nay.
Lễ hội mùa thu đền Meiji
Diễn ra trong 3 ngày liên tục (01/11 – 03/11), Lễ hội Mùa thu ở đền Meiji kỷ niệm ngày sinh của Thiên hoàng Minh Trị, với các hoạt động biểu diễn võ thuật nhằm giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến du khách. Lễ hội bao gồm các sự kiện chính: Bugaku (舞楽), một điệu nhảy được biểu diễn để tuyển chọn tầng lớp tinh hoa, chủ yếu là trong triều đình Nhật Bản, trong hơn 1200 năm; Noh (能), một loại hình sân khấu kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo, thơ ca mang tính ước lệ và thẩm mỹ cao; Kyogen (狂言), vở hài kịch châm biếm những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của người dân; Hogaku (邦楽), âm nhạc truyền thống Nhật Bản và võ Aikido (合気道) hay hiệp khí đạo.
Đây cũng là cơ hội để xem Yabusame (流鏑馬), môn bắn cung trên lưng ngựa, nơi các cung thủ mặc trang phục truyền thống từ thời Kamakura, cùng với lễ nhập võ đài Sumo.
Đền Meiji là một ngôi đền hoàng gia có mối liên hệ với giai cấp quý tộc, do đó người biểu diễn tại lễ hội thường là những người đứng đầu trong các lĩnh vực. Ví dụ, lễ nhập võ đài Sumo được thực hiện bởi nhà vô địch Yokozuna, cấp bậc cao nhất trong môn Sumo, kể từ năm 1700 đến nay chỉ có 72 người đàn ông đạt được danh hiệu này.
Hakone Daimyo Gyoretsu – Lễ rước Lãnh chúa phong kiến
Hakone Daimyo Gyoretsu (箱根大名行列) được tổ chức tại khu vực Yumoto, thị trấn Hakone, tỉnh Kanagawa nhằm tái hiện lại đám rước của các lãnh chúa đến thăm Edo dưới thời trị vì của gia tộc Tokugawa. Buổi lễ diễu hành có sự tham gia của 200 người đàn ông và phụ nữ trong trang phục công chúa, Samurai, chiến binh Yakko, người lao động. để kỷ niệm tuyến đường Tokaido cũ, đi qua trung tâm của Hakone và nối liền Edo (Tokyo ngày nay) với Kyoto.
Lễ hội Tokyo Jidai Matsuri và vũ điệu Shirasagi No Mai
Tokyo Jidai Matsuri (東京時代祭) là một lễ diễu hành nhằm tái hiện lịch sử và văn hóa của Tokyo dọc theo các đường phố ở Asakusa. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 tại sự kiện mang tên Tokyo Renaissance, một nỗ lực để công nhận sự hiện diện độc đáo của Asakusa như là trung tâm lịch sử và văn hóa của Tokyo. Có khoảng 1600 tình nguyện viên tham gia bằng cách mặc trang phục lịch sử, đại diện cho các thời đại khác nhau. Cuộc diễu hành bắt đầu phía sau chùa Sensoji và kết thúc tại Asakusa Tawaramachi.Một sự kiện khác diễn ra tại chùa Sensoji vào ngày này là Vũ điệu Shirasagi No Mai (白鷺の舞) – chim diệc trắng, được tổ chức từ năm 1968 để đánh dấu kỷ niệm 100 năm Edo đổi tên thành Tokyo.
Có 8 vũ công mặc trang phục chim diệc đi cùng với 3 người hỗ trợ có các vai trò khác nhau: người cho chim ăn, người gầm gậy và người mang dù che nắng. Điệu múa này chỉ được biểu diễn một vài lần trong năm như vào Tuần lễ Vàng và ngày Văn hóa ở Nhật Bản.
Liên hoan nghệ thuật quốc gia ACA
Kể từ năm 1946, Liên hoan Nghệ thuật Quốc gia của Cơ quan Văn hóa (ACA) được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho đông đảo công chúng thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của Nhật Bản, đồng thời khuyến khích sáng tạo và phát triển nghệ thuật.
Sự kiện này diễn ra vào mùa thu, bao gồm các màn biểu diễn được tài trợ, đồng tài trợ thuộc thể loại trình diễn (sân khấu, âm nhạc, khiêu vũ và biểu diễn giải trí.) hoặc sản xuất (phim truyền hình, phim tài liệu, radio, bản thu âm). Những người tham gia biểu diễn đều là người có đóng góp xuất sắc trong việc quảng bá văn hóa nghệ thuật, từng nhận những giải thưởng lớn và đều được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ lựa chọn.
kilala.vn
03/11/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận