Du học cao học tại Nhật, nên hay không?

    Ấn tượng chung về chương trình cao học là thay vì giúp người học tích lũy kinh nghiệm, trau dồi các kĩ năng nghề nghiệp, chúng yêu cầu sinh viên phải rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu để tích lũy kiến thức và hoàn thành các dự án, luận văn. Ngay cả ở Nhật cũng có rất ít người học lên sau đại học. Nếu vậy việc học lên cao học tại Nhật liệu có tương lai hay không? Bài viết sau đây sẽ phác thảo cho những ai đã và đang ấp ủ dự định nói trên những hình dung sơ nét về con đường học lên cao học.

    Khi nào nên du học cao học Nhật Bản?

    - Đam mê học và nghiên cứu chuyên sâu: Ưu thế lớn của người học sau đại học là họ được nâng cao về mặt tư duy so với cử nhân, kĩ sư. Bên cạnh những chương trình thuần về nghiên cứu, ở Nhật còn có các chương trình giúp nâng cao nghề nghiệp chuyên môn (専門職大学院), trang bị cho người học cả những kiến thức lẫn kĩ năng chuyên môn cao để có thể dẫn dắt đoàn thể, doanh nghiệp.

    - Có điều kiện về tài chính: Chỉ riêng mức học phí chi trả cho các tiết học ở các trường quốc lập, công lập Nhật Bản đã xấp xỉ 540.000 yên/năm (khoảng 108 triệu VND). Khác với khi du học đại học ở Nhật, bạn sẽ ít có thời gian ra ngoài làm thêm để trang trải cuộc sống, vì chương trình học sau đại học khá nặng và yêu cầu của giáo sư cũng khắt khe hơn. Do đó nếu như nguồn lực tài chính không thật sự đảm bảo, giấc mơ cao học của bạn sẽ dễ “đứt gánh giữa đường”. 

    - Đạt trình độ ngoại ngữ nhất định: Trước khi vào học cao học Nhật, bạn sẽ được yêu cầu phải có trình độ tiếng Nhật từ N4 trở lên, tùy từng ngành học cụ thể. Nếu chưa đạt đủ trình độ bắt buộc, bạn có thể đến Nhật học dự bị cao học để trau dồi tiếng Nhật của mình. Ngoài ra hiện nay cũng có nhiều trường quốc công lập nhận sinh viên cao học tiếng Anh.

    Chế độ học bổng dành cho du học sinh nước ngoài tại Nhật rất phong phú, do đó trong khi học bạn vẫn có cơ hội được nhận các học bổng miễn giảm học phí hoặc hỗ trợ sinh hoạt phí từ nhà trường, địa phương hoặc các doanh nghiệp, đoàn thể. Ngoài ra nếu đỗ kì thi học bổng của MEXT tại Việt Nam, bạn sẽ được miễn 100% học phí và hưởng mức trợ cấp sinh hoạt dư dả.

    Cao học Nhật nên học ngành gì?

    Nhật Bản là nước có nền giáo dục tiên tiến và đa dạng các ngành học. Tại đây bạn có thể theo đuổi những ngành học khá mới lạ và thú vị, chẳng hạn như ngành nghiên cứu môi trường phát triển con người, ngành quản lí cảnh quan môi trường xanh,…

    Bạn có thể tra cứu trường và ngành học tại: http://www.jasso.go.jp/index.html (EN/JP) (Ảnh: PIXTA)

    Tuy nhiên nếu muốn đảm bảo tương lai sau khi ra trường, bạn có thể theo học những ngành kĩ thuật như cơ khí, điện – điện tử, v.v. Đây đều là các ngành thế mạnh hàng đầu của Nhật và có xu hướng cần nhiều lao động tại Nhật Bản, Việt Nam. Ngay cả những tập đoàn của Hàn Quốc, Mỹ đang đổ xô đầu tư vào Việt Nam cũng cần nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn cao trong các lĩnh vực này.

    Bên cạnh đó, chương trình cao học nâng cao nghề nghiệp chuyên môn cũng là môi trường học đầy tiềm năng. Tiêu biểu có thể kể đến các ngành thuộc lĩnh vực thương mại – quản trị công nghệ (MOT), kế toán, thông tin, chính sách công cộng,… Ngoài ra các doanh nghiệp Nhật cũng yêu cầu hoặc khuyến khích nhân viên của mình theo học chương trình MBA.

    Bạn Phan Công Đức (Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Phát triển giao thông và quy hoạch đô thị ĐH Hiroshima, hiện đang làm việc tại Viện chiến lược và phát triển GTVT - Bộ  GTVT) cho biết: “Không thể phủ nhận Nhật Bản là một đất nước có nền giáo dục phát triển, nhiều giáo sư và các công trình nghiên cứu đầu ngành của thế giới. Chương trình giảng dạy tại đây rất khoa học với nhiều lớp học, seminar, buổi học ngoại khóa, thực tập; cơ sở vật chất hiện đại và có nhiều dịch vụ hỗ trợ tốt cho sinh viên như chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, các lớp học, câu lạc bộ miễn phí… Trong khi đó học phí cao học Nhật có phần rẻ hơn so với nhiều nước phương Tây, việc đi lại giữa hai nước cũng thuận tiện do không cách quá xa. Bằng cấp của Nhật cũng được chấp nhận và đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới. Hiện thị trường Nhật đang thiếu lao động do quá trình già hóa và giảm dân số, do đó có khá nhiều cơ hội cho các du học sinh cao học ở lại Nhật làm việc, đặc biệt là những bạn thành thạo tiếng Nhật.”

    Bạn Phan Công Đức (Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Phát triển giao thông và quy hoạch đô thị ĐH Hiroshima, hiện đang làm việc tại Viện chiến lược và phát triển GTVT - Bộ  GTVT) (Ảnh: NVCC)

    Những khó khăn khi du học cao học tại Nhật 

    Sau đây là một số khó khăn mà bạn có thể sẽ phải đối mặt khi du học cao học tại Nhật:

    - Bất đồng ngôn ngữ: Người Nhật không giỏi tiếng Anh, phát âm rất khó nghe, nên những ai theo học bằng chương trình Anh ngữ sẽ phải mất một thời gian để nghe hiểu trôi chảy. Không biết tiếng Nhật còn khiến bạn gặp khó khăn trong các trường hợp như đi chợ, hỏi đường, khai giấy tờ, hay khi tìm hiểu về các dịch vụ, văn hóa, tra cứu tài liệu học tập dạng tiếng Nhật, kết bạn và trao đổi với sinh viên bản xứ trong các Lab nghiên cứu.

    - Khác biệt kiến thức: Hệ thống giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản khác nhau nên sẽ khó tránh khỏi việc hổng kiến thức ở một số môn học nhất định. Khi đó sinh viên sẽ phải mất nhiều thời gian để tự tìm tài liệu, tự học để theo kịp chương trình. 

    Để có thể học tốt, sinh viên sẽ phải mất nhiều thời gian để tự tìm tài liệu, tự học để theo kịp chương trình. (Ảnh: PIXTA)

    - Áp lực từ giáo sư: Tính cách phổ biến của các giáo sư Nhật là thường đưa ra mệnh lệnh, và nếu giáo sư hướng dẫn là người nghiêm khắc và yêu cầu cao thì việc học chắc chắn sẽ rất áp lực. Đã có trường hợp sinh viên vì gây phật lòng giáo sư hướng dẫn nên mãi mà không tốt nghiệp được, bỏ học, và thậm chí tự tử.

    - Cuộc sống buồn tẻ: Người Nhật thân thiện nhưng lại khó kết thân, do đó rất khó để gia nhập vào cộng đồng của họ. Nhiều trường đại học quốc công lập được xây ở ngoại ô nên ít địa điểm để giải trí, du lịch.

    Inako/ kilala.vn

    14/08/2017

    Bài: Inako/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!