Tôi đã “sống sót” tại Nhật nhờ sự THÀNH TÂM


    Đã từng sinh sống 6 năm tại Nhật và hiện đang là giáo viên dạy kĩ năng sống cho trẻ em bằng tiếng Nhật và văn hoá Nhật, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về về cách sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản của các bạn trẻ. Để tư vấn cho từng trường hợp cụ thể thì thật khó, tôi xin chia sẻ câu chuyện của bản thân mình để các bạn có thể nghiệm ra những giá trị sống riêng và áp dụng cho bản thân mình. 

    Không biết tiếng Nhật, lí do bất ngờ giúp tôi vẫn được nhận vào làm

    Ngày đầu tiên tôi đến Nhật là ngày 31 tháng 3 năm 2005, với vốn tiếng Nhật ít ỏi, tôi chỉ biết vài câu chào hỏi thông thường. Chị Trang – người giới thiệu tôi vào chỗ làm tại tiệm bánh xếp gyoza Hourai của ông chủ Takewaka và còn nhắn nhủ trước: "Tiếng Nhật của em còn yếu quá, chị dẫn em đến thôi, nếu ông chủ không nhận thì đừng buồn nha. Hiện tại ông chủ cần người xếp hàng và chuẩn bị nguyên liệu làm bánh xếp từ 6h sáng mà chị thì dậy không nổi nên giới thiệu… đại em thôi." 
    Vậy mà bất ngờ, tôi được nhận! Vài ngày sau, trong giờ nghỉ trưa, chị Trang gọi tôi đến và hỏi:
    - "Em biết tại sao ông chủ nhận em vào làm không?"
     - "Dạ không?"
    - "Ổng nói, em không biết tiếng Nhật nhưng em biết cách chào hỏi lễ phép theo kiểu Nhật. Và nhìn mặt em cũng thành thật. Tiếng Nhật có thể học và giỏi theo thời gian nhưng biết lễ nghi thì xuất phát từ ý thức và con tim của mỗi người. Ổng nói là ổng tin em, chắc em sẽ làm được việc trong tiệm ăn của ổng. Thiệt tình chị cũng không hiểu ông chủ lắm."
    Đây là nhà hàng Hourai (http://www.hourai.cc/oroshi.html) tôi làm việc vào ngày đầu tiên đến Nhật. Tôi không trực tiếp làm việc với khách hàng mà làm sau tiệm, đi vào sau tấm mành tre là “vương quốc” của tôi. Nơi chỉ có mình tôi “làm mưa làm gió” từ 6h đến 8h sáng hàng ngày. (Ảnh: Xuân Trinh) 

    Sau một thời gian làm ở tiệm, tôi nghiệm ra rằng họ thấy sự thành tâm của tôi qua việc:
    1. Hỏi và cho họ biết rằng tôi không biết gì hết, cần họ hướng dẫn cho tôi, thật lòng muốn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác.
    2. Thể hiện mong muốn học tiếng Nhật, người Nhật sẽ coi trọng bạn hơn khi bạn quan tâm hiểu biết ngôn ngữ của họ và họ sẽ hướng dẫn bạn cách làm việc hiệu quả.
    3. Các cô người Nhật cùng làm trong tiệm Hourai thường đùa rằng khi tôi ăn thì. không cần rửa chén nữa vì tôi đã ăn sạch rồi. Họ thấy là tôi ăn những món họ cho một cách trân trọng và thưởng thức thực lòng. Đối với tôi, món ăn dù ngon hay dở thì tôi cũng thật lòng ăn hết. Với điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng người Nhật sẽ để ý, và các bạn sẽ hiểu được lòng của người Nhật nhờ những điều đơn giản như vậy và quan trọng hơn các bạn phải thực lòng, làm việc gì cũng xuất phát từ trái tim. 

