Gửi một thế hệ sinh viên khoa tiếng Nhật sắp tốt nghiệp
Tiếng Nhật N1 có hẳn là . siêu nhân?
Tốt nghiệp Đại học hệ Cử nhân Tài năng ngành Nhật Bản học với tấm bằng loại Giỏi, bằng tiếng Nhật N1 cao cấp, thế nhưng khi ra trường, tôi cũng gặp không ít những khó khăn. Đầu tiên, những khác biệt về văn hóa và suy nghĩ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất lớn. Môi trường làm việc tại công ty Nhật khá nghiêm trang, kỷ luật, tự giác, trách nhiệm, mình là người Việt Nam, kỹ tới đâu thì cũng vẫn… xuề xòa, qua quít, thiếu chuyên nghiệp… ! (cười)
Về ngoại ngữ, thời điểm đó tuy đã có bằng tiếng Nhật N1 nhưng có khi sếp hỏi một câu đơn giản, mà tôi nghe mãi vẫn không ra (cười). Lúc đó, mỗi lần bị sếp la tôi rất sợ, tưởng sắp bị đuổi việc đến nơi rồi. Trong khi ở Nhật Bản, việc đi làm gặp sai sót, bị sếp la là chuyện rất đỗi bình thường.
Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đi làm chỉ vì tiền.
Người Nhật thường nói “Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia giống nhau nhất thế giới”. Nhưng theo tôi, phải nói "Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia khác nhất thế giới" mới chính xác! Vì vậy việc nỗ lực lắng nghe và thấu hiểu giữa hai bên là rất quan trọng. Trong một doanh nghiệp, tinh thần tập thể và tác phong chuyên nghiệp luôn được đề cao. Phải học cách dung hòa giữa lợi ích của tập thể và cá nhân. Đừng bao giờ cho rằng bạn đi làm chỉ vì tiền, hay công ty thuê bạn chỉ vì lợi nhuận. Công ty là nơi bạn sẽ trưởng thành, học hỏi, va vấp và có thêm nhiều trải nghiệm quý giá.
Ngoài ra, sự thẳng thắn và chân thành cũng rất quan trọng. Bởi người Nhật rất quan tâm đến suy nghĩ của đối phương. Nếu bạn thẳng thắn chia sẻ quan điểm với họ, họ sẽ dễ dàng sắp xếp và hỗ trợ bạn. Ví dụ: Nếu bạn không thể làm thêm giờ vì việc gia đình, nên nói thẳng để sếp có thể thông cảm và hỗ trợ bạn tốt hơn.
Người Nhật thích những người có tài và có tâm
Người Nhật ngoài mặt thì lạnh lùng nhưng trong lòng ấm cúng. Họ thích người có tài và có tâm. Họ cũng thích người có tinh thần nỗ lực sửa sai để vươn lên trong công việc. Nhà văn Paustopki từng viết: Người có bàn tay lạnh thì tâm hồn ấm áp. Người Nhật không giỏi bộc lộ cảm xúc. Họ thích lý luận và làm việc dựa trên những nguyên tắc và phương châm hành động chặt chẽ. Đó là lý do cứ bước vào công ty Nhật là bạn nghe thấy cụm từ Philosophy (phương châm công ty). Nhiều nơi còn bắt nhân viên học thuộc lòng, cứ sáng ra là phải đọc thật to để sếp chấm điểm.
Tuy vậy, quốc gia nào trên thế giới cũng giống nhau: nếu bạn có tài và có tâm, thì dù bạn không nói nhiều, trước sau gì mọi người cũng sẽ nhận ra và “cưng bạn hơn trứng mỏng”. Tâm hồn con người mới là tài sản quý giá nhất. Hãy cứ sống thật và không ngừng trau dồi năng lực. Kiến thức còn, bạn còn việc. Kiến thức mất, bạn mất việc. Đồng thời, thành ý là điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ. Người Nhật rất tốt, ngay cả khi bạn không nhận ra hoặc họ không đủ khả năng để chứng tỏ với bạn thiện chí của họ về điều đó.
"Tiếng Nhật luôn là một kĩ năng cốt lõi để tồn tại"
Với những bạn còn đang băn khoăn giữa việc chọn học Tiếng Nhật hay kỹ năng mềm, tôi nghĩ nên cân nhắc dựa trên tính chất công việc mà bạn mong muốn là gì. Dựa theo đó bạn sẽ xác định được kĩ năng nào cần thiết hơn thì ưu tiên tập trưng trước hơn. Tuy nhiên nếu muốn giữ vị trí cao trong công ty, hãy chú trọng khả năng ngoại ngữ. Một hiểu lầm nhỏ cũng có thể làm tổn hại một mối quan hệ lâu dài. Có thể nói, tiếng Nhật luôn luôn là một kỹ năng cốt lõi để tồn tại.
Trong việc học, không bao giờ có đích đến cuối cùng. Muốn làm tốt tất cả mọi thứ, bạn phải học cách chia thời gian thành nhiều khẩu phần nhỏ trong một ngày, một tháng, một năm. Sau đó, với mỗi khẩu phần, bạn phải thiết lập các KPI cụ thể cho chúng. Quan trọng là phải hành động, chứ không phải ngồi một chỗ mà xây dựng hết kế hoạch này đến kế hoạch kia. Bật mí, cũng chính nhờ kỹ năng chia nhỏ thời gian này, tôi có thể làm tốt vai trò trong tư cách người mẹ, chủ công ty, cộng đồng, vai trò nào cũng… sát sao, không hề chểnh mảng!
Ngoài ra, nếu cảm thấy mình thiếu kỹ năng nào, hãy học thử. Phương châm của tôi là “Phải làm thử mới biết, chưa làm thì chưa biết, ngồi nghĩ cứ tưởng là mình biết và thế là đợi hoài không thấy… biết”.
kilala.vn
29/03/2019
Bài: Vũ Hồng Thu
Đăng nhập tài khoản để bình luận