Những robot “kém cỏi” giúp trẻ em Nhật phát triển kỹ năng xã hội

    Những chú robot “kém cỏi” (Weak Robot) cần sự giúp đỡ của con người để hoàn thành nhiệm vụ là một nỗ lực của các nhà phát triển để giúp tăng hứng thú của trẻ em với khoa học. Chúng cũng được nhận định là có nhiều tiềm năng giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội.

    T

    rẻ em thường bị thu hút bởi khoa học do sự tò mò tự nhiên, muốn học hỏi thế giới xung quanh. Tuy nhiên khi càng lớn, niềm ham mê này dần giảm đi. Vậy làm sao để nuôi dưỡng đam mê lâu dài cho trẻ? Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật cùng các nhà khoa học để phát triển robot “kém cỏi” và tổ chức những sự kiện về khoa học thú vị. 

    trẻ em và robot
    Những robot "kém cỏi" giúp trẻ phát triển kỹ năng tương tác xã hội. Ảnh: Nippon 

    Science Agora, nơi nuôi dưỡng tình yêu dành cho khoa học

    Là một trong những sự kiện khoa học lớn nhất Nhật Bản, tổ chức lần đầu vào năm 2006 bởi Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), Science Agora thu hút sự tham gia của nhiều khách tham quan, nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau. 

    Tại sự kiện Science Agoro mới nhất được tổ chức ở Tokyo vào tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ - Yamamoto Sakon chia sẻ: “Đây là một cách để trẻ em và người lớn tận hưởng niềm vui khoa học”. 

    sự kiện khoa học Science Agora
    Một góc sự kiện Science Agora được triển khai bởi học sinh cấp hai. Ảnh: Nippon 

    Ở sự kiện lần thứ 17 này, chủ đề là “Hợp tác, Vượt lên và Sáng tạo”. Hashimoto Kazuhito, Chủ tịch của JST giải thích: “Ngày nay, chúng ta thấy rằng sự đa dạng đã dẫn đến nhiều khám phá và cải tiến mới. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là khoa học phải phù hợp với mọi trình độ của xã hội, từ học thuật đến thường thức. Mục tiêu của Science Agora là nuôi dưỡng niềm yêu thích khoa học ở mỗi người, bất kể giới tính hay tuổi tác”.

    Ông Hashimoto xem sự kiện này như một cách tiếp cận quan trọng để giữ cho trẻ luôn hứng thú với khoa học: “Sẽ rất khó cho bạn để tìm ra một học sinh tiểu học không thích khoa học. Cái khó là giữ nó đến tuổi trưởng thành. Và Science Agora sẽ mang lại cho người tham gia nhiều trải nghiệm để giữ niềm đam mê này”. 

    Sự ra đời của những robot “kém cỏi”

    Tại các trường học ở Nhật, rất nhiều nỗ lực khác nhau đã được thực hiện để thúc đẩy niềm yêu thích với phương pháp giáo dục STEAM gồm 5 bộ môn: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học). 

    Một trong những cách tiếp cận là hướng sự chú ý đến cách sử dụng người máy được gọi là “Weak robot – Người máy kém cỏi”. Giáo sư Okada Michio tại Đại học Công nghệ Toyohashi, người đứng đầu trong lĩnh vực weak robot đã dành hai thập kỷ để phát triển người máy giúp trẻ học tập. 

    giáo sư Okada Michio
    Giáo sư Okada Michio đang cầm trên tay robot Muu. Ảnh: Nippon

    Ông Okada thừa nhận rằng robot đầu tiên mà ông tạo ra - Muu là một người máy đơn giản và vẫn còn cần cải thiện nhiều chức năng. Tuy nhiên, khi ông thử nghiệm Muu tại một trường mẫu giáo, phản ứng của bọn trẻ đã khiến ông ngạc nhiên và hiếu kỳ: “Nó là một thành công lớn. Tất cả bọn trẻ đều thay phiên để chăm sóc nó. Thử nghiệm này cho tôi thấy sự yếu ớt và bất lực có thể là một ảnh hưởng tích cực”. 

