Lần đầu leo núi Phú Sĩ? Bạn cần biết những điều này
Khi đến với Nhật Bản, một trong những mong ước của nhiều người đó là chinh phục được đỉnh của ngọn núi thiêng. Dù có đông người đi cùng trên hành trình, nhưng bạn cũng cần “dắt túi” những kiến thức cần thiết để trải nghiệm được trọn vẹn nhất.
Nếu dự định ghé thăm biểu tượng của nước Nhật, dưới đây là một số lưu ý cho chuyến leo núi Phú Sĩ của bạn.
Đăng ký trước khi leo núi
Đây là quy định được Chính phủ Nhật Bản đưa ra kể từ năm 2024 do tình trạng quá tải lượng người leo núi.
Sau 16h00, người đi bộ đường dài cần có giấy tờ đặt chỗ để vào các tuyến đường mòn của tỉnh Shizuoka, bao gồm: Subashiri, Gotemba, Fujinomiya. Đăng ký trước tại đây.
Đường mòn Yoshida của tỉnh Yamanashi không được leo vào ban đêm trừ khi bạn đã leo lên đỉnh núi vào buổi chiều và nghỉ ngơi trong túp lều trên núi.
Phí leo núi là 2.000 yên/người (khoảng 300.000 đồng), khuyến khích mọi người tự nguyện đóng góp thêm cho việc bảo tồn núi Phú Sĩ.
Mùa thích hợp để leo núi Phú Sĩ
Thời gian để leo núi là vào mùa hè, kéo dài từ tháng 7 đến đầu tháng 9 do điều kiện thời tiết thuận lợi. Ở độ cao 3.776 m so với mực nước biển, thời tiết và nhiệt độ tại đỉnh núi có sự khác biệt đáng kể so với mặt đất, nên nếu leo núi vào mùa đông thì giá rét trên đỉnh núi sẽ gây nguy hiểm cho người leo.
Bên cạnh đó, nếu không phải trong thời gian quy định leo núi thì các tuyến đường mòn, nhà vệ sinh, chỗ nghỉ… cũng đều đóng cửa.
Chính vì việc giới hạn thời gian nên lượng người đổ về núi Phú Sĩ sẽ rất đông, tập trung ở đỉnh núi. Các khu vực xung quanh trạm 8 và 9 sẽ trở nên đặc biệt đông đúc từ 23h00 đến 5h00 sáng để đón bình minh, đặc biệt là vào cuối tuần hoặc các ngày lễ.
Nếu bạn muốn tận hưởng một chuyến leo núi thảnh thơi, lựa chọn tốt nhất là bắt đầu vào ban ngày và ngày trong tuần để tránh đám đông, nhớ kiểm tra lịch để tránh những dịp lễ của Nhật Bản.
Lựa chọn đường mòn phù hợp
Có bốn con đường mòn khác nhau mà bạn có thể đi. Mỗi đường được chia thành 10 trạm và hầu hết những người leo núi sẽ bắt đầu từ trạm thứ năm, còn trước đó mọi người sẽ di chuyển bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân.
Quá trình leo núi thường mất 5 đến 7 giờ, với quá trình xuống núi mất thêm 3 đến 5 giờ nữa. Những người leo núi thường bắt đầu vào buổi chiều, nghỉ ngơi qua đêm trên núi và lên đến đỉnh kịp lúc mặt trời mọc.
Yoshida, tỉnh Yamanashi (màu cam)
Đây là tuyến đường phổ biến nhất nên cũng là nơi đông người nhất. Tại tuyến này, đường lên và đường xuống là riêng biệt. Có nhà vệ sinh công cộng trên đường mòn tại trạm thứ 5 và thứ 6. Phía đường xuống thì nhà vệ sinh ở trạm thứ 7.
- Mức độ khó: dành cho người mới bắt đầu
- Thời gian leo lên: 6h
- Thời gian đi xuống: 4h
Xem thêm: Đường mòn Yoshida lên núi Phú Sĩ thu phí 2.000 yên từ mùa hè năm 2024
Fujinomiya, tỉnh Shizuoka (màu xanh lam)
Tuyến đường ngắn nhất lên đỉnh và phổ biến thứ hai. Tuy nhiên đường lên sẽ bị dốc và nhiều đá. Khoảng cách lên đỉnh núi ngắn, nếu thời tiết đẹp, bạn có thể nhìn thấy vịnh Suruga - đây là một trong những điểm thu hút của tuyến đường Fujinomiya.
- Mức độ khó: dành cho người mới bắt đầu
- Thời gian leo lên: 5h
- Thời gian đi xuống: 3h
Subashiri, tỉnh Shizuoka (màu đỏ)
Có thể ngắm nhiều khung cảnh hơn nếu bạn đã chinh phục cung đường Yoshida. Tuy nhiên, có nhiều sườn dốc và có sự chênh lệch độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, tầm nhìn kém bởi có thể có sương mù.
- Mức độ khó: trung bình
- Thời gian leo lên: 6h
- Thời gian đi xuống: 3h
Gotemba, tỉnh Shizuoka (màu xanh lá cây)
Đây là đường sỏi núi lửa với đường lên dài, nhưng đoạn xuống có nhiều dốc trượt gia tăng thử thách cho bạn.
- Mức độ khó: dành cho người đã có kinh nghiệm leo núi
- Thời gian leo lên: 7h
- Thời gian đi xuống: 3h
Chuẩn bị gì khi leo núi?
Trang phục
Thời tiết trên núi Phú Sĩ không thể đoán trước. Người leo núi nên mang theo quần áo mùa hè (nhẹ và thoáng khí khi leo ở độ cao thấp) và trang phục mùa đông (áo ấm, áo khoác lông cừu/ lông vũ, găng tay, mũ, áo khoáng chống thấm) để chuẩn bị cho nhiệt độ hạ xuống sâu khi càng lên phía đỉnh núi.
Giày chuyên dụng cho leo núi có đế cứng, cổ cao, giúp ngăn cát, sỏi lọt vào và bảo vệ cổ chân của bạn.
Mũ bảo hộ: Trong những năm gần đây, đã có nhiều tai nạn và thương tích do đá rơi. Hãy đảm bảo đội mũ bảo hộ để bảo vệ bản thân không chỉ khỏi đá rơi mà còn để phòng ngừa các trường hợp ngã có thể xảy ra.
Vật dụng
Tiền xu và tiền lẻ: Hầu hết các nhà vệ sinh trên núi Phú Sĩ đều yêu cầu phí từ 100 đến 300 yên, tùy thuộc vào vị trí. Hãy nhớ mang theo tiền khi leo núi, vì không thể sử dụng thẻ.
Đèn pin đội đầu có pin dự phòng cho những chuyến leo núi ban đêm.
Gậy đi bộ đặc biệt hữu ích khi xuống dốc.
Kính mát, kem chống nắng, kính bảo hộ, bản đồ, túi đựng rác, thuốc, băng cá nhân…
Các thiết bị được gợi ý ở đây chỉ là những thiết bị tối thiểu. Hãy nhớ kiểm tra các vật dụng khác mà bạn có thể cần tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.
Thức ăn, nước uống
Leo núi Phú Sĩ cần thể lực tốt, sức bền cao vì thế bạn cần đảm bảo cơ thể mình được nạp đủ “nhiên liệu”. Nhưng thức ăn và nước uống ở mỗi trạm đều đắt đỏ, vì vậy hãy mang nước và đồ ăn nhẹ (thanh protein, granola, cơm nắm…) từ nhà theo và đặt trong balo.
Nên bổ sung tinh bột vào chế độ ăn uống của bạn một hoặc hai ngày trước khi leo núi.
Thể lực
Chắc chắn đây là điều cần có khi bạn muốn leo núi. Bạn sẽ phải leo lên những con đường mòn trên núi dốc trong ít nhất 5 giờ, bao gồm những con đường đầy sỏi hoặc ngoằn ngoèo. Càng leo cao, oxy càng loãng, điều này có thể dẫn đến các triệu chứng của chứng say độ cao.
Ngay cả khi bạn thường xuyên chơi thể thao, việc leo núi Phú Sĩ vẫn là một thử thách và đòi hỏi bạn phải nâng cao sức mạnh thể chất trước. Các bài tập tim mạch, chẳng hạn như chạy bộ và đi bộ đường dài, có thể giúp tăng cường chức năng tim mạch, hô hấp và các bài tập sức bền như squat có thể tăng cường cơ chân và cơ bụng của bạn.
Điều nguy hiểm nhất là ép bản thân leo núi khi không ở trạng thái thể chất tốt nhất. Một tuần trước khi leo núi, hãy đảm bảo ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ. Nếu bạn cảm thấy không khỏe vào ngày leo núi, hãy cân nhắc hoãn lại sang thời điểm khác.
Cách để đến núi Phú Sĩ
Có ba cách để đến núi Phú Sĩ: bằng tàu hỏa, xe buýt hoặc ô tô. Trước mỗi chuyến đi, bạn cần kiểm tra tất cả thông tin về lịch hoạt động của những phương tiện công cộng vì chúng sẽ có thay đổi tùy mùa.
Việc di chuyển bằng tàu hỏa hoặc xe buýt được khuyến khích vì đây là phương tiện thân thiện với môi trường và không bị ảnh hưởng bởi các quy định về phương tiện cá nhân.
Dưới đây là gợi ý về các tuyến đường chính để đến núi Phú Sĩ khi đi từ Tokyo.
Đường mòn Yoshida
- Bằng tàu:
Ga JR Tokyo → Ga JR Shinjuku → Ga JR Takao → Ga JR Otsuki → Ga Fujikyu Line Mt. Fuji (khoảng 3 giờ 4 phút).
Giá vé một chiều: 2.199 yên.
- Bằng xe buýt:
Đi xe buýt Fujikyu có để thông tin là “Fuji Subaru Line 5th Station” (khoảng 1 giờ).
Giá vé một chiều: 1.570 yên.
Đường mòn Gotemba và Subashiri
- Bằng tàu:
Ga JR Tokyo → Ga JR Kozu → Ga JR Gotemba (khoảng 1 giờ 56 phút).
Giá vé một chiều: 1.980 yên.
- Bằng xe buýt:
Đi xe buýt Fujikyu có để thông tin là “Fuji Subaru Line 5th Station” (khoảng 1 giờ với đường Subashiri và 40 phút với đường Gotemba).
Giá vé một chiều: 1.540 yên (Subashiri), 1.110 yên (Gotemba).
Đường mòn Fujinomiya
- Bằng tàu:
Ga JR Tokyo → Ga JR Numazu → Ga JR Fuji → Ga JR Fujinomiya (khoảng 3 giờ 7 phút)
Giá vé một chiều: 2.640 yên.
- Bằng xe buýt:
Đi xe buýt Fujikyu có để thông tin là “Fuji Subaru Line 5th Station” (khoảng 1 giờ 20 phút).
Giá vé một chiều: 2.030 yên.
Lưu ý rằng những thông tin này chỉ có tính chất tham khảo và thay đổi tùy theo mùa. Bạn có thể tham khảo thêm lịch trình xe buýt tại đây.
Ngắm bình minh
Đa phần những người đến với núi Phú Sĩ đều mong ước có thể ngắm bình minh trên đỉnh núi. Chính vì thế, để có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ khi mặt trời lên, bạn có thể tham khảo 2 cách di chuyển:
- Bắt đầu vào đầu giờ chiều và nghỉ ngơi trên núi trước khi leo lên đỉnh núi sau nửa đêm.
- Bắt đầu vào cuối buổi tối và leo liên tục, chỉ nghỉ ngơi thời gian ngắn.
Nơi nghỉ ngơi
Việc dựng lều trên núi Phú Sĩ bị nghiêm cấm nên bạn cần đặt chỗ nghỉ trước nếu muốn qua đêm trên núi.
Chi phí dao động trung bình từ 6.000 yên cho một chỗ ngủ trong phòng chung và 16.000 yên cho một không gian bán riêng tư bao gồm cả bữa sáng và bữa tối. Một số nơi có phục vụ đồ ăn chay, vì vậy bạn có thể yêu cầu trước khi đặt phòng.
Xung quanh khu nghỉ cũng có những cửa hàng nhỏ nơi bạn có thể mua các vật dụng như thực phẩm, nước… nhưng mức giá không hề rẻ. Một số nơi sẽ cho bạn nghỉ ngơi trong thời gian ngắn với giá 1.000 yên một giờ và có nhà vệ sinh với giá 200 yên (một lần nữa: hãy mang theo nhiều tiền lẻ).
Những lưu ý
Trên đường mòn nếu thấy những sợi dây thừng tạo thành hàng rào chắn trên núi, bạn hãy đi bên trong hàng rào vì đi bộ bên ngoài dây thừng rất nguy hiểm, bởi nó cũng dẫn đến nguy cơ đá rơi. Bên cạnh đó, việc đi trong khu vực có dây thừng cũng giúp bạn đi đúng lộ trình.
Những năm gần đây, tình trạng quá tải khách du lịch trên núi Phú Sĩ đã trở thành một vấn đề “nóng”. Việc quá đông người khiến vấn đề xả rác bừa bãi không thể tránh khỏi. Vì đây là một ngọn núi linh thiêng với người Nhật, cũng như để bảo tồn cảnh sắc thiên nhiên, bạn nên chuẩn bị túi đựng rác, bỏ tất cả rác của mình vào đó và vứt tại thùng rác công cộng.
Việc đảm bảo an toàn cho bản thân, gìn giữ môi trường sạch đẹp là cách bạn tạo nên một chuyến leo núi ý nghĩa với những kí ức đẹp.
kilala.vn
Để việc kết nối mạng không bị gián đoạn khi đi du lịch tại Nhật Bản, bạn có thể tham khảo cục phát wifi hoặc SIM/eSIM do Japan Wireless cung cấp:
Esim: https://www.japan-wireless.com/esim/vi?via=kilala
Wifi: https://www.japan-wireless.com/vn?via=kilala
Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ Taxi đưa đón sân bay, bạn có thể tham khảo thêm tại đây: https://www.airport-taxi.tokyo/en?via=kilala-vietnam
Liên hệ: https://www.japan-wireless.com/vn/support (hoặc bạn có thể trò chuyện trực tiếp thông qua messenger hoặc Zalo).
Đăng nhập tài khoản để bình luận