Nhật Bản ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch

    Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản có thể mong đợi sự kết hợp nhiều hơn của công nghệ tại các địa điểm tham quan khi một số nơi bắt đầu nỗ lực mang đến những trải nghiệm phong phú và hấp dẫn hơn.

    Trong đại dịch COVID-19,  thực tế ảo (Virtual Reality, viết tắt: VR) được các nhà cung cấp tour du lịch và các doanh nghiệp về du lịch khác sử dụng để mang lại trải nghiệm tham quan cho mọi người ngay cả khi ngồi một chỗ. Hiện nay, công nghệ này cũng được được đưa vào áp dụng nhiều hơn cho du lịch trực tiếp.

    ứng dụng công nghệ trong du lịch
    AR tại Lâu đài Shimabara cho phép người dùng điều khiển các vật thể trong không gian. Ảnh: Kathryn Wortley

    Theo Statista, một công ty Đức chuyên nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng, năm 2021, thị trường du lịch thực tế ảo toàn cầu trị giá 5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt đến 24 tỷ USD vào năm 2027. Global Market Estimates, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Mumbai, Ấn Độ dự đoán thị trường tương tác thực tế ảo (Augmented Reality, viết tắt: AR) sẽ tăng lên 4 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

    Theo báo cáo của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, tại quốc gia này, việc công nghệ 5G được đưa vào sử dụng, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cùng với phạm vi ứng dụng đang được mở rộng của công nghệ VR/AR sẽ tạo điều kiện hơn nữa để áp dụng VR và AR trong một loạt các ngành công nghiệp, bao gồm cả du lịch trong thời gian tới.  Một trong những địa phương đầu tiên sử dụng VR và AR là khu vực Kyushu.

    [subscribe]

    Lâu đài Hara ở thành phố Minami-Shimabara, tỉnh Nagasaki là nơi rất ít pháo đài còn sót lại, nhưng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Lâu đài là nơi diễn ra Cuộc nổi dậy Shimabara, cuộc xung đột dân sự lớn nhất trong thời kỳ Edo (1603–1867) dẫn đến việc người Bồ Đào Nha cuối cùng bị trục xuất khỏi Nhật Bản và là địa điểm của những người theo đạo Thiên chúa ẩn mình trong khu vực.

    lâu đài hara
    Lịch sử của Lâu đài Hara được thể hiện khi du khách sử dụng máy tính bảng hỗ trợ VR để quan sát di tích. Ảnh: Kathryn Wortley

    Theo một phát ngôn viên của hiệp hội du lịch thành phố, với một lịch sử đáng kinh ngạc như vậy, người ta cho rằng VR có thể là một cách để đưa địa điểm này vào cuộc sống.

    Du khách có thể tham quan địa điểm cùng một chiếc máy tính bảng, khi giữ máy tính bên trên tàn tích, hình ảnh về lâu đài ban đầu sẽ hiển thị để người ta có thể biết được nơi đây từng trông như thế nào, cùng một đoạn thuyết minh về những gì đã xảy ra.

    Shannon Lefebvre, đại diện của Tour Nagasaki, đơn vị có khách hàng đã thử trải nghiệm trên, nhận định rằng công nghệ thực sự đã cho mọi người có góc nhìn rõ ràng hơn về lịch sử và địa lý. Ông cũng cho biết thêm: “Đặc biệt, những khách du lịch có kiến thức và kinh nghiệm có thể thấy công nghệ này hỗ trợ nâng cao chuyên môn”.

    công nghệ tại lâu đài hara
    Nhân vật mà người dùng có thể tìm hiểu qua AR tại Lâu đài Shimabara. Ảnh: Courtesy of Shimabara Castle

    Tại Lâu đài Shimabara ở thành phố cùng tên lân cận, tai nghe AR cho phép du khách xem một loạt các vật riêng lẻ lơ lửng trong không trung. Thậm chí còn có thể tương tác với họ như xoay nhân vật lại hoặc phóng to để nhìn rõ hơn.

    Bên cạnh việc sử dụng như một phương tiện giáo dục, VR và AR cũng đang được áp dụng để giới thiệu văn hóa hiện đại của Nhật Bản và mang lại nhiều niềm vui hơn cho trải nghiệm du lịch.

    Tại Hita, tỉnh Oita, các đơn vị trong ngành du lịch đã tạo một ứng dụng dựa trên "Attack on Titan", một bộ truyện tranh do Hajime Isayama, họa sĩ nổi tiếng toàn cầu quê ở Oita sáng tác. Ra mắt vào năm 2020 ở thị trường nội địa, ứng dụng cho phép người dùng đặt mình vào những địa điểm nổi tiếng trong truyện như Đập Oyama.

    attack on titan
    Các nhân vật trong manga "Attack on Titan" xuất hiện thông qua ứng dụng AR tại Ga Hita. Ảnh: Kathryn Wortley
    Người phát ngôn của Hiệp hội Du lịch Thành phố Hita cho biết: “Du khách từ khắp Nhật Bản đã gửi những phản hồi tuyệt vời về ứng dụng này và chúng tôi rất vui khi khách du lịch trong nước giờ đây có thể tận hưởng loại trải nghiệm mới này ở Hita”.

    Công viên giải trí lớn nhất Nhật Bản, Huis Ten Bosch, tỉnh Nagasaki, cũng đang nghiên cứu về sự phát triển của AR và VR. Sau khi mua lại một hòn đảo không người ở Vịnh Omura, ngoài khơi căn cứ Sasebo, công ty điều hành đã mở Jurassic Island (Đảo Jurassic) vào năm 2018. 

    Việc sử dụng bảng điều khiển AR và bộ súng trường để săn những con khủng long ăn thịt, tránh loài ăn cỏ trong khi làm nhiệm vụ thu thập trang sức mang đến sự hấp dẫn tuyệt vời. Ống kính AR thay đổi màu sắc để cho biết con khủng long nào trong tầm bắn và hiển thị mức độ sức khỏe của người dùng trong trò chơi theo thời gian thực.

    jurrasic island
    Người tham gia Jurassic Island sử dụng bảng điều khiển AR và bộ súng trường để săn khủng long ăn thịt. Ảnh: Kathryn Wortley

    Dựa trên thành công của Jurassic Island, Huis Ten Bosch kể từ đó đã tung ra một loạt trò chơi công nghệ cao bao gồm Dragon World Tour, kết hợp giữa VR và đu quay, và VR-King, được tuyên bố là tàu lượn siêu tốc VR nhanh nhất trên thế giới.

    Với việc ngành du lịch đang ngày càng tạo nên sức hút và sự thú vị cho các điểm tham quan bằng cách sử dụng các công nghệ này, có thể mong chờ sự đột phá hơn nữa trong tương lai không xa.

    Theo sách trắng năm 2021 do Cơ quan Du lịch Nhật Bản phát hành, nếu quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ tái tạo lực và xúc giác tiến triển, mọi người sẽ có cơ hội trải nghiệm những ngọn núi tuyết và miệng núi lửa mà bình thường không thể tiếp cận.

    Điều này sẽ liên quan đến việc người dùng không chỉ sử dụng màn hình hoặc đeo tai nghe mà sẽ cần một bộ trang phục đặc biệt - một cuộc cách mạng khả thi khác cho ngành du lịch ở Nhật Bản.

    kilala.vn

    26/12/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: Japantoday

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!