Làm thêm khi du học Nhật: Có sướng như lời đồn?

    Chỉ cần tra cứu với từ khóa “làm thêm Nhật Bản”, bạn sẽ nhận được những dòng chào mời đầy hấp dẫn như “Vừa học vừa làm với mức lương 300.000 yên (khoảng 60 triệu đồng)/tháng”. Tuy nhiên, liệu thực tế có phải như vậy?

    Từ những lời mời gọi làm thêm hấp dẫn

    làm thêm khi du học Nhật

    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Nếu như trước đây bạn hầu như chỉ bắt gặp người nước ngoài làm thêm tại những đô thị lớn như Osaka và Tokyo thì hiện nay, ngay cả những địa phương hẻo lánh cũng dần xuất hiện “đội ngũ” lao động đến từ nước ngoài. Theo Hiệp hội hỗ trợ học sinh sinh viên Nhật Bản (JASSO), tính đến tháng 5/2015, số lượng du học sinh (DHS) đang học tập tại Nhật Bản khoảng 208.379 người, tăng 13,2% so với cùng kì năm 2014. Trong đó, số lượng sinh viên mang quốc tịch Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc với 38.882 người, tăng đến 47,1% so với năm trước. Lí do nào khiến cho Nhật Bản trở thành mảnh đất du học đầy mời gọi như vậy?

    Có khá nhiều DHS Nhật Bản tương lai tiết lộ rằng, bên cạnh khoản học phí thấp hơn so với các nước Âu Mỹ và nền văn hóa mang tính Á châu gần gũi với người Việt thì việc pháp luật Nhật Bản cho phép du học sinh làm thêm cộng với khoản thu nhập được hứa hẹn là “béo bở” từ những công việc này chính là lí do quan trọng khiến các bạn quyết định chọn Nhật Bản làm điểm đến du học.

    Thực tế không như mong đợi

    Thực tế 1: Làm thêm quá thời gian sẽ vi phạm tư cách lưu trú dẫn đến bị trục xuất

    Từ tháng 10/2015, chính phủ Nhật Bản đã cho ban hành thẻ My Number như một hình thức quản lý công dân Nhật Bản và tất cả người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản. Với thể chế mới này, DHS chỉ được phép làm thêm tối đa 28 tiếng/tuần. Dù cho với mức lương khoảng 900 yên/giờ thì trung bình DHS cũng chỉ kiếm được 144.000 yên/tháng (khoảng 28 triệu đồng), có thể nói là đòn “chí mạng” đối với một số bạn quyết định du học Nhật chỉ vì đồng lương làm thêm béo bở. Quan trọng hơn, nếu vi phạm điều luật này, DHS sẽ bị trục xuất về nước.

    làm thêm quá thời gian sẽ vi phạm tư cách lưu trú

    Thẻ My Number (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Thực tế 2: Tiền làm thêm không đủ chi trả cho cuộc sống đắt đỏ tại Nhật

    Mức sinh hoạt phí trung bình (bao gồm tiền thuê nhà) của DHS tại Tokyo vào khoảng trên dưới 100.000 yên/tháng (khoảng 20 triệu đồng), chưa kể tiền học phí cho 1 học kỳ ở đại học thông thường cũng đã khoảng 500.000 yên (khoảng 100 triệu đồng). So với mức thu nhập từ làm thêm chỉ khoảng 28 triệu đồng/tháng thì rõ ràng DHS không thể trang trải mọi chi phí từ sinh hoạt cho đến học tập.

    làm thêm không đủ chi trả cho cuộc sống đắt đỏ tại Nhật

    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Thực tế 3: Không phải ai cũng có thể kiếm việc làm thêm