    Công việc trong tiệm bánh xếp có gì hay? Sáng tạo món ăn “hot” trong menu

    Tôi làm việc ở tiệm ăn Hourai từ 6h đến 8h sáng. Buổi sáng tôi thức dậy lúc 5h sáng, vệ sinh cá nhân và ăn sáng đến 5h30. Sau đó, tôi đạp xe đến Hourai lúc trời còn tờ mờ sáng, đường quê không một bóng người, tôi sợ lắm nhưng luôn an ủi rằng nếu mình không cố gắng thì làm sao mình thành công. Vào những ngày mùa đông thì vất vả hơn vì trời lạnh, chân tôi không chịu nghe lời, tôi muốn đạp nhanh đến tiệm cho ấm mà chân cứ cứng đơ. 
    Đến tiệm rồi thì tôi nhanh chóng bấm thẻ, nếu bấm trễ thì tôi không được tính tiền từ lúc 6h mà sẽ bị trừ tiền 15 phút. Bấm thẻ xong thì tôi sẽ mở tủ đông (nhiệt độ -26 độ C) để xếp 10-15 thùng hàng đông lạnh vào kho để đi giao cho khách. 
    Trước khi đóng thùng thì tôi phải cẩn thận kiểm tra, nếu như bánh có những hiện tượng: nứt, có nhiều bột dính ở vỏ bánh là không đạt chất lượng, phải thay bánh khác vào hộp đó và bỏ bánh lỗi ra ngoài. Công đoạn này rất tốn thời gian. Nên tôi phải tinh mắt và nhanh tay nếu không tôi sẽ không kịp giờ làm những việc khác. Tôi chỉ có 1 giờ để đóng thùng và chuyển ra một tủ đông khác cách nhà làm bánh 3 phút di chuyển bằng xe đẩy. 
    Sau công việc đóng gói sẽ đến công việc cắt bắp cải. Mỗi ngày tôi sẽ cắt 10 thùng bắp cải, mỗi thùng gồm 5 bắp, xay thêm một bao bắp cải để người vào ca sau mang ra xay nhuyễn làm nhân, nếu xong sớm thì tôi gấp hộp giấy đựng bánh xếp để dành dùng sau. 
    Cuối tuần thì tôi đi làm cùng chị Trang từ 8h sáng đến 5h chiều, vào những ngày tăng ca thì chúng tôi rất thích vì sẽ có thêm tiền lương và buổi trưa được ông chủ cho ăn cơm rất ngon. Buổi chiều còn được ăn bữa xế với bánh gạo và nước trà thơm. Những tháng có nhiều đơn hàng thì tất cả nhân viên trong tiệm đều được thưởng mỗi người 2.000 yên Nhật (tương đương 400.000 VND). 
    Tháng nào tôi đi làm cả ngày thứ 7 và Chủ Nhật, cộng với những ngày thường làm 2 giờ thì thu nhập hàng tháng của tôi được khoảng 80.000 yên Nhật (tương đương 16.000.000 VND). Trong tuần ngoài giờ đi học thì tôi còn đi dạy tiếng Anh cho các cô chú đã về hưu ở shiyakusho (ủy ban nhân dân thành phố) và dạy học cho các bé ở trường mầm non từ 4h đến 5h chiều các ngày thứ 2 và thứ 6. Một tháng tôi có được 100.000 yên Nhật (tương đương 20.000.000 VND) để đóng học phí và trang trải sinh hoạt phí. 
    Tôi được chụp hình này và đưa lên menu của nhà hàng Hourai vì tôi giúp ông chủ sáng tạo ra món Harumaki (gỏi cuốn) theo phong cách Nhật. Món này sử dụng bánh tráng Việt Nam, rau xà lách, thanh cua, dưa leo, các loại rau củ khác và nước sốt đặc biệt của tiệm Hourai. Trong một thời gian dài, tiệm đã trở nên đông khách nhờ món ăn này. (Ảnh: Xuân Trinh)

