Chuyện về những cây bạch quả "linh thiêng" nhất ở Nhật
Thời điểm cuối thu, cũng là thời điểm lá cây bạch quả chuyển màu và bắt đầu rụng, để lại trên con đường thảm lá vàng rực rỡ. Sắc vàng ấm áp của cây bạch quả vào mùa thu đã gắn liền với người dân Nhật Bản qua hàng nghìn năm, với những ý nghĩa và vai trò đặc biệt, cây bạch quả chiếm vị trí độc nhất và được người dân nơi đây rất mực yêu quý.
Cây bạch quả - loài cây "tự chữa lành" sau vụ nổ bom
Cây bạch quả, thường được gọi là ginkgo hay gingko, thực chất là cách phát âm nhại lại theo từ gin kyo (銀杏), có nghĩa là “màu mơ óng ánh”, trong đó chữ 銀 là óng ánh như bạc và 杏 là màu quả mơ chín.
Cây bạch quả gồm 2 loại là cây đực và cây cái, chỉ có cây cái là sẽ tạo được hạt, đó là bạch quả và chúng được dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn ngon bổ dưỡng.
Ở Nhật Bản, cây bạch quả thuộc loại cây được đặt tên là hibakujumoku - những loài cây sống sót sau vụ nổ bom. Cây bạch quả nằm trong số 170 cây còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử chấn động Hiroshima năm 1945, mặc dù được cho là không thể sống được nhưng theo thời gian, cây như “tự chữa lành vết thương” một cách kì diệu và hồi phục hoàn toàn. Chính vì điều này, cây bạch quả tại Nhật Bản được xem là một biểu tượng của sức sống bền bỉ và mang đến niềm hy vọng.
Sức sống mạnh mẽ của loài cây này một phần là nhờ vào khả năng kháng dịch bệnh và sâu bọ gây hại tuyệt vời của nó, vì vậy tại Nhật, người ta thường dùng lá cây để kẹp sách giúp tránh khỏi những con mọt làm hỏng sách. Ngoài ra, bạch quả còn có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu não, giúp tăng khả năng ghi nhớ và nhận thức. Nhờ vào những giá trị đặc biệt và ý nghĩa to lớn của nó, cây bạch quả được người Nhật rất yêu quý và tôn kính.
Chuyện về những cây bạch quả “linh thiêng” nhất
Tại Nhật Bản có những cây bạch quả có tuổi thọ đến hàng nghìn năm, những cây có tên gọi độc đáo này được cho là mang ý nghĩa linh thiêng nên có rất nhiều ngôi đền được xây dựng xung quang chúng.
Cây bạch quả “gậy gộc”
Có một truyền thuyết địa phương kể rằng, cây bạch quả này không lớn lên từ hạt mà nó đã từng là một cây gậy giúp nhà sư Shinran dò đường đi trên nền đất gập ghềnh ở ngôi đền Zenpuku. Vì lí do này mà người dân đã đặt tên cho cây là bạch quả “gậy gộc”.
Cây bạch quả “lật ngược”
Cùng sống trong ngôi đền Zenpuku với cây bạch quả trên, sở dĩ cây có tên như vậy là do hình dáng kì lạ của nó, gồm những đoạn rễ mọc từ nhánh, rũ xuống không trung trông như những đoạn thạch nhũ. Trong một cuộc chiến tranh ở Tokyo năm 1945, gần nửa thân cây đã bị bén lửa, tuy nhiên sau đó các nhánh cây bắt đầu phát triển trở lại nhưng trên thân cây vẫn còn hằn lại một vết sẹo do chiến tranh.
Cây bạch quả “ẩn khuất”
Đứng cạnh bậc thang đá của của ngôi đền Tsurugaoka Hachimangu từ năm 1063, cây bạch quả 1000 năm tuổi đã chứng kiến một câu chuyện buồn là nguồn gốc cho cái tên của nó. Biệt danh “ẩn khuất” bắt nguồn từ một sự kiện thời Edo, khi Sanetomo, vị Shogun Minamoto đời thứ 3, đã bị ám sát bởi cháu trai của mình là Kugyo ngay phía sau thân cây bạch quả này.
kilala.vn
14/11/2017
Bài: Gia Hân
Đăng nhập tài khoản để bình luận