NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nhật Bản thành lập khoa Khủng long học đầu tiên tại “vương quốc khủng long” Fukui

    Một khoa nghiên cứu chuyên sâu về khủng long đã chính thức được thành lập tại trường đại học tỉnh Fukui nơi được mệnh danh là “vương quốc khủng long” của Nhật Bản. 

    Khoa Cổ sinh vật học Khủng long (Faculty of Dinosaur Paleontology) của Đại học Fukui là chương trình đào tạo đầu tiên về lĩnh vực này ở Nhật Bản. Điều đặc biệt của khoa là có thể sử dụng tối đa nguồn tài nguyên địa phương, bao gồm Bảo tàng khủng long tỉnh Fukui một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu cả nước về khủng long, và các di chỉ khảo cổ đã trải dài qua nhiều kỷ địa chất trong khu vực.

    Vào tháng 4 vừa qua, 34 sinh viên đầu tiên của khoa đã bắt đầu học tập và nghiên cứu về khủng long sau kỳ tuyển sinh đầy cạnh tranh.

    Chương trình học gắn liền với thực tế

    Sau lễ nhập học tại khuôn viên chính của trường, các tân sinh viên đã có buổi tham quan và sinh hoạt đầu khóa tại Bảo tàng Khủng long tỉnh Fukui. Tại đây, Trưởng khoa Nishi Hiroshi phát biểu trước sinh viên: “Chúng tôi đã chuẩn bị một chương trình học để các bạn được đắm mình vào thế giới khủng long trong suốt bốn năm.”

    nishi-hiroshi
     Trưởng khoa Cổ Sinh vật học Khủng long, Nishi Hiroshi tại đại học Fukui. Ảnh: Japan Times

    Giáo sư danh dự Azuma Yoichi - người có công đặt nền móng cho ngành nghiên cứu khủng long tại Fukui - cũng gửi lời nhắn nhủ: “Tôi mong các bạn không chỉ học về khủng long, mà phải xem khủng long như một cánh cửa để tìm hiểu các lĩnh vực khác. Không thể hiểu thấu khủng long nếu không học về địa chất,” nhằm khuyến khích sinh viên tiếp cận khoa học tự nhiên một cách toàn diện.

    Sinh viên của khoa sẽ được tham gia các đợt thực địa tại thành phố Katsuyama, nơi đã từng phát hiện nhiều mẫu hóa thạch thời tiền sử quan trọng. Cùng với đó, sinh viên cũng sẽ được học các kỹ thuật nghiên cứu hiện đại như chụp CT để phân tích mẫu vật.

    Trong năm đầu tiên, sinh viên học tại cơ sở Eiheiji. Từ năm thứ hai, các lớp học sẽ chuyển sang cơ sở mới ở Katsuyama, hiện đang được xây dựng ngay cạnh Bảo tàng Khủng long, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và thực hành.

    fukui-university-student
    Tân sinh viên khoa Cổ sinh vật học Khủng long tại Đại học Fukui ghé thăm bảo tàng Khủng long tại thành phố Katsuyama, tỉnh Fukui. Ảnh: Mainichi

    Cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ khoa nghiên cứu này. Ngân hàng Hokuriku đang xây dựng khu ký túc xá dành riêng cho sinh viên khoa với tên gọi “Hakuaki Daina-sou”, nghĩa là “Trang viên khủng long kỷ Phấn Trắng. Tên gọi là một cách chơi chữ giữa từ “sou” (trang viên) trong tiếng Nhật và âm “saur” trong tiếng Anh thường dùng trong tên các loài khủng long.

    Vì sao Fukui là "thánh địa" nghiên cứu khủng long?

    Tỉnh Fukui sở hữu tầng địa chất trải dài từ kỷ Silur thuộc Đại Cổ Sinh (Paleozoic Era), qua thời kỳ hoàng kim của khủng long - Đại Trung Sinh (Mesozoic), đến cả Đại Tân Sinh (Cenozoic). Đặc biệt, khu vực Ngũ Hồ Mikata (Mikata Goko) nổi tiếng với lớp trầm tích “varve” đã được công nhận là tiêu chuẩn quốc tế để xác định niên đại địa chất. Điều đó càng khiến nơi đây trở thành vùng đất lý tưởng để nghiên cứu về địa chất, khủng long và cổ sinh vật học.

    hóa thạch khủng long
    Hơn 80% tổng số hóa thạch thời tiền sử tại Nhật Bản được phát hiện tại tỉnh Fukui. Ảnh: Japan Up Magazine

    Kỳ thi tuyển sinh cạnh tranh khốc liệt

    Kỳ thi tuyển sinh vào khoa Khủng long Cổ sinh vật học được tổ chức vào tháng 2 vừa qua đã thu hút thí sinh từ khắp nơi trên cả nước. Tỷ lệ trúng tuyển cho vòng đầu tiên là 1/7,3 và ở vòng hai còn khắt khe hơn với chỉ 1/27,3 thí sinh được chọn.

    Nakamori Tomoki (19 tuổi, đến từ tỉnh Chiba) chia sẻ: “Khi nghe tin về khoa này, em đã biết đây là nơi duy nhất mà em muốn theo học. Em muốn nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của loài khủng long trên toàn châu Á.”

    Ono Chisaki (18 tuổi, đến từ tỉnh Fukushima), với mong muốn trở thành một người phụ trách bảo tàng trong tương lai, đã bày tỏ rằng: “Em rất muốn học kỹ thuật chụp CT và các kỹ năng chuyên môn tại đây. Có quá nhiều thứ để học trong các lĩnh vực liên ngành, và em không thể chờ lâu hơn được nữa để bắt đầu học tập tại đây.”

    kilala.vn

    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!