    trẻ chơi cùng robot muu 1
    Trẻ chơi cùng robot Muu. Ảnh: Nippon 

    Lấy ý tưởng này, Okada đã thiết kế thùng rác tự động nhưng lại không thể tự thu gom rác. Ông giải thích: “Khi bắt gặp một mẩu rác, nó lên tiếng nhờ giúp đỡ. Nó thực hiện điều này bằng cách quay về phía người gần đó và nghiêng mình về phía trước. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để hoàn thành nhiệm vụ duy nhất của mình, nhưng chính điểm yếu này lại khơi dậy lòng tốt của những ai tương tác với nó”. 

    trẻ chơi cùng robot thu gom rác
    Trẻ chơi cùng robot thu gom rác. Ảnh: Nippon

    Và bằng chứng chính là niềm vui hiện lên trên gương mặt của những đứa trẻ. Okada khẳng định: “Tác động tích cực của nó lên tình trạng hạnh phúc của trẻ là không thể bàn cãi”. Ông Okada cho biết những tương tác đơn giản như vậy mang lại cho trẻ sự thỏa mãn và cảm giác thành tựu. 

    Bên cạnh Muu, đội ngũ thiết kế của ông còn sáng tạo nên robot đãng trí Talking Bones. Ông giải thích: “Nó có chức năng kể lại các câu chuyện dân gian nhưng đôi lúc lại quên mất những từ quan trọng. Khi điều này xảy ra, trẻ em háo hức giúp đỡ để nó nhớ lại phần đã quên”.

    Okada ví sự giao tiếp này giữa trẻ em và robot giống như việc trẻ chăm sóc các bé nhỏ tuổi hơn mình: “Nếu robot đơn giản là kể câu chuyện thì trẻ cũng chỉ thụ động ngồi và lắng nghe. Bằng việc kêu gọi sự giúp đỡ, nó giúp cải thiện trải nghiệm cho trẻ”. 

    trẻ tương tác với robot Talking Bones
    Trẻ tương tác với robot Talking Bones. Ảnh: Nippon

    Giúp đỡ trẻ em khuyết tật 

    Giáo sư Okada cũng nhận ra robot “kém cỏi” đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với mọi người xung quanh. 

    Okada cho biết: “Robot đóng vai trò như chiếc cầu nối. Chẳng hạn như trẻ tự kỷ có thể mang theo một chú robot vừa vặn với túi áo sơ mi để thay trẻ đọc các bài tập mà cậu bé/ cô bé đã làm trong kỳ nghỉ hè, hay một việc gì đó mà trẻ gặp khó khăn khi tự thực hiện. Những tràng vỗ tay trẻ nhận được từ bạn cùng lớp khi kết thúc bài thuyết trình sẽ giúp tăng sự tự tin cho chúng”. 

    robot bỏ túi
    Robot bỏ túi hỗ trợ trẻ tự kỷ về khả năng giao tiếp. Ảnh: Nippon

    Ông nói thêm ngày càng có nhiều bằng chứng về sự hiệu quả của robot trong việc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cùng các khuyết tật khác. 

    Okada đưa ra một nghiên cứu về hai trẻ tự kỷ chưa bao giờ thể hiện hành vi hợp tác lại có thể cùng nhau giơ tay để robot bắt chước hành động của chúng. Ở một trường hợp khác, trẻ mắc chứng Down đóng vai làm giáo viên của một robot và hướng dẫn lại cho robot những gì trẻ đã được học ở trường. “Gia đình của các bé đã không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến những điều trên”, ông Okada chia sẻ. 

    Cùng với việc Nhật Bản ngày càng phát triển, các chuyên gia thống nhất rằng việc thúc đẩy niềm đam mê sớm với khoa học là cần thiết cho trẻ để giúp chúng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn và thông qua việc ứng dụng sức mạnh của khoa học vào cuộc sống sẽ tạo nên xã hội mà không có trẻ em nào bị bỏ lại. 

    kilala.vn

    13/02/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!