Nakano Broadway - "thánh địa" dành cho Otaku tại Tokyo

    Ban đầu được xây dựng để trở thành khu mua sắm cao cấp, nhưng sau cùng Nakano Broadway lại trở thành "thánh địa" của giới Otaku, bên cạnh khu phố Akihabara đã quá nổi tiếng.

    Nằm ở cuối khu mua sắm Nakano Sun Mall của Tokyo, Nakano Broadway được mệnh danh là thiên đường dành cho Otaku với hàng loạt cửa hàng chuyên bán các mặt hàng văn hóa đại chúng nổi tiếng của Nhật như figure, anime, manga, trò chơi điện tử... Không chỉ thu hút người hâm mộ trong nước, mà đông đảo tín đồ nước ngoài cũng tìm đến đây.

    Cùng với Akihabara, Nakano Broadway đã trở thành một biểu tượng mua sắm sầm uất ở Tokyo với lịch sử tồn tại và phát triển hơn 50 năm. Tuy có sức ảnh hưởng không hề nhỏ ở hiện tại, nhưng ít ai biết rằng Nakano Broadway đã từng trải qua khoảng thời gian đầy biến động.

    Từ thăng trầm đến lột xác

    Năm 2022 đánh dấu cột mốc 56 năm thành lập Nakano Broadway (中野ブロードウェイ). Là tòa nhà gồm 10 tầng và 3 tầng hầm, Nakano Broadway cách ga JR Nakano, Tokyo khoảng 5 phút đi bộ.

    Tầng 5 đến tầng 10 là căn hộ và cư dân có thể tiếp cận một số tiện ích như hồ bơi tầng thượng, khu vui chơi và sân vườn. Hai tầng hầm dưới cùng tập trung các cửa hàng điện tử, còn từ tầng hầm còn lại đến tầng 4 thì đông đúc người qua lại với hơn 350 cửa hàng khác nhau. 

    thánh địa Otaku Nakano Broadway
    Nakano Broadway, thánh địa của Otaku. Ảnh: town.ietan.jp

    Khi khai trương vào năm 1966, nơi đây được giới thiệu là “Tòa nhà tuyệt vời nhất châu Á”. Nakano Broadway đi đầu trong xu hướng bùng nổ các tòa nhà cao ốc dành cho khu dân cư sang trọng, và các cửa hàng bán lẻ tại đây trở thành ngôi nhà cho nhiều thương hiệu cao cấp. Những cư dân đầu tiên của tòa nhà có ca sĩ Sawada Kenji và diễn viên kiêm chính trị gia Aoshima Yukio. 

    Tuy nổi danh ngay từ thời điểm ra mắt, nhưng sau một thập kỷ, khu phức hợp Nakano Broadway đã bị lu mờ bởi sự xuất hiện của các trung tâm thương mại mới mọc lên dọc theo tuyến Chuo như Shinjuku, Ogikubo và Kichijouji. Do mất đi khả năng cạnh tranh, nhiều cửa hàng ở đây đã rời đi. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nơi đây trở nên vắng vẻ, hầu như không hoạt động.

    Giữa lúc vận may của Nakano Broadway tụt dốc, thì vào năm 1980, một hiệu sách cũ rộng vỏn vẹn 7m2 có tên là Mandarake xuất hiện tại tầng 2 đã trở thành tia hy vọng mới cho nơi này. Cửa tiệm chuyên về manga cũ, được điều hành bởi Furukawa Masuzou, khi ấy 30 tuổi.

    Chỉ sau 2 năm ra mắt hiệu sách đầu tiên, Furukawa đã nhanh chóng mở thêm cửa hàng tiếp theo ở phía Bắc của tầng 3, và sau đó là một cửa hàng khác đối diện với cầu thang chính cùng tầng. 

    cửa hàng Mandarake Honten
    Cửa hàng chính của Mandarake nằm ở tầng 3 của tòa nhà Nakano Broadway. Ảnh: Nippon

    Mandarake được thiết kế khá độc đáo, đầu tiên là “Ladies Kan – Khu vực dành cho nữ” chuyên về manga, anime dành cho nữ giới và các mặt hàng liên quan. Tiếp đến là “Mania Kan” bày bán các tác phẩm Doujinshi (tác phẩm manga, tiểu thuyết... nghiệp dư, tự xuất bản do người hâm mộ thực hiện, trong đó lấy nhân vật yêu thích làm nhân vật cho tác phẩm của mình), cùng với những quyển sách hiếm ở thời trước và sau Thế chiến thứ hai. 

    Ngoài ra, cửa hàng còn có thêm “Special Kan” - khu vực chuyên về đồ chơi, mô hình dụng cụ sửa xe, đĩa phim anime và live-action của các tác phẩm siêu nhân. 

    cửa hàng Mandarake Henya
    Mandarake Hen-ya ở tầng 4, chủ yếu bày bán linh vật quảng cáo và sản phẩm trước chiến tranh hoặc retro. Ảnh: Nippon 

    Như cá gặp nước, Mandarake tiếp tục mở rộng chi nhánh và phủ khắp những địa điểm còn trống của Nakano Broadway. Hiện tại, đã có 35 cửa hàng Mandarake phân bố từ tầng một đến tầng bốn của khu phức hợp. 

    Tấm gương về sự thành công của Mandarake đã thu hút nhiều doanh nghiệp khác trên khắp Nhật Bản, chuyên cung cấp mặt hàng cho các fandom nhỏ về manga, anime, ca sĩ thần tượng, phim điện ảnh, phim Tokusatsu, đấu vật chuyên nghiệp...

    Từ một hiệu sách cũ mở cửa vào năm 1980, Mandarake đã trở thành chất xúc tác tạo nên sự bùng nổ cho văn hóa đại hóa chúng ở Nhật những năm 90, rồi trở thành "vùng đất thánh" của subculture*.

    *Subculture (văn hóa phụ, tiểu văn hóa hay nhóm văn hóa) là một nhóm thuộc nền văn hóa lớn hơn, thường có niềm tin hoặc sở thích khác biệt với những người của nền văn hóa mà nó thuộc về. Ví dụ: otaku, cosplayer...

    ông Yujiro Tsujinaka
    Ông Yujiro Tsujinaka trở thành chủ tịch thế hệ thứ hai của Mandarake từ ngày 18/12/2020. Ảnh: recycle-tsushin.com

    Những cửa tiệm vận hành bằng sức trẻ và đam mê 

    Đến những năm 80, trong những ngóc ngách của Nakano Broadway đã diễn ra nhiều thay đổi mạnh mẽ khi vấn đề quyền sở hữu trở nên ngày càng phức tạp. 

    Ban đầu, các khu vực bán lẻ ở Nakano Broadway chỉ được bán cho các chủ sở hữu. Về sau, khi chủ sở hữu bắt đầu cho thuê cửa hàng của mình, mọi chuyện ngày càng khó kiểm soát. Cuối cùng dẫn đến tình trạng không thể quản lý được tất cả các khu vực bán lẻ ở Nakano Broadway.

    tầng 1 của nakano broadway
    Tầng 1 của tòa nhà Nakano Broadway. Ảnh: Nippon 

    Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng về quản lý, những người trẻ lại nhìn thấy cơ hội. Các cửa hàng nhỏ, chật chội đồng nghĩa với giá thuê thấp. Điều này đã thu hút những nhà khởi nghiệp trẻ thiếu vốn nhưng không thiếu đam mê tin rằng mình có đủ khả năng cạnh tranh.

    Chính số lượng và sự hiện diện của những chủ cửa hàng trẻ đã tạo nên điểm sáng mới cho môi trường bán lẻ ở Nakano Broadway, mang đến cảm giác độc lạ, khác biệt hoàn toàn so với những trung tâm mua sắm còn lại. 

    Ý tưởng bất kỳ ai cũng có thể mở một cửa hàng kinh doanh ở Nakano Broadway đã thúc đẩy, hình thành một môi trường bán lẻ "hỗn loạn" nhưng vẫn trong tầm kiểm soát tại khu trung tâm mua sắm này. Mô hình trên vẫn thống trị đến tận ngày nay, bằng chứng là các chủ cửa hàng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cải tạo hay hồi sinh lại tòa nhà cũ kỹ này, và các kế hoạch được đề xuất rồi trì hoãn hết lần này đến lần khác. 

    "Thánh địa" của Otaku toàn cầu 

    Vào những năm 90, Nakano Broadway trở thành địa điểm tin cậy để người hâm mộ các loại hình văn hóa đại chúng như anime, manga, trò chơi điện tử... có thể tìm, thu thập được lượng lớn thông tin, sản phẩm cho niềm đam mê của mình. Từ đó, biến nơi đây trở thành một "thánh địa" của các Otaku

    cửa hàng mandarake
    Một trong các cửa hàng Mandarake ở Nakano Broadway. Ảnh: Wikipedia 

    Đồng thời, sự xuất hiện của Internet vào thời gian này cũng góp phần thúc đẩy xu hướng trên. Nhà văn Watanabe Kouji sống ở khu vực này chia sẻ: “Sự lan truyền của Internet đã biến Nakano Broadway trở thành vùng đất thánh dành cho Otaku trên khắp thế giới, họ đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc Mexico, Iran và nhiều nơi khác."

    thánh địa otaku nakano broadway 2
    Nakano Broadway thu hút Otaku từ khắp thế giới. Ảnh: japantimes.co.jp

    "Một khi biết đến sự tồn tại của khu mua sắm, họ biết rằng mình phải đến đó. Việc biết những đam mê của mình hội tụ đủ ở Nakano Broadway càng khiến cho tòa nhà trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết”, ông nói thêm. Trong suốt thời gian này, số lượng người nước ngoài tại Nakano Broadway đã tăng lên theo cấp số nhân. 

    Khi đại dịch ập tới 

    Vào khoảng năm 2010, công ty Kaikai Kiki được điều hành bởi nghệ sĩ nổi tiếng Murakami Takashi đã mở các phòng trưng bày và quán cà phê tại Nakano Broadway. Thậm chí, vào tháng 05/2016, Murakami còn chuyển hoạt động kinh doanh đến đây và thành lập nên văn phòng Zingaro Yokochou ngay tại Nakano Broadway. 

    cửa hàng Tonari no Zingaro
    Cửa hàng Tonari no Zingaro ở tầng 4 của tòa nhà. Ảnh: Nippon 

    Tiếp đó, vào năm 2018, ông đã xây dựng cửa hàng bán lẻ chính thức của mình mang tên Tonari no Zingaro. Cửa hàng có đa dạng các sản phẩm của Kaikai Kiki, chẳng hạn như tranh in nghệ thuật, tờ rơi, áp phích và nhiều món đồ hấp dẫn khác.

    Những hàng dài người hâm mộ xuất hiện mỗi khi cửa hàng ra mắt sản phẩm mới, và chẳng cần nói, rất đông trong số họ đến từ nước ngoài, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản. Số lượng du khách ghé thăm Nhật đạt top 10 triệu người vào năm 2010, rồi tăng gấp đôi vào năm 2015 với 20 triệu người và chạm mốc 31 triệu người vào năm 2018. 

    Theo đó, các cửa hàng ở Nakano Broadway cũng dần làm các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn, cũng như tờ rơi thông tin thiết kế dành riêng cho du khách nước ngoài. 

    bên trong nakano broadway
    Nakano Broadway dần hồi sinh sau đại dịch. Ảnh: tripadvisor.com

    Tuy vậy, khi đại dịch ập tới, mọi thứ tại Nakano Broadway đã thay đổi. Gần 32 triệu lượt khách nước ngoài ghé đến Nhật vào năm 2019 đã giảm xuống còn 4 triệu người vào năm 2020 và chỉ đạt con số khiêm tốn 245.000 người vào năm 2021. Số lượng khách nước ngoài đến tìm kiếm các văn hóa phẩm từ anime, manga yêu thích cũng theo đó mà giảm xuống, biến Nakano Broadway trở thành một thị trấn điêu tàn. Đây cũng là lần đầu tiên mà sự già cỗi của nó được phơi bày rõ như vậy.

    Là một công trình đã 56 tuổi, Nakano Broadway hiện nay phải đối diện với nhiều vấn đề đáng lo ngại như các biện pháp ứng phó với động đất, hệ thống dây điện, ống nước và các vấn đề bảo trì khác.

    Tuy nhiên, may mắn là khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, khách du lịch nước ngoài đang bắt đầu quay trở lại. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại sự sầm uất như trước đây cho Nakano Broadway, thiên đường của giới Otaku. 

    kilala.vn

    24/08/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon
    Ảnh bìa: tsunagujapan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!