    Về giấy phép làm việc

    Tôi chia sẻ câu chuyện trên là câu chuyện thực mà  tôi đã trải qua. Tôi may mắn vì đã tìm được công việc tốt, cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá trong thời gian tôi sống và học tập  tại Nhật. Tuy nhiên, nếu các bạn mới đến Nhật thì đừng bắt chước theo tôi, mà hãy đợi có giấy phép Shikakugaikatsudo Kyokasho trước. Trong thời gian chờ đợi có giấy phép đi làm, các bạn hãy trau dồi thêm tiếng Nhật. Việc biết tiếng Nhật rất quan trọng vì người Nhật sẽ coi trọng bạn hơn khi bạn hiểu biết ngôn ngữ của họ và họ sẽ hướng dẫn bạn cách làm việc hiệu quả. 
    Lúc chưa có giấy phép đi làm, ngày nào tôi cũng nơm nớp lo sợ, như là sợ trường phát hiện sẽ đuổi học, sợ bị trục xuất về nước. Cho đến khi tôi nhận được giấy phép thì tôi yên tâm làm việc mà không lo lắng nghĩ ngợi nữa. Sau này tôi mới hay trường đã biết sự việc tôi thức dậy đi làm hàng ngày vào lúc 5h sáng vì trường có camera theo dõi ở ngay cửa ra vào ký túc xá. Nhưng các thầy cô xét thấy cho dù tôi đi làm thêm bất hợp pháp nhưng tôi vẫn đi học đúng giờ và chuyên cần, các thầy cô đã không nhắc nhở. Biết được điều này tôi cám ơn các thầy cô rất nhiều, vậy là họ công nhận sự cố gắng và thành tâm của tôi, nhờ đó tôi có thêm quyết tâm học tại Nhật thêm 4 năm nữa cho đến khi tôi lấy được bằng thạc sĩ văn học Anh tại Đại học Nữ Baika. 

    "Hãy đi theo con đường của mình đi. Con sẽ thành công!"

    “Gia đình” của tôi tại Nhật: Ông chủ Takewaka (đứng) đang bịt tai trêu tôi, chị Takamoto ( mặc áo trắng) – người đã cứu tôi nhiều bàn thua trông thấy khi tôi dậy trễ không đi làm nổi vào những ngày mùa đông. Bên cạnh là chị Mizayaki, chị có hai con gái rất đáng yêu – hai bé là đồng minh của tôi và luôn viết thư khuyến khích tôi cố gắng học tốt. (Ảnh: Xuân Trinh)
    Khi trở thành sinh viên năm hai. tiếng Nhật của tôi khá hơn, nên tôi cũng đi làm nhiều hơn và có tiền nhiều hơn. Tất cả các tín chỉ tôi đã tính toán và lấy hết ở năm nhất nên năm hai tôi có thể đến trường học ít hơn. Tuy vậy, tôi vẫn thu xếp đến trường học và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện do trường tổ chức để lấy được bằng chuyên cần. Nhờ vậy mà tôi được nhiều sinh viên năm nhất và năm hai biết đến và sẵn sàng giúp đỡ tôi.
    Tôi làm ở Hourai thêm hai năm nữa và xin nghỉ hẳn để tập trung vào việc học. Ông chủ muốn tôi làm việc ở tiệm Hourai lâu dài nên đã đề nghị tôi làm con nuôi và sẽ đứng ra bảo lãnh cho tôi sống luôn tại Nhật. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã viết thư từ chối dù nhiều người nói tôi "ngốc" vì tôi muốn học cao hơn và muốn tự tạo dựng doanh nghiệp do chính tôi làm chủ. Sau khi nhận được thư của tôi, ông chủ đã nói, “Hãy đi theo con đường của mình đi. Con sẽ thành công. Ta rất tiếc không có khả năng giữ con lại làm việc tại tiệm của ta.” Tôi vẫn biết ơn ông về điều này, và luôn xem ông là người cha ở Nhật của tôi.  
     Nhìn lại thời gian đã trải qua ở Nhật, tôi luôn tự hào vì mình đã có thời gian sống và làm việc ở Nhật khi tôi đôi mươi, tôi đã trải qua nhiều sự kiện vui buồn để được như bây giờ và ở đây kể lại cho các bạn nghe. 
    Các bạn hãy tin rằng những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến trái tim. Hãy tự tin mạnh mẽ dấn thân, tôi tin rằng các bạn sẽ sống một cuộc đời đáng sống tại Nhật và tại bất cứ nơi đâu mà bạn đến.
    Xuân Trinh/ kilala.vn

    31/07/2017

    Bài. Ảnh: Hồ Lê Thị Xuân Trinh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!