“Chỉ tiếp khách Nhật Bản” – Liệu các quán ăn ở Nhật có đang phân biệt đối xử?

    Nếu có chuyến du lịch đến Nhật, đâu đó bạn sẽ thấy nhà hàng treo biển “Japanese language only” (Chỉ nói tiếng Nhật), vậy lý do đằng sau đó là gì?

    Theo số liệu do Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) công bố, vào tháng 2/2024, kỷ lục 2.788.000 khách du lịch đã đến thăm Nhật Bản. Phần lớn (hơn 818.000 du khách) đến từ Hàn Quốc. Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và đến vị trí thứ năm thì mới xuất hiện quốc gia nói tiếng Anh đầu tiên là Mỹ, với 148.700 du khách.

    Khi khách du lịch đến đông thì việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp in thực đơn và bảng hiệu bằng nhiều ngôn ngữ để chào đón du khách là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng sẵn sàng làm việc đó, thay vì vậy họ chấp nhận không đón khách nước ngoài vào quán. Liệu rằng đó có phải là sự phân biệt?

    Chủ đề này gần đây đã xuất hiện trên X khi một số người đăng biển hiệu từ một nhà hàng ở Teramachi, Kyoto. Biển hiệu cho du khách biết rằng nhân viên chỉ có thể nói tiếng Nhật – và do đó, nếu không nói được ngôn ngữ này, bạn nên cân nhắc đến một nhà hàng khác.

    nha-hang
    Tờ giấy thông báo rằng nhà hàng chỉ có thể phục vụ khách biết tiếng Nhật. Ảnh: FujikakeRin trên X 

    Nhiều người sau khi nhìn thấy tin này đã có phản ứng trái chiều, một số thì cảm thấy bị xúc phạm, nhưng có người lại cảm thấy không có vấn đề gì. Họ lập luận rằng tờ giấy chỉ đang thể hiện rằng nhân viên của quán không thể hỗ trợ cho những người không biết tiếng Nhật, chứ không có ý xua đuổi khách, nếu bạn là khách nước ngoài nhưng biết một chút tiếng Nhật thì vẫn được chào đón.

    Tuy nhiên, cũng có những nhà hàng gặp phải phản ứng dữ dội. Điển hình là câu chuyện của một izakaya ở Naha, Okinawa, họ đã treo một tấm biển ghi: “Chúng tôi chỉ có thể nói tiếng Nhật nên chỉ phục vụ người Nhật. Khách nước ngoài không được phục vụ tại quán”.

    Tấm biển này đã trở thành tâm điểm sau khi một nhóm hoạt động địa phương chú ý đến và đệ đơn khiếu nại lên thành phố. Việc cấm vào nhà hàng dựa trên chủng tộc hoặc quốc tịch đã vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc từ năm 1969. Nhật Bản đã ký kết Công ước này vào năm 1995. Năm 1999, tòa án Shizuoka đã yêu cầu một cửa hàng trang sức phải bồi thường thiệt hại vì liên tục từ chối phục vụ khách nước ngoài.

    nha-hang-Nhat
    Với những nhà hàng nhỏ, kinh doanh theo dạng hộ gia đình thì việc đón tiếp khách nước ngoài là quá sức với họ.

    Trong trường hợp ở Naha, cửa hàng đã gỡ biển hiệu xuống và khẳng định họ không bao giờ có ý phân biệt đối xử với bất kỳ ai. Người chủ cho biết họ chỉ có một đầu bếp và một phục vụ. Họ nhấn mạnh rằng không được trang bị để phục vụ những khách hàng không nói tiếng Nhật. Nhưng điều này chưa thể giải thích cho lý do họ từ chối phục vụ mọi khách hàng nước ngoài, dù người đó nói được tiếng Nhật hay không.

    Có một thực trạng là đa phần các nhà hàng từ chối phục vụ khách nước ngoài đều kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, và việc phục vụ khách nước ngoài là quá sức đối với họ.

    Khi được khảo sát về lý do không muốn đón tiếp khách du lịch nước ngoài thì một số ý kiến của các nhà hàng như sau: Phải làm menu bằng nhiều ngôn ngữ; Khách nước ngoài không phù hợp với không khí của cửa hàng; Điều này khiến khách hàng người Nhật bỏ đi nơi khác do thiếu chỗ ngồi; Người nước ngoài dễ hủy bàn đã đặt hơn… 

    Nhưng cũng có những nhà hàng cố gắng thích nghi với sự thay đổi như: bổ sung ngôn ngữ chung (tiếng Anh) vào thực đơn hay thêm hình minh họa vào mỗi món ăn để khách nước ngoài có thể hình dung.

    kilala.vn

    Nguồn: Unseen Japan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!