Nhiều cơ hội cho người Việt đến Nhật Bản học làm anime
Những thắc mắc về ngành công nghiệp anime tại Nhật Bản đã được thầy Kagetoshi Yasuhiro - Trưởng phòng CG-Animation của Học viện TOHO GAKUEN Film Techniques Training giải đáp tại hội thảo Anime & Con đường tiến ra thế giới do Comic Media Academy Việt Nam và Saigon Language School tổ chức vào sáng thứ bảy 14/10 vừa qua.
Đến Nhật Bản học anime
Thầy Kagetoshi đã chỉ ra quy trình cơ bản để tạo nên bất kỳ tác phẩm anime hoàn chỉnh:
Chuẩn bị: Lên kế hoạch, xây dựng bối cảnh, xây dựng kịch bản, thiết kế nhân vật…
Thực hiện: Vẽ bối cảnh (layout, ảnh động, ảnh tĩnh, đổ màu…) và áp dụng các kỹ thuật 3DCG…
Hậu kì: Âm thanh (lồng tiếng, nhạc phim), biên tập phim…
Một bộ phim ra đời đánh dấu công sức cả một tập thể hàng trăm con người thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ, chưa kể đó còn là sự kết hợp giữa các công ty thu âm, công ty đồ hoạ,… Thế nên, điều quan trọng khi dấn thân vào ngành anime này chính là chọn công đoạn mà bạn yêu thích nhất để trau dồi rèn luyện. Khi mới bắt đầu học thì hẳn bạn chưa nhận ra đâu, nhưng hãy tìm câu trả lời trong suốt quá trình học nghề tại Nhật.
Khi mới ra trường, bạn sẽ không thể nhận được những công việc trong khâu chuẩn bị như viết kịch bản hay thiết kế nhân vật hoặc khâu hậu kỳ như lồng tiếng, biên tập bởi đây là công việc chỉ dành cho những người có kinh nghiệm “cứng”.
Sinh viên mới ra trường thường vào các công ty chế tác sản xuất và đảm nhận công việc như ghép bối cảnh và nhân vật, hậu kỳ đổ màu hay đốc thúc chế tác. Khi đã dày dạn kinh nghiệm, bạn có thể chế tác chuyên sâu hơn hoặc chuyển hướng sang đạo diễn sản xuất.
Một lợi thế cho các sinh viên Việt Nam khi đến Nhật đó là hiện nay, Nhật Bản đang mở cửa chào đón các sinh viên Đông Nam Á nói chung đến đây theo học ngành animation 3DCG, đặc biệt là sinh viên Việt Nam nói riêng.Học về ngành sản xuất anime, con đường nghề nghiệp của bạn sẽ rẽ lối sang nhiều hướng đi để bạn có thể dễ dàng chọn lựa: tiếp tục ở lại Nhật để làm cho các công ty sản xuất, trở về nước sở tại và nhận những dự án từ Nhật hoặc thành lập công ty hoặc sản xuất tác phẩm “made by bạn” ngay tại quê nhà.
Giải đáp về ngành công nghiệp anime tại Nhật
Q: Muốn làm phim hoạt hình là phải “qua ải” vẽ đẹp?
A: Kỹ năng vẽ tốt giúp bạn có nền tảng vững chắc và cảm thụ hình ảnh tốt hơn. Nhưng nếu bạn vẽ không đẹp, chẳng sao cả vì hiện nay, các công ty sản xuất anime đều sử dụng những phần mềm đồ hoạ 3DCG (giả lập hình ảnh) để sản xuất anime.
Q: Người Việt Nam có thể trở thành seiyuu (diễn viên lồng tiếng) trong anime được chứ?
A: Rất khó nhưng không phải là không có cơ hội. Trước đây, các seiyuu anime đều là người Nhật nhưng hiện nay đã có nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp các khoá đào tạo cũng đã vào làm việc tại các công ty chuyên về lồng tiếng. Tất nhiên, để trở thành một diễn viên lồng tiếng, bạn phải thoả được hai điều kiện: giao tiếp hệt như người Nhật và có khả năng diễn xuất.
Q: Tại các trường đào tạo ngành nghề giải trí có ngành học “đốc thúc chế tác”. Vậy đây là ngành gì?
A: Đốc thúc chế tác không trực tiếp tạo ra anime mà hoạt động với tư cách của một nhà quản lý nhằm đốc thúc các bộ phận để sản phẩm “ra lò” đúng hạn. Khi các công ty anime Nhật mang tác phẩm của mình sang nước ngoài gia công, làm hậu kỳ. thì rất cần người đốc thúc chế tác để quản lý tiến độ sản phẩm.
Q: Chọn một bài hát mở đầu anime hẳn sẽ phải đáp ứng hàng loạt những tiêu chí khắt khe lắm đây?
A: Thật ra, nhiều bài hát mở đầu anime được chọn chỉ nhờ vào việc các hoạ sĩ cảm thấy giai điệu này phù hợp là được chọn ngay, rất thoải mái. Nhưng nhạc phim cần chất lượng âm thanh tốt nên các bài hát phải được giao cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện. Nếu bộ phim ấy đã được đặt hàng bài hát tại một công ty thu âm thì công ty đó sẽ chịu trách nhiệm chọn bài cũng như chọn nghệ sĩ trình bày.
Q: Công thức thành công cho một bộ phim anime là gì?
A: Chẳng có công thức nào cả. Thường thì khi nói đến một bộ phim anime hay, bạn sẽ nghĩ hẳn bộ phim này có cốt truyện hấp dẫn, vẽ rất đẹp nhưng thật sự không hoàn toàn đúng đâu. Nhiều bộ phim có nét vẽ không đẹp nhưng người xem lại cảm thấy thú vị thì tác phẩm anime đó bỗng nhiên trở thành “hit” thôi. Ở Nhật có rất nhiều tác phẩm ngoại lệ như thế này.
Ngô Phương Thảo/ kilala.vn
18/10/2017
Bài, ảnh: Ngô Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận