Bán đảo Kunisaki - Nơi quỷ và người hòa thuận chung sống

    Trong ý niệm của chúng ta, ma quỷ thường đại diện cho cái ác, mang đến vận xấu và bất hạnh. Thế nhưng, tại bán đảo Kunisaki, tỉnh Oita thuộc vùng Kyushu, bạn sẽ được nghe kể câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là câu chuyện về quỷ thần đem hạnh phúc đến cho con người.

    Vùng cực Bắc huyền bí của tỉnh Oita

    Với những suối khoáng nóng lộ thiên tỏa khói nghi ngút, các đầm lầy hoang sơ ẩn mình giữa núi rừng, Oita có vẻ đẹp nguyên sơ, bí ẩn. Đi kèm với đó là sự tồn tại của các đền chùa cổ kính trầm mặc cùng nhiều truyền thuyết đậm màu sắc tín ngưỡng, tâm linh địa phương. Tương truyền, bán đảo Kunisaki nằm ở cực Bắc Oita được phát hiện bởi Thiên hoàng Keiko, khi ông mang quân chinh phạt vùng Kumaso (phía Bắc quần đảo Kyushu ngày nay). Với người bản địa thời bấy giờ, Kunisaki là ranh giới dẫn đến một thế giới khác. Rừng núi và cảnh vật Kunisaki luôn chìm trong làn sương mờ ảo, tưởng như những con quỷ trong các câu chuyện truyền miệng vẫn lẩn khuất trong các hang đá có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

    Tích truyện về loài quỷ có phép thuật ở Kunisaki tô vẽ thêm cho thiên nhiên nơi đây một vẻ hấp dẫn huyền bí. Vì vậy, nhiều du khách chọn tới bán đảo này để thám hiểm hang động được đồn là "nơi quỷ sống" hoặc tản bộ trên những bậc đá “do quỷ xây dựng bằng phép thuật”.

    Bán đảo Kunisaki - Nơi quỷ và người hòa thuận chung sống

    Tình bạn của quỷ và người

    Chuyện kể rằng quỷ thường lộ diện một đêm trong năm với cây đuốc rực sáng trong tay, nhảy múa điên cuồng giữa những tia lửa lóe sáng. Người ta tin rằng tắm mình trong những tia lửa của đuốc quỷ đồng nghĩa với việc nhận “phước đức” và “ân sủng”. Đuốc quỷ sẽ đem đến mùa màng bội thu hay hóa giải bệnh tật, tai họa.

    Mặt nạ quỷ ở bán đảo Kunisaki

    Ngày nay, các ngôi chùa ở Kunisaki vẫn duy trì tổ chức nghi thức tái hiện cảnh nghênh đón quỷ. Để tỏ lòng biết ơn với quỷ, người Kunisaki sẽ dâng lên quỷ những chiếc bánh dày khổng lồ. Trong nghi thức cuối, các nhà sư còn phát những chiếc bánh dày tròn Marumochi tượng trưng cho “mắt quỷ” như một loại bùa may mắn. Ở một số chùa như Jobutsu hay Iwato, sau khi nghi lễ kết thúc, người dân được “rước quỷ” về nhà uống rượu hàn huyên. Vì vậy hàng năm người Kunisaki đều háo hức mong chờ đêm của quỷ để có dịp "tiếp chuyện" với quỷ, cầu mong cho vạn sự tốt lành, may mắn.

    Lễ hội quỷ bán đảo Kunisaki

    Vùng đất nơi người dân có niềm tin mạnh mẽ vào quỷ

    Với niềm tin sâu sắc vào mối liên kết giữa người và quỷ, nhiều nhà sư theo trường phái Phật giáo cổ thường tiến hành các chuyến hành hương vào sâu trong những rặng núi đá thần bí của Kunisaki, đến những nơi được cho là có quỷ sinh sống. Muốn gắn kết mật thiết với tự nhiên, thay vì xây dựng đền chùa, thiền viện, họ tạo ra các căn phòng ngay trong hang đá để tu hành. Các nhà sư không ngừng tu tập, cầu cho mưa thuận gió hòa và an bình cho Nhật Bản. Tính đến nay, đức tin này đã có lịch sử hơn 1.000 năm và vẫn tiếp tục được duy trì. Cứ như thế, văn hóa cầu nguyện quỷ thần phát triển mạnh mẽ tại Kunisaki.

    Bán đảo Kunisaki

    Nhiều người Kunisaki tâm niệm: “Quỷ quen hơn Phật lạ”. Trong đời sống tinh thần của họ, quỷ không hề đáng sợ mà còn là một biểu tượng đầy phước lành. Quan niệm này khác hẳn suy nghĩ, mặc định về tính tà ác của ma quỷ mà chúng ta thường biết. Vì thế, thay cho những biểu tượng hiền hòa như nơi khác, biểu tượng thường thấy ở Kunisaki là các mặt nạ quỷ thoạt trông vô cùng dữ tợn. Nhưng, nếu bạn nhìn thật kĩ, thật sâu vào những gương mặt ấy, có thể lắm, trong phút chốc, bạn còn thấy một nét cười hay một gương mặt từ bi thường thấy của những đấng phù hộ dân lành.

    kilala.vn

    27/04/2020

    Bài: Linh Trụ
    Ảnh: japan-heritage.bunka.go.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!