Xu hướng toàn cầu hóa của giáo dục Nhật Bản
Những ưu điểm vượt trội của nền giáo dục Nhật Bản là thành quả của sự đa dạng và cách tân không ngừng, nhằm bắt kịp, và đón đầu những xu thế phát triển của thế giới.
Quốc tế hoá hai chiều
Theo bảng xếp hạng chất lượng các trường đại học Châu Á năm 2014 do tạp chí Times Higher Education công bố, Nhật Bản tiếp tục đứng đầu với 20 trường nằm trong top 100. Đại học Quốc gia Tokyo đứng vị trí số 1, Đại học Kyoto chiếm vị trí thứ 7, Đại học Công nghệ Tokyo xếp thứ 13, Đại học Osaka thứ 15, tăng hai bậc so với năm 2013…
Cũng từ năm 2014, chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe chính thức thúc đẩy xu hướng quốc tế hoá giáo dục bậc cao, với mục tiêu tăng số sinh viên Nhật du học nước ngoài đồng thời thu hút 300.000 sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường đại học Nhật Bản vào năm 2020. Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng sinh viên quốc tế du học tại Nhật Bản năm 2012 đã đạt đến 121.857 sinh viên.
Để thực hiện kế hoạch này, nhiều trường đại học hàng đầu như Đại học Meiji ở Tokyo, Đại học Waseda, Đại học Ritsumeikan ở Kyoto. đã bắt đầu đưa ra các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Với xu hướng toàn cầu hóa này, cơ hội du học Nhật Bản giờ đã mở rộng với cả những người chưa biết tiếng Nhật.
Hệ thống trường học và bằng cấp ở Nhật
Đất nước Nhật là hình ảnh mẫu mực cho “xã hội học tập suốt đời”, nơi mà bất cứ ai ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tìm thấy những khóa học theo sở thích và nhu cầu của mình với hệ thống trường đào tạo nghề và các kỹ năng thực hành đa dạng. Một năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng Tư và kết thúc vào tháng Ba năm sau. Với mô hình 6-3-3, người Nhật phải trải qua 9 năm giáo dục bắt buộc: 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở. Giáo dục bậc cao Nhật Bản bao gồm các trường Đại học, Cao đẳng, Trường kỹ thuật chuyên nghiệp, Trường dạy nghề.
01/01/2015
Bài: Thư Hiên/ Ảnh: KPG Payless2, TAGSTOCK1/ Nguồn tư liệu: MEXT Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận