Xem phim Mare, ngẫm về sơn mài Wajima
Bộ phim “Mare” của đài truyền hình NHK Nhật Bản (đã được HTV mua bản quyền phát sóng vào tháng 7/ 2017) đã giúp tôi hiểu thêm về văn hoá sơn mài. Đồ sơn mài Wajima có thể được xem là một trong những yếu tố góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hóa Nhật Bản trong mắt bạn bè khắp thế giới.
(Ảnh: Imgrum/ zarame senbei)
Sơn mài Wajima xuất hiện ở Nhật gần 9000 năm trước, chất liệu sơn mài Wajima được làm từ mủ cây Urushi, còn gọi là cây sơn. Sản phẩm sơn mài đa dạng về kỹ thuật, cách trang trí và được sử dụng với nhiều mục đích như làm đồ gia dụng, tranh sơn mài, đồ trang sức,… Sơn mài Wajima nổi tiếng hơn cả bởi vẻ đẹp tinh tế và độ bền của sản phẩm. Trên khắp nước Nhật chỉ thành phố Wajima có đồ sơn mài được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”.
Sản phẩm sơn mài Wajima. (Ảnh: NHK world/ Benjamin Maxwell Flatt)
Một chiếc đĩa sơn mài được trưng bày trong Bảo tàng mỹ thuật sơn mài Wajima, tỉnh Ishikawa. (Ảnh: Japan Hoppers)
Hộp cơm bento ba ngăn. (Ảnh: Flickr/ ho4kawa)
Một sản phẩm trải qua 124 công đoạn chế tác
Điều làm nên sự khác biệt của đồ sơn mài Wajima là từ tạo hình đến cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện phải trải qua 124 công đoạn và được làm bởi nhiều người thợ.
Các bước quan trọng nhất để sản xuất một sản phẩm sơn mài Wajima:
+ Chọn chất liệu gỗ.
+ Cắt gọt và chà nhám để tạo hình cho sản phẩm.
+ Gia cố các bộ phận mảnh, dễ vỡ (như vành bát). Dùng vải lanh phủ bằng hỗn hợp sơn mài, hồ gạo và một loại bột gọi là Jinoko (hay bột Trái Đất), rồi bọc vào các bộ phận cần gia cố. Sau khi vải và sơn mài cứng lại, toàn bộ bề mặt được chà nhẵn và sơn một lần nữa. Chính vì thế mà sản phẩm trở nên bền và chắc hơn.
+ Quét sơn, làm khô và đánh bóng giữa mỗi lần quét.
+ Quét lớp sơn đen hoặc đỏ (đây là hai màu đặc trưng của đồ sơn mài), làm khô và đánh bóng.
+ Cuối cùng là trang trí hoa văn (chinkin) hay sơn vàng chìm (maki-e)
Để có thể cho ra đời một sản phẩm nho nhỏ như bát ăn cơm, người thợ phải mất gần nửa năm trời để hoàn thành. Trên lớp cốt gỗ, người ta quét hỗn hợp sơn thô gồm hồ gạo và đất nhằm tạo độ dày cho gỗ. Những người thợ sơn mài phải rất mực kiên nhẫn thực hiện hơn 200 bước sơn lặp đi lặp lại nhiều lần.
Công việc tưởng chừng như nhàm chán này lại chính là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình tạo nên những món đồ sơn mài Wajima nổi tiếng. Quét xong lớp sơn đầu tiên, người ta chờ qua một đêm cho sơn khô rồi mới quét tiếp lớp thứ hai. Đến lớp sơn thứ hai, sản phẩm trải qua từ 70 đến 80 lần sơn mới xong. Chỉ một giây lơ là ở lớp sơn này, đồ sơn mài có thể bị lỗi và trở nên kém chất lượng, phải bỏ đi. Hết lớp sơn thứ hai, người thợ lại chờ sản phẩm khô rồi quét tiếp lớp thứ ba, rồi thứ tư… Cứ thế, từng chút, từng chút một, sản phẩm sơn mài hoàn thiện dần và trở thành những món đồ dùng đẹp mắt “làm tỏa sáng các món trên bàn ăn” của những gia đình Nhật.
Một chiếc thố được làm từ sơn mài Wajima thường thấy trong bàn ăn của những gia đình Nhật. (Ảnh: Pixabay)
Đĩa sơn mài Wajima tôn lên màu sắc của bánh ngọt Wagashi. (Ảnh: Flickr/ Tokyo Views)
Những người thợ thủ công ở thành phố Wajima không chỉ nhẫn nại một cách phi thường mà họ còn rất yêu nghề, nguyện gắn bó với sơn mài đến cuối đời. Có những người thợ mà tay nghề của họ đã đạt đến trình độ bậc thầy và được mọi người kính trọng gọi là “nghệ nhân sơn mài Wajima”. Ông Taya Tsutomu – người được mệnh danh là “thợ thủ công bậc thầy của những người thợ thủ công” và là chủ của công xưởng sơn mài gia truyền Taya Shikkiten nổi tiếng. Ở tuổi hoa niên, ông đã có hơn 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sơn mài, giữ vai trò như một chuyên gia về đồ sơn mài Wajima.
"Đồ gốm không biết nói dối"
Không chỉ sơn mài Wajima mà cả sơn mài Nhật Bản nói chung còn mang một quan niệm nhân sinh sâu sắc: “Đồ gốm không biết nói dối".Những lỗi trong quá trình làm gốm luôn có thể được sửa chữa khi mang đi nung nóng, và rồi trở thành đồ hữu ích. Nhưng lớp sơn thì có thể nói dối. Với sơn mài Wajima, việc sơn từng lớp, từng lớp một đè lên nhau sẽ làm mờ đi lỗi ở cốt và những lần sơn trước. Người mua có lẽ không nhận ra họ đang bị đánh lừa, bởi lớp sơn quá đẹp! Nhưng rồi họ cũng sớm nhận ra thôi. Vì vậy, tuyệt đối không được lừa ai, cho dù người ta có thể không biết điều đó. Đấy chính là ý nghĩa của sơn mài Wajima.
Một sản phẩm của công ty Nakaya: bút sơn mài “Hoa trà” được làm từ sơn mài Wajima và sử dụng kỹ nghệ Maki-e để trang trí, có giá 3.100 đô la. (Ảnh: Nakaya Fountain Pen)
Công xưởng Kobo Nagaya, thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa là nơi du khách có thể thưởng thức đồ sơn mài Wajima truyền thống. (Ảnh: Japan Hoppers)
Bảo tàng mỹ thuật sơn mài Wajima, tỉnh Ishikawa là nơi trưng bày các sản phẩm sơn mài và các sản phẩm truyền thống Nhật Bản. (Ảnh: Japan Hoppers)
Videoclip tìm hiểu về các công đoạn tạo ra sản phẩm sơn mài của các nghệ nhân thành phố Wajima (tỉnh Ishikawa, Nhật Bản):
Kim Ngân/ kilala.vn16/01/2018
Bài: Kim Ngân
Đăng nhập tài khoản để bình luận