Cửa hàng không người bán ở Nhật
Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến Nhật đều vô cùng bất ngờ trước những cửa hàng không người bán. Nghe có vẻ khó tin nhưng sự tồn tại của mô hình này đang chứng minh một điều rằng, nếu đặt niềm tin vào người khác sẽ nhận lại những nhiều điều tuyệt vời không tưởng.
Đặc điểm của những "cửa hàng kì lạ"
Những cửa hàng không người bán là những kiểu mô hình có tên là mujin hanbaisho(無人販売所)với những đặc điểm:- Diện tích các gian hàng tương đối nhỏ, thường nằm cạnh các trang trại trên đường cao tốc
- Mặt hàng được bày bán chủ yếu là các loại nông phẩm tươi được người dân lấy trực tiếp từ trang trại của mình với giá bán bình dân, rẻ hơn rất nhiều so với giá trong siêu thị, dao động trong khoảng 100 đến 200 yên. Ngoài ra, còn có một số cửa hàng bán đồ uống, nước ngọt giải khát.
- Mỗi buổi sáng chủ cửa hàng chỉ cần sắp xếp các món hàng lên kệ kèm theo bảng giá ghi sẵn. Người đến mua hàng chỉ cần việc lấy món hàng đó và bỏ tiền vào nơi mà người chủ đã qui định, thông thường họ sẽ đặt một cái lon hay cái thùng cạnh những sản phẩm được bày bán
- Người chủ có thể lao động ở nhiều nơi mà không cần bận tâm về gian hàng của mình. Đến chiều họ chỉ cần quay lại dọn dẹp và nhận lấy số tiền đã thu được từ việc bán hàng.
- Điều đặc biệt là chủ của những cửa hàng này luôn nhận lại đủ số tiền tương đương với các món hàng được bán ra và không bị trộm mất bất kì thứ gì.
Người với người sống để tin nhau
Nước Nhật được biết đến là quốc gia đem đến sự tin tưởng và hài lòng cho khách du lịch vì tính trung thực của người dân bản địa. Đây là điểm cộng rất lớn cho Nhật Bản xây dựng hình tượng một đất nước với niềm tự hào dân tộc cao và tiêu biểu cho những giá trị đạo đức đích thực trong cuộc sống giữa con người với con người.Với mô hình kinh doanh này sẽ giúp họ tiết kiệm được một công lao động nhưng vẫn mang lại hiệu quả tối ưu không khác gì với kiểu bán hàng thông thường, tạo được niềm tin cho cả hai bên mà không nhất thiết phải trông chừng nhau, đôi khi gây phiền toái vì thái độ phục vụ nhất thời không tốt của nhân viên hay người chủ đối với khách hàng, ngược lại người mua còn có được cảm giác thoải mái khi không bị kiểm soát, phụ thuộc hay phải chờ đợi người khác.
Cũng chính vì điều này mà cuộc sống tử tế ở Nhật được người nước ngoài rất ngưỡng mộ trở thành đề tài của nhiều câu chuyện ý nghĩa về bài học đạo đức mà không phải quốc gia nào cũng có thể xây dựng được.
Lòng tốt không chỉ giới hạn ở nước Nhật
Rất nhiều quốc gia trên thế giới lấy cảm hứng từ những kiểu gian hàng này phát triển tại quốc gia của mình trong đó có Việt Nam. Trong khoảng thời gian gần đây, cơn sốt về gian hàng không người bán nổi lên ở Việt Nam khiến giới trẻ vô cùng thích thú vì sự mới lạ của mô hình kinh doanh này. Mama fanbox là cái tên cửa hàng không người bán đầu tiên ở Việt Nam được thành lập vào khoảng tháng 6/2016 ở Hà Nội. Trước những ý kiến cho rằng ý tưởng này nếu thực hiện ở Việt Nam vô cùng điên rồ và mạo hiểm, chủ cửa hàng cho biết đã tính toán mọi rủi ro có thể xảy ra và đến nay công việc kinh doanh này khá thuận lợi và chưa hề xảy ra tình trạng mất trộm nào. Hiện tại cửa hàng đang được phát triển sang các tỉnh lân cận khác như Hài Phòng và trong tương lai sẽ có chi nhánh tại Sài Gòn.Một cửa hàng không người bán thú vị nữa là cửa hàng của lão nông Aleksandr Isakov ở Nga. Cửa hàng bày bán hàng chục loại mặt hàng tiêu dùng, bánh mì, thực phẩm.
Trước đó, lão nông này thường giao bánh mì cho các cửa hàng khác, nhưng khi bán ở đó, giá thành đã đội lên gấp rưỡi. Để giảm giá thành cho người mua, ông quyết định tự mở cửa hàng, không thuê người bán. Sắp tới, ông sẽ mở thêm 2 cửa hàng tự giác như vậy ở các làng bên cạnh.
Tất cả khách hàng đều phải tự phục vụ, tự chọn hàng, rồi tự giác trả tiền. Theo lão nông Isakov, có tới 99% dân làng là những người trung thực. Họ để lại rất nhiều lời nhắn trên giấy, ví dụ: "Xin lỗi, chúng tôi mua nợ bánh mì. Đến đầu tháng 9 sẽ trả cho ông."
Nguyên Nguyễn/ kilala.vn
06/09/2017
Bài: Nguyên Nguyễn
Đăng nhập tài khoản để bình luận