Giải mã "vệt đỏ" bí ẩn xuất hiện 1.400 năm trước tại Nhật
Vệt đỏ xuất hiện gây tranh cãi
Lịch sử ghi lại, vào ngày 30/12/620, những vệt sáng màu đỏ tươi bất ngờ xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản. Theo mô tả trong những ghi chép lịch sử, hình dạng của vệt sáng này giống đuôi con chim trĩ với chiều dài hơn một trượng. Khi ấy, khoa học công nghệ vẫn chưa phát triển, việc dị tượng xuất hiện lại không thể giải thích được đã làm dấy lên sự hoang mang cho người dân Nhật Bản ở thời điểm đó. Người ta đặt ra đây là dự báo điềm chẳng lành, bởi trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, chim trĩ là sứ giả của thần linh, dị tượng màu đỏ xuất hiện có thể là điều không may mắn.
Giải mã vệt đỏ bí ẩn
Từ những ghi chép trong lịch sử, các nhà thiên văn học, khí tượng học, vật lý học đã lao vào nghiên cứu. Tuy nhiên, với tư liệu ít ỏi lại còn phải dịch lại từ tiếng Nhật cổ sang tiếng Nhật hiện đại, việc nghiên cứu để tìm ra câu trả lời chính xác đã vướng phải ít nhiều trở ngại. Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu tìm kiếm địa cực Quốc gia và Đại học nghiên cứu Nâng cao ở Sokendai tự tin cho biết, họ đã tìm ra câu trả lời chính xác cho hiện tượng này.
Một trong những người nghiên cứu tại Viện nghiên cứu, anh Kataoka cho biết: “Đây có thể là hiện tượng thiên văn lâu đời nhất Nhật Bản. Vệt đỏ này rất có khả năng là cực quang đỏ được tạo ra trong cơn bão từ.”
Trước đây, có rất nhiều giả thuyết đặt ra cho vệt đỏ này, trong đó nổi bật có giả thuyết về sao chổi và giả thuyết về cực quang. Tuy nhiên, hai ý tưởng này ở thời điểm trước vẫn không thể thuyết phục được mọi người do mỗi giả thuyết đều có lỗ hổng. Ví dụ như Aurora Borealis - cực quang Trái Đất (có tên gọi khác là Ánh sáng phương Bắc): hiện tượng này xuất hiện nhưng vệt sáng của nó không giống đuôi chim trĩ. Còn nếu là sao chổi thì ánh sáng của sao chổi lại không có màu đỏ mà thường là các màu trắng, vàng hoặc xanh lục.
Để hiểu rõ được chuyện gì đã xảy ra trong hơn 1.000 năm trước, anh Kataoka và đồng nghiệp đã phải nhìn nhận hiện tượng từ một góc độ khác. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra, vĩ độ từ trường của Nhật Bản 1.400 năm trước là 33 độ Bắc, ngày nay vĩ độ từ trường của Nhật đã là 25 độ Bắc. Do đó, khả năng cực quang xảy ra vào năm 620 tại Nhật là hoàn toàn có thể. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm mô phỏng bão từ trường và nhận thấy kết quả hình dạng vệt sáng không giống với cực quang thời nay (dạng dải lượn sóng). Để hoàn thiện thí nghiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã ghi lại kích thước của vệt sáng và nó trải dài khoảng 10 độ. Kết quả thí nghiệm cho thấy trong điều kiện tương đương thì hiện tượng cực quang với hình dạng vệt sáng như 1.400 năm trước hoàn toàn có thể xảy ra.
Lý giải về màu đỏ của vệt sáng: hiện tượng cực quang xảy ra khi các hạt tích điện mặt trời tương tác với từ trường ở trái đất. Màu của cực quang tùy thuộc vào thành phần nguyên tử bị kích thích: thông thường là màu xanh lá và xanh dương khi nguyên tố Oxy và Nito bị kích thích, nhưng cũng có khi là màu đỏ hoặc tím.
Ngày 31/3/2020, nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả nghiên cứu của họ trên Tạp chí Sokendai về Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội. Vậy là bí ẩn từ 1400 năm trước cuối cùng cũng đã có lời giải đáp chính xác.
kilala.vn
20/04/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận