SGU - Hệ thống giáo dục toàn cầu của Nhật Bản
Năm 2014, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành chế độ hỗ trợ toàn cầu hóa bậc giáo dục đại học. Nhằm nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của các trường đại học Nhật Bản, chính phủ sẽ đặc biệt hỗ trợ cho các trường đã được thẩm định chính là mục tiêu của chế độ này. Đây chắc chắn sẽ trở thành một trong những tiêu chí để các du học sinh cân nhắc khi chọn trường. Vậy thì, những trường đại học nào đạt danh hiệu SGU?
SGU là gì?
Năm 2014, sau các đợt thẩm tra được công bố rộng rãi, 37 trường đại học Nhật Bản đã được chứng nhận đạt danh hiệu SGU (Super Global University). Các trường này được chia thành 2 nhóm: nhóm A gồm các trường có tiềm năng lọt vào top 100 Bảng xếp hạng trường đại học thế giới, nhóm B gồm các trường hướng đến mục tiêu toàn cầu hóa xã hội Nhật Bản. 13 trường đã được chọn vào nhóm A (trong 16 trường ứng cử) và 24 trường được chọn vào nhóm B (trong 93 trường ứng cử).Trong vòng tối đa 10 năm tới đây, chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản tiền hỗ trợ và các trang thiết bị cần thiết cho mục tiêu toàn cầu hóa giáo dục.Mức hỗ trợ tối đa trong 10 năm dành cho các trường nhóm A là 420 triệu yên và nhóm B là 170 triệu yên.
Kết quả của đợt thẩm tra dựa vào bản kế hoạch đào tạo trong vòng 10 năm của mỗi trường. Các mục thẩm tra bao gồm nhiều mảng như thể chế hỗ trợ du học sinh, số lượng giảng viên nước ngoài, tỉ lệ các tiết học bằng tiếng nước ngoài, bổ sung tiết học tiếng Nhật hay chế độ xét tuyển đầu vào dựa trên kết quả của các kì thi như TOEFL.
Do đó, bên cạnh các trường đại học hàng đầu Nhật Bản như đại học Tokyo và đại học Kyoto, những trường đại học địa phương có kế hoạch đào tạo đặc sắc cũng được xem xét trao danh hiệu.Với các bản kế hoạch đào tạo này, những trường được chọn sẽ cùng chung tay giúp cho nền giáo dục Nhật Bản tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế trong tương lai.
SGU là tiêu chí chọn trường mới!
Những trường đại học đạt danh hiệu SGU lần này đều là những cơ sở đào tạo có định hướng kỹ càng và hoàn toàn có thực lực thách thức với mục tiêu toàn cầu hóa.2015 là năm đầu tiên của chế độ SGU nên các trường sẽ tận dụng tối đa các khoản hỗ trợ từ chính phủ để thực thi các chính sách cụ thể.
Ví dụ như, đại học có nhiều du học sinh nhất - Waseda - đặt mục tiêu từ nay đến 10 năm sau sẽ tiếp nhận trên 10.000 du học sinh.Nếu thành công, có nghĩa là cứ 5 sinh viên thì sẽ có 1 du học sinh.Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường đã có kế hoạch tăng thêm số lượng khóa học bằng tiếng Anh cũng như số sinh viên chỉ tiêu trong một khóa. Ngoài ra, tại trường đại học Châu Á Thái Bình Dương APU - nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học nhất với 436 người (tính đến ngày 25/6/2015), các lớp Nhật ngữ dành riêng cho du học sinh chưa biết tiếng Nhật được đánh giá khá cao và hiện nay đang có kế hoạch nâng cao thêm trình độ của các lớp này. Tại đây cũng có các hoạt động hướng nghiệp và hỗ trợ định hướng sau khi tốt nghiệp vô cùng tỉ mỉ, khiến cho tỉ lệ du học sinh lập nghiệp tại Nhật Bản rất cao, chiếm đến 1/2 số du học sinh đã ra trường và đang làm việc.
Hai trường trên chỉ là một số ít ví dụ điển hình, các bạn hãy xem trên website hoặc tài liệu để biết thêm chi tiết về chính sách và chương trình đào tạo mới của từng trường. Vậy còn những trường không được trao danh hiệu SGU, phải chăng họ sẽ không có chính sách nào khuyến khích du học sinh nhập học? Thực tế không phải như vậy! Hầu hết các trường đại học ở Nhật Bản đều tâm niệm cố gắng không ngừng cho mục tiêu toàn cầu hóa.Những trường chưa được cấp danh hiệu SGU không bị bó buộc về thời hạn 10 năm nên họ sẽ từng bước tiến hành cải cách trong khoảng thời gian dài hơn.Đối với các bạn đang có nguyện vọng du học, SGU chỉ là một trong những điều kiện để bạn chọn trường mà thôi, quan trọng là hãy tìm ra ngôi trường bạn thật sự yêu thích.
Những cải tiến cho mục tiêu toàn cầu hóa
Phỏng vấn người phụ trách du học sinh Việt Nam của trường ĐH Waseda
Năm học 2014, trường tiếp nhận trên 4.000 du học sinh, một con số đáng nể trong giáo dục đại học ở Nhật Bản. Số lượng du học sinh Việt Nam những năm gần đây như thế nào?
Hiện tại trường có khoảng 50 du học sinh Việt Nam. Nhìn chung, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng tăng, trong đó có rất nhiều bạn chăm chỉ học hành, nên trường đã thành lập đội ngũ tuyển sinh dành riêng cho du học sinh Việt Nam vào năm 2010 nhằm khuyến khích thêm nhiều sinh viên nhập học.
Lần này, trường đã được trao danh hiện SGU. Kế hoạch đào tạo của trường về sau như thế nào?
Về chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, hiện nay chỉ áp dụng đối với 4 Khoa là Kinh tế chính trị, Khoa học xã hội, Tự do quốc tế và Công nghệ. Chương trình này cho phép bạn học và lấy bằng cấp hoàn toàn bằng tiếng Anh, còn tiếng Nhật sẽ được học từ cuộc sống thường ngày.Trong tương lai, trường có dự định tiến hành chương trình này tại các khoa khác.Để thực hiện điều đó, cần phải có đội ngũ giảng viên có thể giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Lần này, nhờ vào khoản hỗ trợ từ danh hiệu SGU, tôi nghĩ rằng việc bổ sung thêm giảng viên sẽ nhanh chóng được tiến hành.
Về quy chế tuyển sinh thì sao?
Trước đây trường dựa trên kỳ thi du học Nhật Bản (EJU), nhưng nay trường còn xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi năng lực Nhật ngữ và tổ chức thi đầu vào mà không phân biệt trình độ.
Xin hãy giới thiệu sơ lược về Đại học Waseda.
Với lịch sử 131 năm, đào tạo nên 7 đời thủ tướng của Nhật, ĐH Waseda là một ngôi trường rất nổi tiếng. Sinh viên Việt Nam là đối tượng trung tâm của trường với các hoạt động tích cực như sự kiện Vietnam Festival được tổ chức hằng năm. Trang Facebook dạy tiếng Nhật của các sinh viên trong trường có tên “Nihongo no Mori” (facebook.com/Nihongonomori) được khá nhiều người yêu thích tại Việt Nam. Với danh hiệu SGU, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy công cuộc toàn cầu hóa giáo dục Nhật Bản. Các bạn sinh viên đang có nguyện vọng du học, hãy cố gắng lên nhé!
Danh sách các trường đạt danh hiệu SGU
Mayu Senda / kilala.vn
Đại học Waseda
Với lịch sử 131 năm, trường có tổng cộng 15 khoa, 19 viện nghiên cứu và đã đào tạo ra nhiều nhà văn, nhà báo, chính trị gia nổi tiếng.
1-104 Totsukamachi, Shinjuku-ku, Tokyo
+81-3-3203-7747 (Văn phòng quốc tế)
www.waseda.jp/inst/whywaseda/
(có tiếng Việt)
04/09/2015
Bài: Mayu Senda, Nguyễn Thị Thu, Minh Nhật
Hợp tác nội dung: JASSO, Japan Foundation
Biên dịch: Lê Mai / Ảnh:
Đăng nhập tài khoản để bình luận