Khám phá Bảo tàng Osaka từ tầng 10 xuống tầng 1
Bảo tàng có thang máy chỉ có 2 nút: Tầng 1 và tầng 10!
Ấn tượng đầu tiên khi bạn nhìn thấy bảo tàng này chính là
nó… quá cao. Cổng chính hình vòm, lát kính, sáng lên trong ánh nắng, vừa bước
vào là một đại sảnh lớn ngập tràn ánh sáng do xung quanh đều là cửa kính. Không
gian hết sức rộng rãi thoáng đãng và được bày trí khoa học, đẹp mắt.
Tầng 10
Điểm nổi bật nhất của tầng này là khu tái hiện Daikokugen. Những bức tượng kích cỡ người thật được sắp xếp như thể đang đứng chầu vua. Trên cao có những màn hình chiếu một đoạn phim dài bốn phút về lịch sử Naniwa. Vài phút một lần, tất cả màn cửa sẽ tự động hạ xuống, tạo thành một không gian tối để khách tham quan theo dõi bộ phim hệt như đang ở trong rạp chiếu. Nếu có hứng thú, bạn có thể mặc thử áo mũ và chụp hình miễn phí với các bức tượng.
Tầng 9
Tầng 9 tái hiện Osaka thời trung đại và cận đại, với cách trưng bày theo trình tự hết sức khéo léo sẽ dẫn dắt bạn tham quan thành phố cảng Osaka thời Edo. Chúng ta phải thán phục khả năng sáng tạo của người Nhật, thậm chí nên gọi họ là “ảo thuật gia” với các bức ảnh. Bằng cách vận dụng luật xa gần và hiệu ứng thẩm mĩ, họ đã tạo nên những bức tranh “3D” cực sống động tái hiện một thành phố cảng sầm uất với nào bến đò, chợ cá, chợ gạo, chợ rau củ.Đặc việt, các bạn không thể không bị cuốn hút bởi các mô hình cực tinh xảo miêu tả các công trình thời Edo với kích thước tỉ lệ 1/25 hoặc 1/40.
Tầng 8
Tầng 8 là một “công trường khảo cổ” thu nhỏ nơi bạn có thể
tham gia trải nghiệm các bước “khảo cổ” nhưng đào đất, xem xét mẫu đá. Có hẳn
một cuốn “cẩm nang” hướng dẫn các bước, đảm bảo.
Tầng 7
Đến tầng 7: Thời hiện đại, bạn sẽ được tham quan một “khu phố” với các tượng
người và gian hàng kích thước như thật. Đầu phố có bốt điện thoại, đi xuống là
hàng rau, hàng cá, tiệm thời trang. Khu phố thu nhỏ này chính là mô phỏng một
thời kì chuyển giao và hội nhập văn hóa phương Tây mạnh mẽ tại Nhật Bản. Ở đây
bài trí các gian phòng mô tả cuộc sống thời đó của người dân Nhật với sự chuyển
giao: sự đô thị hóa, nhà của chuyển từ truyền thống sang nét phương Tây, những
thời trang Tây phương du nhập bên cạnh trang phục truyền thống Nhật Bản.
Tầng 6
Kết thúc 4 tầng với 4 thời đại, tầng 6 được dành để đặc biệt
trưng bày rất nhiều hiện vật mang tính nghệ thuật, trong số đó có những bảo vật
quốc gia hoặc bảo vật được hiến tặng. Tầng này dành một không gian rộng lớn để
trưng bày các mẫu tóc, mẫu trang phục và búp bê trong nghệ thuật Bunraku - nghệ
thuật múa rối khởi phát từ Osaka. Lượng hiện vật hết sức phong phú ở đây là một
minh chứng rõ ràng cho sự ảnh hưởng sâu rộng của loại hình nghệ thuật này trong
đời sống Nhật Bản.