    Đa số DHS Việt Nam khi sang Nhật chỉ vừa có trình độ tiếng Nhật sơ cấp nên sẽ gặp không ít khó khăn khi phỏng vấn xin việc (mà đa phần là phỏng vấn qua điện thoại). Một số việc làm thêm lương cao như phục vụ trong quán ăn hay nhân viên thu ngân trong cửa hàng tiện lợi còn đòi hỏi bạn phải có khả năng nghe nói tốt, đồng thời phải hiểu phép tắc và cung cách ứng xử cơ bản của người bản xứ. Trong khi đó, những công việc không cần khả năng tiếng Nhật tốt thường là loại việc lao động chân tay vất vả, lương thấp, thời gian làm việc bất hợp lý như công nhân trong xưởng làm cơm hộp, lau dọn khách sạn,.

    không phải ai cũng có thể kiếm việc làm thêm

    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Do không phải trường tiếng Nhật nào cũng có thể giới thiệu việc làm thêm nên có nhiều DHS tự tìm việc qua những trung tâm môi giới việc làm hoặc tờ rơi. Trên thực tế, việc chưa kịp thích nghi với môi trường sống mới cộng thêm áp lực từ học hành và kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống đã khiến không ít DHS phải nản lòng.

    Vượt qua thử thách làm thêm khi du học Nhật Bản

    ▪ Đi du học với tinh thần “Học là chính, làm thêm chỉ là phụ”.

    ▪ Đừng vội nản nếu không tìm được việc. Hãy hỏi người quen hoặc giáo viên ở trường cách trả lời phỏng vấn khi xin việc hoặc kiểm tra giúp thông tin tìm việc để tránh bị các công ty môi giới lừa đảo.

    ▪ Chuẩn bị sức khoẻ tốt.

    ▪ Tự tạo cho mình động lực và cả áp lực trong việc học tập để nếu đi làm mệt cũng giữ vững quyết tâm học hành.

    ▪ Tìm những công việc hữu ích với việc học như công việc thường xuyên tiếp xúc với người Nhật hoặc công việc liên quan đến ngành nghề mình sẽ học.

    ▪ Ban đầu khi tiếng Nhật chưa khá có thể tạm thời làm những công việc chân tay và sau đó chuyển sang các công việc khó hơn như làm ở cửa hàng tiện lợi để trau dồi thêm tiếng Nhật.

    Lời khuyên từ một số Du học sinh

    lời khuyên từ một số Du học sinh

    Bạn Huệ Đình - cựu DHS tỉnh Gunma chia sẻ: “Thông thường, khi chuyển từ trường tiếng lên trường chuyên môn hoặc cao học, sẽ có nhiều bạn thay đổi chỗ ở nên phải nghỉ việc ở chỗ làm thêm cũ. Do đó, đối với những bạn chuẩn bị sang Nhật thì nên hỏi han trước bạn bè hoặc tiền bối đang học ở Nhật xem có thể giới thiệu việc làm thêm cho mình được không. Do mình mới sang nên tiếng Nhật chưa giỏi, công việc cũng chưa thành thạo nên nếu có người quen làm cùng sẽ dễ học hỏi hơn hơn. Tuy nhiên nếu mình làm không được việc hoặc nghỉ việc giữa chừng cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín người giới thiệu.”

    lời khuyên từ một số Du học sinh

    Theo bạn Vân Đỗ - DHS tỉnh Osaka, việc kiếm việc làm thêm ở Nhật không khó. "Dù bạn ở trình độ tiếng Nhật nào thì cũng có việc phù hợp. Bạn có thể tìm kiếm việc làm tại rất nhiều trang web và tạp chí hỗ trợ việc làm thêm như Town work, An, Domo. Nếu vẫn thấy khó khăn trong việc kiếm việc làm thêm thì có thể nhờ phía nhà trường hỗ trợ. Hiện tại mình đang làm nhân viên bếp tại một quán ăn của Nhật. Ban đầu mình gặp rất nhiều khó khăn như giao tiếp kém, phải học tất cả từ vựng trong bếp, học cách chế biến các món ăn, phải tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt. nhưng khi vượt qua được rồi bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích đấy!”

    Lê Mai/ kilala.vn

    05/07/2017

    Bài: Lê Mai/ Ảnh minh học: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!