Học viện Matsushita - Nơi nuôi dưỡng hoài bão cho tương lai

    Năm 1979, khi nước Nhật vẫn đang đứng trên đỉnh cao của giai đoạn phát triển thần kỳ, “ông thánh kinh doanh” Konosuke Matsushita lúc ấy 85 tuổi đã có một nhận định thấu suốt đến kinh ngạc, như lời tiên tri cho thời kỳ kinh tế bong bóng của vài năm sau: “Sự phồn vinh hiện tại chỉ là phồn vinh giả dối. Cứ như vậy Nhật Bản sẽ đến bước đường cùng.”

    Những người lãnh đạo gánh vác tương lai

    Trước viễn cảnh đáng lo ngại đó, Konosuke cho rằng “Việc đào tạo những người lãnh đạo để vận hành quốc gia là cấp thiết hơn cả” và quyết định bỏ ra 7 tỉ yên tiền túi (tương đương 5 triệu USD lúc đó) để thành lập một trường học đặc biệt, nơi “đào sâu nghiên cứu triết lý và phương châm dẫn dắt Nhật Bản và thế giới, đồng thời đào tạo những người lãnh đạo mới có thể gánh vác thời đại sắp tới”.

    Trường được đặt tên là Matsushita Seikei Juku, chữ Juku trong tiếng Nhật vốn chỉ có nghĩa khiêm tốn là “trường tư”, nhưng nơi này vẫn được gọi là Học Viện quản lý và chính trị Matsushita. Vào năm 2011, cái tên này được nhắc đến khắp thế giới khi Yoshihiko Noda - một trong những viện sinh khoá đầu tiên của học viện Matsushita – trở thành Thủ tướng Nhật Bản, và không chỉ thế, một loạt các cựu viện sinh đồng môn của ông đồng thời bước chân vào Nội các cũng như chính trường Nhật Bản với nhiều cái tên nổi bật: Koichiro Genba, Seiji Maehara, Kazuhiro Haraguchi, Tetsuro Fukuyama, Ichiro Aisawa và Sanae Takaichi. Khi ấy, những triết lý của Konosuke Matsushita - cha đẻ của tập đoàn Panasonic lừng lẫy đồng thời là người sáng lập học viện nói trên - lại được nhắc đến, và nhiều người tự hỏi, phải chăng giấc mơ của Konosuke Matsushita đã thành sự thật?

    Nếu ông Konosuke còn sống, có lẽ ông sẽ chỉ mỉm cười. Học viện Matsushita khi đó đã không tổ chức bất kỳ hoạt động nào để mừng sự kiện cựu học viên của viện bước lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp chính trị!

    Vì sao vậy? Có lẽ 35 năm với một tuổi đời của một ngôi trường đã khá dài, nhưng với giấc mơ của tương lai thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, và nếu chỉ dựa trên sự thành bại của các cựu viện sinh trên chính trường để đánh giá vai trò của Học viện Matsushita thì sẽ là thiển cận. Với phát biểu “Học viện này muốn tạo ra những Musashi Miyamoto trong lĩnh vực chính trị”, không ít người nghĩ rằng mục tiêu của Học viện Matsushita chỉ là đào tạo các chính trị gia.

    Rõ ràng, Konosuke nhìn xa hơn thế. Thế giới sẽ luôn cần đến những nhà lãnh đạo có “hoài bão”, “trực tâm không tư lợi”, “khiêm nhường và bao dung” không chỉ trong chính trị, mà còn trong kinh doanh, giáo dục, và cả truyền thông hay nghệ thuật. Theo số liệu ngày 1/4/2015, trong số 260 cựu viện sinh của học viện, bên cạnh 116 người tham gia chính trường thì còn có 82 người làm kinh doanh, 48 người làm việc trong ngành nghiên cứu, giáo dục, truyền thông, 14 người là y sĩ, luật sư, làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận.

