Khám phá Kanazawa - Thành phố của vàng & văn hóa võ sĩ (P2)

    Nếu bạn đang có dự định du lịch đến khu vực Chubu Nhật Bản, đừng bỏ qua thành phố Kanazawa, nơi được mệnh danh là xứ sở của nghề dát vàng và các sản phẩm làm từ vàng lá. 

    Dưới đây là 5 địa điểm tham quan mà bạn không thể bỏ qua khi đến Kanazawa (phần tiếp theo).

    Công viên Kenrokuen

    Được xây dựng từ thới Edo, Kenrokuen là một trong 3 khu vườn danh tiếng nhất Nhật Bản. Với mô hình ngao du sơn thủy, khu vườn có đầy đủ hòn non bộ, hồ thanh thủy, trăm loài kỳ hoa dị thảo cùng với trà thất truyền thống. Bên trong khuôn viên có một đài phun nước, thoạt nhìn qua có vẻ bình thường, nhưng nếu biết rằng hoàn toàn không có một động cơ nào vận hành thì bạn sẽ ngạc nhiên lắm. Dòng nước phun trào liên tục cao gần 3,5m này hoàn toàn do lực đẩy của tự nhiên, và đã ra đời từ gữa thế kỷ 19 đến nay.

    công viên kenrokuen
    Khuôn viên bên trong công viên Kenrokuen.

    “Ngôi sao” của khu vườn này chính là tháp đèn lồng Kotoji. Tháp đèn cao 2,67m với chân tháp vòng cung duyên dáng có hình dáng giống như chân đế dây đàn Koto. Ngoài ra ngay giữa khuôn viên còn có một đài tưởng niệm Minh Trị (hay còn được gọi là tượng Yamato Takeru no Mikoto) bằng đồng cao 5,5m, sừng sững trên bệ đá cao 6,5m gồm 14 tảng xếp chồng lên nhau, tạo nên nhiều hình thú khá thú vị. Tượng đài được xây dựng từ năm 1880, với mục đích nhằm tôn vinh và xoa dịu cho những vong linh chiến sĩ của địa phương đã ngã xuống trong cuộc chiến Tây Nam. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy các tảng đá sần sùi ở phần đế ấy lại có hình dáng của một đầu rắn, một con ốc sên và một con cóc. Tương truyền rằng nhờ có 3 con vật này bảo vệ nên bệ đá vẫn luôn vững vàng qua hàng trăm năm.

    công viên kenrokuen
    Đài tưởng niệm Minh Trị trong công viên.

    Dãy nhà cổ Nagamachi Buke Yashiki

    Nagamachi từng là nơi tập trung nhiều dòng dõi Võ gia thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu dưới Phiên Kaga (đơn vị hành chính trước thời Minh Trị, tương đương đơn vị một tỉnh thời hiện giờ). Trải qua gần 400 năm, dãy nhà cổ vẫn giữ nguyên những bức tường đất dài hàng trăm mét với lớp rơm rạ phủ ngoài để bảo vệ ngôi nhà vào những mùa tuyết phủ, mái nhà lợp theo kiểu Kobabuki cùng kiến trúc sân vườn hữu tình. Dãy nhà cổ được giữ nguyên hiện trạng cả trong lẫn ngoài. Người tham quan có thể dễ dàng hình dung ra cuộc sống hàng ngày của tầng lớp võ sĩ trung lưu và thượng lưu đương thời.

    dãy nhà cổ
    Bức tường đất dài hàng trăm mét và lớp rơm rạ phủ ngoài.
    dãy nhà cổ
    Ngôi nhà có kiến trúc sân vườn hữu tình.

    Chùa Ninja

    Vì sao ngôi chùa có tên là Ninja? Có phải ngày xưa Ninja đã từng trú ngụ ở đây? Thật ra trong lịch sử của ngôi chùa chưa bao giờ có Ninja tồn tại, nhưng vì thiết kế phức tạp như mê cung với nhiều bẫy sập nhằm bảo vệ Phiên chủ đời thứ 3 của vùng Kaga lúc bấy giờ nên nhân dân thường gọi ngôi chùa Myouryuji với cái nên dân dã là “Chùa Ninja”.

    chùa ninja
    Ngôi chùa Myouryuji với cái tên dân dã là “Chùa Ninja”.

    Điểm thú vị nhất là khi người tham quan tận mắt nhìn thấy cách thức hoạt động của hệ thống cửa 2 chiều, những chiếc cầu thang “vô hình” ẩn sau hai ba lớp cửa, căn phòng có đến 6 cửa thoát hiểm dẫn đến 6 cầu thang, mật thất cho phép quan sát kẻ xâm nhập mà không ai biết, tầng gác xép bí mật chỉ Phiên chủ được sử dụng hay miệng giếng trú ẩn tương truyền dẫn ra đến con sông gần đó…

    chùa ninja
    Sảnh chính của ngôi chùa.

    Ngay sảnh chính của chùa có lắp đặt một hố bí mật, người xưa từng sử dụng làm hầm chông bẫy địch. Ngày nay hố bí mật đã được chuyển công năng thành Saisenbako – là nơi khách viếng chùa bỏ tiền phước sương, gửi gắm theo những mong ước riêng của mình. Thông thường người Nhật sẽ thảy vào đồng xu 5 yên (Tương đương 1.000VND), vì 5 yên đọc theo tiếng Nhật là “Goen” – trùng với chữ Hợp Duyên, với niềm tin duyên lành sẽ đến với họ.

    kilala.vn

    13/07/2020

    Bài: Tama Duy Ngọc
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!