Sarufutsu – Ngôi làng nhỏ giàu có nhờ sò điệp
Tokyo là thành phố đắt đỏ nhất nước Nhật – Đúng, nhưng không phải tất cả cư dân giàu có của Nhật Bản đều sống ở thành phố. Tìm hiểu làm thế nào một ngôi làng nhỏ ở Hokkaido với 2.700 dân được biết đến là một trong những nơi giàu có.
Để đến được Sarufutsu, chỉ có một chuyến bay thẳng mỗi ngày từ Haneda đến Wakkanai. Từ sân bay, di chuyển bằng ô tô 1 giờ, bạn sẽ đến được làng chài Sarufutsu, nơi không có tàu hỏa, trung tâm thương mại, với dân số chỉ vỏn vẹn 2.700 người, nhưng lại có thu nhập cao thứ 6 trong số 1.741 đô thị của Nhật Bản. Dân làng, nhiều người trong số họ là ngư dân, có thu nhập trung bình hàng năm là 7.317.405 yên (hơn 1 tỷ đồng).

Ông Masahiko Kimura đến từ Hiệp hội Hợp tác xã Công nghiệp đánh bắt cá Sarufutsu cho biết nghề đánh bắt cá trích và đánh bắt sò điệp phát triển mạnh ở làng Sarufutsu từ xa xưa, nhưng trong những năm 1950, sản lượng đánh bắt của cả hai đều giảm đáng kể và nhiều ngư dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ nghề.
Năm 1970, hợp tác xã ngư dân của làng đã thay đổi mô hình kinh doanh và thống nhất chung về hệ thống khấu trừ lương. Bên cạnh đó, Hiệp hội Hợp tác xã Công nghiệp đánh cá Sarufutsu đã thực hiện chuyển đổi từ ngành đánh bắt thẳng sang ngành “nuôi và đánh bắt”.

Cụ thể, họ sẽ chia ngư trường thành bốn khu vực và thả sò điệp vào một khu vực mỗi năm. Sò điệp sẽ được thu hoạch sau khi được nuôi trên biển suốt 4 năm và đạt kích thước gấp đôi, theo phương pháp được gọi là “hệ thống 4 vòng”.
Trong khi đó, hợp tác xã khấu trừ một khoản lớn vào thu nhập của mỗi ngư dân hàng tháng. Họ thành lập một quỹ quản lý tài sản, mỗi quỹ có khoảng 70 nghìn yên. Ban đầu, những ngư dân giàu có chủ yếu phản đối điều này. Tuy nhiên người đứng đầu giải thích rằng điều này sẽ giúp tất cả mọi người đều kiếm được tiền.
Sò điệp của làng Sarufutsu, được các chuyên gia trong ngành sò điệp nuôi dưỡng cẩn thận, được chế biến thành sản phẩm đông lạnh được gọi là “Tamarei” và cồi sò điệp khô, sau đó được vận chuyển đến nhiều nơi ở Nhật Bản và nước ngoài. Nhà máy đông lạnh nằm ở phía bến cảng đã đạt được chứng nhận HACCP (Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) của EU và cũng đã được vận chuyển ra nước ngoài, bao gồm cả sang EU.

Hoạt động kinh doanh của Sarufutsu mở rộng theo cấp số nhân vào khoảng năm 2010 khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu thêm sò điệp từ khu vực này. Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là sò điệp, từ Nhật Bản sang Trung Quốc tăng từ 9,6% lên 46,6% tổng lượng xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến năm 2015, sản lượng tăng gấp 8 lần. Năm 2022, sản lượng sò điệp trong nước đạt 5,12 triệu tấn, 83% trong số đó đến từ Hokkaido.
Tuy nhiên, việc nghề cá ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngành này đã phải hứng chịu một đòn nặng nề trong năm nay. Xuất khẩu giảm mạnh 39% do lệnh cấm thủy sản Nhật Bản sau sự cố xả nước thải Fukushima ngày 24/8. Theo Cơ quan Thủy sản, giá sò điệp gần đây đã giảm từ 11 đến 27%, điều này phần nào đã gây ra khó khăn cho ngôi làng này.

Xem thêm: Mũ bảo hiểm sáng tạo làm từ vỏ sò
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận