Du học sinh và 5 giai đoạn sốc văn hoá
Để chuẩn bị sống và học tập tốt trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt, du học sinh cần chuẩn bị mọi mặt càng sớm càng tốt, từ sức khỏe thân thể, sức khỏe tinh thần, khả năng ngoại giữ, giao tiếp, khả năng kinh tế, khả năng tự lập thậm chí phải tìm hiểu và giả định các tình huống thường xảy ra đối với đời sống du học sinh để có sự tập luyện ứng phó cần thiết.
Tuy nhiên, rất nhiều các du học sinh Việt Nam, trước khi bước chân đi du học, hầu như chưa bao giờ sống xa gia đình hoặc tự lập hoàn toàn về mặt tài chính cũng như tự mình định hướng cho tương lai của bản thân. Chính vì vậy, ngay khi rời xa gia đình, và lần này là rời xa tổ quốc, môi trường mà các bạn vốn dĩ quen thuộc để đến một nơi hoàn toàn khác lạ, từ văn hóa, tập quán sinh hoạt, cách suy nghĩ, hành động, việc cố gắng thích ứng vô hình chung sẽ gây ra áp lực về mặt tinh thần cho các du học sinh. Tùy vào sức khỏe tinh thần, tùy vào sự chuẩn bị từ trước, tùy vào khả năng thích ứng của mỗi người mà mức độ ảnh hưởng, cũng như thời gian kéo dài của nó sẽ khác nhau. Những thay đổi về mặt tâm lý gây ra bởi sự khác biệt văn hóa như vậy, gọi chung là “Culture shock”- sốc văn hóa.
Sốc văn hóa xảy ra đối với tất cả du học sinh, về cơ bản có 5 giai đoạn, nhưng tùy mỗi người mà mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài là khác nhau.
1. Thời kì “trăng mật” (từ 1 tuần đến 3 tháng đầu tiên)
Mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm, từ thức ăn đến mọi đồ vật xung quanh, nên được ví von chẳng khác nào cảm giác phấn khởi của thời kì trăng mật!
2. Thời kì bị sốc (từ 3, 4 tháng đến nửa năm)
Những việc vui vẻ hay mới lạ đã phần nào trải nghiệm qua một lượt, dần dà phát hiện những điểm khác biệt trong tập quán sinh hoạt, những khó khăn đầu tiên trong cuộc sống thường ngày, những điều không như ý muốn hoặc khác tưởng tượng ban đầu, cảm nhận bức tường ngôn ngữ gây ra những trở ngại nhất định đối với bản thân. Thấy nhớ gia đình và bạn bè, bắt đầu hình thành có ý định quay về.
Đây là giai đoạn quan trọng, bởi nếu có sự nỗ lực tại thời điểm này, du học sinh có thể tiến triển sang giai đoạn tiếp theo để bắt đầu thích ứng với sự khác biệt về văn hóa, hòa nhập tốt với cuộc sống mới. Nếu không, sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, thất vọng, mất sự tự tin của bản thân, mức độ nặng dần sẽ gây ra trầm cảm nặng, bỏ học, hoặc quay về nước giữa chừng hoặc ở lại Nhật mà đánh mất đi mục tiêu ban đầu là du học của mình, kết giao với các phần tử xấu, trở thành lưu trú bất hợp pháp vì việc bỏ học sẽ làm các du học sinh mất tư cách tiếp tục duy trì visa du học của mình.
3. Thời kì nỗ lực để thích ứng (từ nửa năm đến một năm)
Giai đoạn cố gắng, nỗ lực để thích nghi. Dần dần quen với tập quán sinh hoạt mới, khả năng ngôn ngữ cũng tốt lên, giao tiếp với người bản địa tốt hơn, tâm lý bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, dần hình thành được sinh nghĩ “Việc đó tưởng khó, nhưng cố gắng một chút, hóa ra không đến nỗi nào nhỉ. Mình sẽ làm được”.
4. Thời kì hòa nhập (trên một năm)
Đã quen với môi trường văn hóa mới, thậm chí có thể nhìn nhận được một cách khách quan sự khác nhau hay những mặt tốt, mặt chưa tốt giữa cuộc sống ở Việt Nam và Nhật Bản.
5. Thời kì sốc ngược
Là thời kì quay trở lại môi trường văn hóa cũ.
Khi trở về nước, nhận thấy sự khác nhau giữa cảm nhận, suy nghĩ, giá trị quan của bản thân và của gia đình, bạn bè hoặc những thay đổi của bản thân không được gia đình, bạn bè hiểu, đón nhận, tạo cho du học sinh cảm giác cô độc, lạc lõng trên chính đất nước của mình.
Bạn nghĩ mình đang ở giai đoạn mấy?
07/09/2015
MINH NHẬT
Đăng nhập tài khoản để bình luận