    Mỗi ngày, khi các viện sinh cùng nhau gặp gỡ và trò chuyện, câu chuyện của họ luôn xoay quanh một điều: làm thế nào để quốc gia phát triển, làm thế nào để cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi người trong số họ sẽ tìm kiếm con đường riêng để thực hiện mục tiêu chung đó. Trong một thế giới đầy biến động, nước Nhật, cũng như thế giới, luôn luôn cần những nhà lãnh đạo mới để gánh vác và thực thi các thay đổi.

    Mặc dù số viện sinh được tuyển vào mỗi năm có thể biến động, nhưng rõ ràng giấc mơ của người sáng lập chưa bao giờ nguội tắt ở Học viện Matsushita.

    Hoài bão Việt ở Học viện Matsushita

    Ngày 24/11/2015, Hội thảo “Kinh nghiệm đào tạo đội ngũ lãnh đạo của Matsushita Nhật Bản” do CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Ree Corporation, Học viện Matsushita và Japan Circle tổ chức đã diễn ra trọn một ngày tại TP.HCM. Tại đây, gần 150 doanh nhân Việt Nhật đã chăm chú lắng nghe ông  Kazuhiro Furuyama, Giám đốc đào tạo Học viện Matsushita giới thiệu về phương châm đào tạo của Học viện cũng như những triết lý về lãnh đạo của Konosuke Matsushita. Các triết lý giản dị nhưng vô cùng sâu sắc và mang tính cốt lõi như “khiêm nhường và biết ơn”, “tinh thần tự học tự đắc”, “nuôi dưỡng hoài bão” và “hành động trực tâm không tư lợi”. đã gợi lên nhiều suy tư và cảm hứng cho các doanh nhân có mặt.

    Ông Kazuhiro Furuyama

    Ông  Kazuhiro Furuyama, Giám đốc đào tạo Học viện Matsushita tại Hội thảo. Ảnh: Japan Circle.

    Cũng tại hội thảo, không ít người thực sự bất ngờ khi được ông Kazuhiro Furuyama tiết lộ về viện sinh Việt Nam duy nhất ở Học viện Matsushita. Đó chính là anh Trần Mai Thế Ân, người phiên dịch ở Hội thảo. Đặc biệt hơn, anh cũng chính là Viện sinh quốc tế đầu tiên trong suốt lịch sử 36 năm của học viện này. Kilala đã trao đổi với Trần Mai Thế Ân về hoài bão mà anh đang ấp ủ ở Matsushita.

    Điều kiện tuyển sinh của học viện rất đơn giản: 22 - 35 tuổi, không giới hạn quốc tịch. Nhưng để trở thành Viện sinh chính thức ở đây chắc chắn không dễ dàng?

    Theo kinh nghiệm của tôi cũng như các thầy và viện sinh trong trường, thì điều quan trọng nhất là phải thuyết phục được Hội đồng Tuyển sinh rằng bạn có một hoài bão cháy bỏng, và sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện nó, và rằng học viện sẽ đem đến cho bạn những điều kiện cần thiết để đạt đến mục tiêu. Thầy Konosuke cũng từng chia sẻ về quy chuẩn lựa chọn viện sinh của mình, đó  là "Vận" và "Sự thu hút". Những người có "vận", là những người tin rằng mình được trao một sứ mệnh, suy nghĩ về sứ mệnh đó và nỗ lực thực hiện nó. Bên cạnh đó, "sự thu hút" là điều mà một nhà lãnh đạo cần có để người khác tin theo và hỗ trợ mình. Nếu bạn tin rằng mình có may mắn, được người xung quanh yêu mến, thì hãy thử sức với Học viện Matsushita nhé!

    Hoài bão cháy bỏng của anh là gì?

    Tôi nghĩ giáo dục là lãnh vực rất quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia mà chính phủ và mọi người dân đều ý thức. Đặc biệt là giáo dục nhân tài, đào tạo nên những người trẻ nhiều ước mơ, đi đầu trong việc cống hiến cho đất nước. Từ khi được tiếp xúc với mô hình đào tạo của Học viện Matsushita, nhất là các bạn viện sinh ở đây, tôi đặc biệt mong muốn xây dựng một môi trường tương tự ở Việt Nam. Hiển nhiên, Việt Nam có những điều kiện lịch sử và xã hội riêng nên không thể áp dụng rập khuôn mọi thứ. Nhưng cốt lõi của Học viện Matsushita, theo tôi, chính là nơi để những bạn trẻ gặp gỡ, chia sẻ về hoài bão của mình và hỗ trợ nhau nuôi dưỡng để ước mơ ấy không lụi tắt. Còn về hình thức hay nội dung đào tạo là cả một kế hoạch dài.

    Hình như các viện sinh được hỗ trợ tài chính trong suốt 4 năm học ở đây?

    Thầy Konosuke từng nói: "Các bạn không cần lo lắng gì về cuộc sống, chỉ cần chuyên tâm theo đuổi hoài bão của mình". Mỗi tháng, viện sinh nhận được 210.000 yên (năm 1-2) - 260.000 yên (năm 3-4). Ngoài ra, chúng tôi được cấp kinh phí nghiên cứu là 1 triệu yên mỗi năm để thực hiện dự án.

    sinh Việt Nam tại Học viện Matsushita

    Trần Mai Thế Ân - Viện sinh Việt Nam duy nhất tại Học viện Matsushita. Ảnh: nhân vật cung cấp.

    Các viện sinh được học những gì trong 4 năm đây?

    Học viện có hai mảng chính là huấn luyện và nghiên cứu. Huấn luyện gồm lao động buổi sáng, thực tập nông - lâm - ngư nghiệp, sản xuất - bán hàng, hành quân 100km trong 24 giờ, giao lưu quốc tế, văn hoá truyền thống như trà đạo, kiếm đạo. Về nghiên cứu thì gồm lịch sử chính trị cận đại, các tư tưởng học thuyết, kinh tế tài chính, quốc phòng ngoại giao, an sinh xã hội, giáo dục, nhân sinh quan, triết lý kinh doanh. Trường không có giảng viên cơ hữu nhưng có đội ngũ thỉnh giảng gồm các giáo sư, chính trị gia, doanh nhân và nhà nghiên cứu danh tiếng, cũng như các viện sinh đã tốt nghiệp hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

    Các viện sinh được khuyến khích tự lập đề tài nghiên cứu, thực hiện kế hoạch và thực tập cho đề tài đó. Nước Nhật có một vị được tôn là Kiếm Thánh, ông Musashi Miyamoto. Ông không có thầy, mà tự rèn luyện bằng cách thách đấu với các kiếm sĩ khắp nước Nhật, qua đó nâng cao trình độ của mình. Tinh thần tự học, tự đắc đó của Miyamoto là phương châm đào tạo cốt lõi của Học viện, như thầy Konosuke chia sẻ, mỗi viện sinh hãy trở thành một Miyamoto trong lĩnh vực của mình.

    Trong những kinh nghiệm mà anh gặt hái được ở học viện, điều gì anh cảm thấy có giá trị nhất với cuộc đời mình?

    Điều tôi trân trọng nhất có lẽ là việc Học viện giúp tôi nhận ra mình có một hoài bão và tôi muốn thực hiện nó. Mỗi người có  suy nghĩ riêng cho cuộc sống của mình, cá nhân tôi, việc mang lấy một hoài bão cho cuộc đời mình là điều rất đáng trân quý.

    Cám ơn anh, chúc anh sớm thực hiện được hoài bão của mình.

    Thư Hiên/kilala.vn

    01/02/2016

    Bài: Thư Hiên/ Ảnh: Japan Circle, Trần Mai Thế Ân

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!