Eshima Ohashi: “Cầu lượn siêu dốc” ở Nhật Bản có thực sự dốc?

    Ít nhất một lần bạn đã từng thấy hình ảnh cây cầu dựng thẳng đứng, dường như thách thức sự can đảm của người lái xe cũng như độ tốt của phanh xe. Đây là cây cầu Eshima Ohashi ở Nhật Bản, nhưng liệu nó có thực sự đáng sợ?

    Cầu Eshima Ohashi ở đâu?

    Cầu Eshima Ohashi là một cây cầu ở Nhật Bản được xây dựng từ năm 1997 – 2004, bắc qua hồ Nakaumi, nối thành phố Matsue của tỉnh Shimane với thành phố Sakaiminato thuộc tỉnh Tottori.

    Cây cầu có chiều dài 1.446m, là cây cầu khung cứng lớn nhất ở Nhật Bản và cũng được xem là cây cầu có vẻ "đáng sợ" nhất do độ dốc của nó. Lý giải cho thiết kế này, các KTS đã xây cây cầu cao tới 45m ở phần đỉnh để cho phép các tàu loại 5.000 tấn có thể đi qua bên dưới.

    cầu Eshima Ohashi

    Góc chụp khiến cây cầu đột nhiên nổi tiếng. Ảnh: my best place

    Nổi tiếng vì độ dốc thách thức các tài xế

    Dù được hoàn thiện và đi vào hoạt động khá lâu, nhưng đến năm 2014, khi Eshima Ohashi xuất hiện trong quảng cáo xe hơi của Daihatsu thì nó mới đột nhiên nổi tiếng và được mệnh danh là “betabumi-zaka” (tạm dịch: con dốc phải nhấn ga hết cỡ).

    Nhanh chóng, hình ảnh của cây cầu tràn ngập các trang web quốc tế, đặc biệt trên các trang giải trí vì độ dốc ấn tượng gần như ở góc 45 độ khi chụp tại những góc nhất định.

    Cây cầu không đáng sợ như vẻ ngoài

    Thật vậy, nhiều người ở Nhật Bản đã đến trực tiếp cây cầu để kiểm chứng và chứng minh rằng nó là một cây cầu bình thường, không hề “khó nhằn” như những gì người ta đồn đoán.
    cầu eshima ohashi
    Ở góc này cây cầu vẫn còn khá đáng sợ. Ảnh: the best place

    Những người đã từng chạy xe qua chiếc cầu này khẳng định rằng tất cả những hình ảnh được lan truyền trên mạng chỉ là thủ thuật khi chụp ảnh của các nhiếp ảnh gia (không phải photoshop). Nên nếu bạn mong chờ cảm giác kích thích, hồi hộp như đang đi tàu lượn siêu tốc thì chắc chắn sẽ bị thất vọng.

    Đơn giản vì mục đích chính của Eshima Ohashi là giúp cho người dân có thể tiện lợi di chuyển nên không có lý do gì nó lại được xây dựng để khiến mọi người phải thót tim. Dù chắc chắn sẽ có độ dốc nhưng khi càng đến gần cây cầu, nó lại càng bằng phẳng hơn.

    cầu eshima

    Nhưng độ dốc của cây cầu cũng không đáng sợ nếu tiến tới gần.

    Lý giải cho những tấm ảnh về cây cầu, có hai yếu tố là nguyên nhân: ảo ảnh thị giác và ống kính của nhiếp ảnh gia. Ở hướng tiến về Matsue, sau phần đỉnh cao nhất của cây cầu thì hình dáng cầu lại uốn cong làm che khuất phần cầu ở hướng ngược lại và khung cảnh phía sau.

    Lý do thứ hai là bởi các nhiếp ảnh gia chụp bằng ống kính tele, đây là loại ống kính có tiêu cự dài, được dùng để đưa chủ thể và cảnh ở xa lại gần hơn. Chính vì chức năng này mà đôi khi chúng sẽ nén chủ thể và hậu cảnh khiến kích thước chủ thể sẽ có thay đổi một chút so với thực tế. Quay lại với Eshima Ohashi, việc này tạo ra ảo ảnh rằng con dốc rất cao.

    nhiếp ảnh gia

    Một nhiếp ảnh gia đang chọn góc chụp cây cầu. Ảnh: Japankuru

    Tuy nhiên, để có thể chụp như vậy, bạn phải đi càng xa càng tốt. Hầu hết các bức ảnh đều được chụp trên con đường cách chân cầu khoảng trăm mét, lý tưởng là ở hồ Nakaumi. Những bức ấn tượng nhất được chụp từ một chiếc thuyền trên hồ.

    góc chụp khác của cây cầu

    Ở góc chụp ngang thì cây cầu hoàn toàn không có gì khác biệt. Ảnh: kokoro-jp

    Ở các góc khác của cây cầu thì nó hoàn toàn không khác những cây cầu tương tự ở mọi nơi trên thế giới. Điều đó cho thấy rằng, Nhật Bản được biết đến là một quốc gia với những thiết kế và phát minh độc đáo, kì lạ nên mọi người sẽ dễ dàng tin vào những hình ảnh phi thực tế. Nhưng đôi khi "sự thật" chúng ta nhìn thấy được tại một góc độ lại không phản ánh được tổng thể sự việc.

    [subscribe]

    kilala.vn

    25/03/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!