Chiếc buồng điện thoại kết nối với hư không
Kaze no Denwa được xây dựng bởi một người dân sống ở Otsuchi tên là Sasaki Itaru vào năm 2010, một năm trước khi thảm họa kép sóng thần và động đất ập đến vùng Tohoku. Năm 2010, sau khi người em họ của mình qua đời, ông đã quyết định xây chiếc buồng điện thoại trong khu vườn trên đỉnh ngọn đồi của mình. Đây là nơi ông "gọi" cho người thân để giãi bày, bộc bạch nỗi đau trong lòng.
Chiếc buồng điện thoại được ốp kính và sơn màu trắng. Bên trong nó chứa một chiếc điện thoại quay số kiểu cũ đã ngắt kết nối, dây cáp được cuộn gọn gàng. Chiếc điện thoại này sẽ không thể gọi đi, cũng không nhận được cuộc gọi đến. Ông Sasaki đến đây, quay số điện thoại của người quá cố, mặc dù không kết nối được với ai và cũng không ai đáp lời, ông vẫn cứ nói ra tiếng lòng. Lời nói của ông sẽ theo gió bay xa, và điều này lại khiến ông Sasaki cảm nhận được mối liên hệ sâu sắc giữa bản thân với người quá cố.
Sau thảm họa năm 2011, ông Sasaki Itaru đã để chiếc buồng điện thoại đặc biệt của mình đến gần với người khác bằng cách cho phép những ai phải gánh chịu nỗi đau mất người thân được đến đây trải lòng như cách mà ông đã làm. Sau đó, sự nổi tiếng của Kaze no Denwa lan rộng khắp Nhật Bản, kéo theo hàng nghìn người từ ngoài thị trấn đến đây. Trong ba năm sau năm 2011, ước tính có hơn 10.000 người đã đến tìm Kaze no Denwa để giãi bày tâm sự. Những người đến đây không chỉ riêng những ai mất người thân sau thảm họa, mà gồm cả những ai phải trải qua nỗi đau mất người thân trong những vụ tai nạn hoặc tự tử. Thậm chí, du khách nước ngoài sau khi tìm hiểu thông tin qua Internet cũng đã tìm đến chiếc buồng điện thoại này.
Ông Sasaki Itaru nói: “Mặc dù điện thoại không được kết nối với ai nhưng mọi người lại cảm thấy như những người thân yêu đã mất của họ vẫn đang ở đầu dây bên kia lắng nghe. Tôi mong muốn mọi người có thể sớm vực dậy và tiếp tục cuộc sống của họ thông qua việc bộc bạch nỗi đau này."
Phương pháp này nghe có vẻ xa lạ với một số người, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nói thành lời những nỗi đau có thể giúp người ta đối mặt với đau buồn và chấp nhận những mất mát của họ. Ngoài ra, để giúp đỡ những người tìm đến chia sẻ, ông Sasaki đã đặt một cuốn sổ bên cạnh chiếc điện thoại để mọi người có thể viết lại lời nhắn dành cho người quá cố. Khi một quyển sổ đã kín những lời nhắn gửi, ông sẽ thêm vào một quyển sổ trống khác.
Ông Sasaki cho biết, các lời nhắn ghi trong sổ đã thay đổi dần theo thời gian. Điều đó cho thấy mọi người dần chấp nhận cái chết của những người thân yêu bằng việc bắt đầu viết những điều tích cực hơn như "Xin hãy dõi theo chúng tôi từ thiên đường."
Với ý nghĩa đặc biệt của nó, Kaze no Denwa đã trở thành chủ đề của một bộ phim tài liệu cảm động do NHK thực hiện với tên gọi "風の電話〜残された人々の声〜", tạm dịch: "Điện thoại của gió - Lời thì thầm của những người ở lại". Bộ phim tài liệu này cũng đã truyền cảm hứng cho ông Sasaki viết một cuốn sách mang tên "風の電話―大震災から6年、風の電話を通して見えること", tạm dịch: "Chiếc điện thoại của gió - Những gì tôi đã thấy qua chiếc điện thoại trong 6 năm kể từ trận động đất”.
Năm 2019, một bộ phim điện ảnh mang tên “Kaze no Denwa” (風の電話) được đạo diễn Nobuhiro Suwa thực hiện. Bộ phim lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật liên quan đến chiếc buồng điện thoại đặc biệt này. Bộ phim đã được công chiếu vào đầu năm 2020.
kilala.vn
28/10/2020
Nguồn: Oddity Central, ispr.info, Bloomberg
Đăng nhập tài khoản để bình luận