Tầng 5 đến tầng 2
Từ tầng 5 đến tầng 2 dùng cho mục đích học tập, ví dụ như tầng 2 có thư viện với hơn 6000 đầu sách và tư liệu liên quan đến
lịch sử Osaka, có cả giảng viên sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc về Osaka cho người
muốn tìm hiểu.
Tầng 1
Sau khi tham quan, chúng dùng thang máy xuống lại tầng 1, nơi có tiệm cà phê và cửa hàng lưu niệm. Cửa hàng có rất nhiều quà lưu niệm đậm chất Nhật Bản ví như Daruma hay mô hình lâu đài Osaka, đảm bảo sẽ khiến các bạn “mắt chữ A miệng chữ O” vì quá lung linh và đa dạng. Giá cả quà lưu niệm đa phần khá cao, nhưng chất lượng đảm bảo sẽ khiến bạn hài lòng!
Bảo tàng ở Nhật khác bảo tàng Việt Nam thế nào?
Công nghệ hiện đại: Nhiều bảo tàng Nhật có hệ thống màn hình lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm cái. Ví như trong bảo tàng Lịch sử Osaka, trên mỗi mô hình công trình đều có một màn hình mô phỏng lịch sử công trình đó.
Ánh sáng: Không giống các bảo tàng Việt Nam chúng ta thường chọn đèn màu sáng và các bệ trưng bày màu trắng, bảo tàng lịch sử Osaka (cũng như rất nhiều các bảo tàng khác ở Nhật) thường sử dụng đèn nhỏ, ánh sáng nhẹ màu vàng cam. Mỗi tầng trừ khu vực ngắm cảnh thì khu trưng bày gói gọn trong không gian khá kín và hơi tối. Nhưng chính cách phối này tạo hiệu ứng thẩm mĩ rất tốt khi giúp các vật trưng bày nổi bật hẳn lên.
Âm nhạc: Người Nhật thường nổi tiếng vì sự tinh tế,
trong bảo tàng này, mỗi tầng - mỗi thời đại - đều có một điệu nhạc riêng, khi
trầm nhẹ, khi hào hùng tùy vào thời đại mà bạn đang tham quan. Nhạc được
phát liên tục, chọn lựa kĩ càng, phù hợp với không gian và có tác dụng rất lớn
khơi dậy hứng thú khám phá trong lòng khách tham quan.
Trò chơi cho khách tham quan: Sau khi mua vé, bạn sẽ được phát một tờ hướng dẫn (chúng ta có thể chọn bản tiếng Anh hoặc tiếng Nhật), mặt sau tờ hướng dẫn này có một chỗ trống để bạn đóng dấu, đánh dấu rằng bạn đã từng đến đây. Rất nhiều bảo tàng ở Nhật có dịch vụ “lưu dấu kỉ niệm” này. Ngoài ra, các bảo tàng luôn nghĩ ra những trò chơi “nhỏ mà có võ”, ví như ngoài đóng con dấu vào phiếu hướng dẫn, tại mỗi tầng ngay cửa vào đều có nơi lấy câu đố. Cứ mỗi trạm như vậy có một câu đố, sau khi trả lời thì đóng dấu mộc vào tập câu đố, như thể chúng ta đang tham gia một hành trình tìm kiếm và khám phá đầy thú vị. Đồng thời, trong bảo tàng có rất nhiều mô hình phục dựng kích thước lớn chủ ý cho du khách chụp hình kỉ niệm.
Bảo tàng tại Nhật đã không còn chỉ là nơi thu nhận kiến thức, mà là một chốn thư giãn và cả giải trí, cho nên nếu có cơ hội đến Nhật Bản, hãy dành thời gian tham quan một bảo tàng nào đó, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú với cách mà người Nhật hiện đại hóa, sinh động hóa lịch sử để đưa lịch sử đến gần hơn với mọi người!
An Thuỷ/ kilala.vn
24/10/2017
Bài: An Thuỷ/ Cover: wanderingjulia.files.wordpress.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận