Bí quyết ôn thi N3 trong 1 tháng

    Chỉ còn không đến một tháng nữa là đến kỳ thi năng lực Nhật Ngữ. Hẳn nhiều bạn vẫn đang miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi lần này, nhiều bạn cũng muốn luyện thi nhưng vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Có bạn tìm trung tâm để luyện thi, có bạn không có điều kiện thì lại muốn tự luyện. Câu hỏi đặt ra ở đây là tự ôn thi N3 trong vòng 1 tháng có khó không? Với kinh nghiệm của mình thì không, vấn đề ở chỗ là phải biết cách. Hy vọng với một vài đúc kết kinh nghiệm của mình có thể giúp ích cho quá trình tự ôn thi N3 trong 1 tháng của bạn.

    bí quyết luyện thi N3

    Mình tự ôn thi N3 trong 1 tháng khi vừa học xong 50 bài của giáo trình Minna No Nihongo Sơ cấp. Tính đến kỳ thi N3 gần nhất là khoảng 6 tháng. Mặc dù mình đã khá hoang mang ở thời điểm gần kỳ thi, nhưng mình đã may mắn đậu kỳ thi này với số điểm khá khả quan. Để tự luyện thi năng lực Nhật Ngữ, điều quan trọng nhất chính là sự kiên trì và quyết tâm của bạn. Nếu bạn không đủ kiên trì, bạn sẽ khó mà tự học một mình và dễ bỏ cuộc nửa chừng. 

    Làm gì khi chỉ còn có 1 tháng nữa là đến kỳ thi JLPT?

    Chỉ còn 1 tháng nữa là đến kỳ thi rồi, bạn đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi mà vẫn không biết phải làm sao? Lời khuyên của mình chính là đừng hoảng loạn. Phải hết sức bình tĩnh và tận dụng tối đa thời gian của mình để ôn luyện, còn nước còn tát mà.
    Đối với 3 mảng Từ vựng, Ngữ Pháp, Hán tự, bạn có thể dùng cuốn 500 Câu Hỏi Luyện Thi Năng Lực Nhật Ngữ Trình Độ N3 của Nhà xuất bản Trẻ để ôn tập. Do cấu trúc sách này đưa từng câu hỏi và có giải thích từng phần nên bạn có thể ôn nhanh mà không phải tra đi tra lại các kiến thức mà mình vô tình lãng quên.
    Đối với Đọc hiểu và Nghe hiểu, không cách nào khác là buộc phải luyện tập nhiều. Hàng ngày bạn nên dành từ 2 – 3 tiếng để luyện tập phần này. Đọc thêm 2 tài liệu Shin Kanzen N3 Choukai và Dokkai sẽ hỗ trợ bạn tiếp thu nhanh các kỹ năng kèm các tuyệt chiêu làm bài mà 2 tài liệu này mang lại.

    Tăng tốc với việc luyện đề 

    Để luyện kỹ năng làm bài thi, bạn không chỉ làm bài theo cách thông thường. Bạn nên chọn một nơi yên tĩnh, bấm giờ và bắt đầu làm bài thi như trong một kỳ thi thực sự để đánh giá thành tích hiện tại của bạn. Tuyệt đối không dừng giữa chừng để kiểm tra xem mình điền đúng chưa hay điểm ngữ pháp này lạ quá phải ghi lại… Việc đó bạn hoàn toàn có thể làm khi hoàn thành bài thi. 
    Đừng nản nếu như kết quả không được như ý, hãy đánh giá xem bạn đã bị thấp điểm phần nào để có biện pháp cải thiện cho kỹ năng mình còn thiếu. Ghi chú lại những điểm mà bạn đã làm sai vào một cuốn sổ để rút kinh nghiệm tại sao lại sai, nên điền đáp án nào cho đúng. Mỗi tuần bạn nên làm ít nhất 1 đề để đánh giá cũng như làm quen với cấu trúc đề thi (hạn chế đánh dấu vào sách hoặc đề vì bạn có thể làm lại sau này đấy). Sau 1 tháng có thể làm lại đề thi đó để xem bạn đã nhớ những lỗi sai đó chưa, có tiến bộ hay không. Tin mình đi, với cách làm này, bạn sẽ thấy điểm thi tăng lên dần đều đấy.
    Bạn có thể tìm đề thi thử trong các sách Bộ đề thi thử kì thi năng lực tiếng Nhật của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Goukaku Dekiru N3… các sách này có cấu trúc tương đối giống đề thi thật sẽ giúp bạn đánh giá chính xác trình độ của mình ở đâu để kịp thời bổ sung cho kỹ năng mình đang thiếu. Ngoài ra bạn có thể tải đề mẫu ngay trên trang chính thức của JLPT để làm thử (theo mình thì đề này có tác dụng tham khảo bởi số lượng câu ít hơn nhiều so với thi thật).
    Bên cạnh đó, đừng quên giữ gìn sức khỏe, luôn giữ cho cơ thể luôn thoải mái và trong trạng thái minh mẫn sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức tốt hơn.

    Nếu có thời gian dài hơn để ôn thi N3

    Lựa chọn giáo trình ôn thi N3 

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giáo trình để luyện thi N3 nên bạn có thể tha hồ lựa chọn giáo trình phù hợp với mình và kỹ năng cần luyện.

    Đối với Ngữ pháp, mình chọn giáo trình Soumatome Ngữ Pháp N3 với cấu trúc phân theo từng ngày và học trong khoảng 6 tuần. Với các điểm ngữ pháp thường hay được sử dụng trong đề ôn thi N3, giáo trình này giúp mình khái quát được các điểm ngữ pháp để trang bị cho kỳ thi N3 trong 1 tháng tới. Ngoài ra, do giáo trình tóm tắt khá gọn về điểm ngữ pháp nên mình phải dùng thêm cuốn Từ điển Mẫu câu tiếng Nhật mới có thể hiểu tường tận cách sử dụng chúng.
    Với mảng Từ vựng, mình sử dụng Mimi Kara Oboeru N3 Goi. Giáo trình này hỗ trợ học từ bằng cách nghe để nhớ, bên cạnh việc đọc từ bằng mắt, viết bằng tay, do đó việc học từ trở nên dễ dàng hơn và khá thú vị khi học. Nếu còn dư thời gian bạn có thể học thêm Soumatome Từ vựng N3 để nạp thêm vốn từ mới cho mình.

    Tham khảo cách học tiếng Nhật bằng Flashcard của mình

    Phần Kanji trong N3 yêu cầu bạn phải biết khoảng 650 chữ mới có thể thuận lợi đạt điểm cao. May mắn là bộ Basic Kanji Book sơ cấp 1 và 2 có thể cung cấp cho bạn đến 500 chữ, chỉ cần học thêm trong Soumatome Kanji N3 là bạn đã có thể vượt qua phần này. Bản chất một số chữ trong Soumatome Kanji N3 đã bao gồm nhiều chữ trong Basic Kanji Book nên khi học, bạn có thể học rất nhanh và lâu quên.

    Về phần nghe, mình khuyến khích nên nghe giáo trình Mainichi no Kikitori 50 Nichi cả sơ cấp và trung cấp để quen với giọng đọc của người Nhật cũng như nhanh chóng phát triển kỹ năng nghe hiểu. Ngoài ra, bạn có thể nghe thêm Shin Kanzen N3 ChoukaiSoumatome N3 Choukai. Bên cạnh đó, NHK Easy News cũng có hỗ trợ thêm phần đọc văn bản cho các bạn nghe khi đọc tin tức. Kênh Youtube Learn Japanese with JapanesePod101.com, Nihongonomori cũng là những kênh hay giúp bạn học nghe thêm phần thú vị.

    Để phát triển kỹ năng đọc hiểu, bạn có thể đọc trên NHK Easy News hằng ngày, trang này sẽ giúp tăng vốn từ vựng và kỹ năng đọc hiểu rất nhanh. Đối với việc làm quen với cách ra đề đọc hiểu trong bài thi, bạn có thể làm bài trong Shokyuu Dokkai Mondai  và N3 Dokkai Mondai 55+ để nâng cao kỹ năng của mình. 

    Xác định ngày thi và lên một lịch trình rõ ràng để luyện thi

    Quá trình tự học đòi hỏi bạn cần phải có một lịch trình cụ thể và rõ ràng với các giáo trình cần thiết để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm bài thi. Vì là tự học, dĩ nhiên sẽ chẳng ai theo dõi, kiểm tra bài vở, thúc ép bạn, do đó bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình này để bảo đảm hành trình luyện thi sẽ không bị đứt dây gãy gánh giữa đường.

    Ví dụ, kỳ thi Năng lực Nhật Ngữ diễn ra vào đầu tháng 12, bạn bắt đầu luyện thi vào đầu tháng 6, tức là bạn có 6 tháng để chuẩn bị. Hãy chia 6 tháng này thành 2 giai đoạn.

    Giai đoạn 1 mình hay gọi là xây dựng nền tảng. Giai đoạn này mình sẽ tập trung học các giáo trình dạy về ngữ pháp, từ vựng, chữ Hán cho N3, bên cạnh đó mình cũng thường xuyên nghe các giáo trình luyện nghe mỗi ngày để hình thành kỹ năng nghe đồng thời đọc tin tức trên mạng để tăng kỹ năng đọc. (Với mình thì giai đoạn này chiếm khoảng 3 – 4 tháng)

    Giai đoạn 2 là giai đoạn luyện kỹ năng làm bài thi. Ở giai đoạn này, mình chỉ tập trung luyện các đề mẫu N3 để quen với cách làm bài, phân phối thời gian sao cho phù hợp. Mình dành ra khoảng 2 tháng cho giai đoạn này.

    Trong lịch trình nên đề ra rõ ràng mỗi ngày học giáo trình nào, chẳng hạn ngày 1 học bài 1 của Giáo trình A, 20 từ của Giáo trình B…, ngày 2 thì bài 2 chẳng hạn. Thời gian dành cho mỗi bài là từ 30 phút đến 1 tiếng. Do mình vừa học vừa làm nên mỗi ngày mình chỉ có thể dành ra khoảng 2 – 3 tiếng để luyện thi. Nên đa dạng giáo trình để tránh chỉ luyện duy nhất 1 kỹ năng mà bỏ quên các kỹ năng còn lại.

    Những To-do List và phần thưởng

    Sau khi mình lên lịch trình, mỗi sáng khi thức dậy mình thường ghi ra những công việc cần thực hiện trong ngày và cố gắng thực hiện. 

    Ví dụ: Hôm nay mình học ngữ pháp ngày 1 tuần 1, 20 từ đầu của Mimi Kara Oboeru, đọc 2 bài tin trên NHK Easy News… Việc lên 1 danh sách việc cần làm sẽ giúp bạn không lãng quên việc ôn bài trong ngày cũng như bảo đảm cho hành trình luyện thi luôn được đi đúng thời gian đặt ra.
    Và dĩ nhiên bạn cũng đừng quên động viên bản thân sau khi hoàn thành các danh sách công việc này bằng một phần thưởng yêu thích nào đó, chẳng hạn như một cây kem, một ly cà phê, trà sữa… điều này sẽ giúp bạn dễ dàng lên tinh thần và hứng khởi ôn luyện.

    Tìm kiếm đồng minh

    Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn trong việc tự mình luyện thi, bạn có thể tìm kiếm đồng minh cùng chí hướng. Đôi bạn cùng tiến sẽ giúp bạn dễ dàng theo kịp lịch trình đặt ra và hứng thú hơn khi có bạn bè nhắc nhở nhau cùng nhau luyện tập. Tuy nhiên học nhóm có ít thành viên sẽ hiệu quả hơn nhiều thành viên, một nhóm học tốt là khoảng từ 2 đến 3 người, bởi quá nhiều thành viên có thể dễ xao lãng và sa đà vào các cuộc nói chuyện ngẫu hứng mà quên mất nhiệm vụ.
    Hy vọng với những chia sẻ này, bạn có thể tìm ra cách phù hợp cho bản thân để tự ôn luyện cho kỳ thi Năng lực Nhật Ngữ sắp tới và cả những đợt thi sau này nữa. Chúc bạn đạt kết quả cao và gặt hái nhiều thành công!

    bằng nhật ngữ N3Nguyễn Ngọc Minh Hương/ kilala.vn

    Nguyễn Ngọc Minh Hương

    Yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. 

    Tốt nghiệp đại học Kinh tế Tp.HCM chuyên ngành Marketing và đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn chuyên ngành Nhật Bản Học – văn bằng 2.Đạt chứng chỉ Năng Lực Nhật Ngữ JLPT N3 năm 2015.

    Blog học tiếng Nhật của Minh Hương

    15/06/2017

    Bài: Nguyễn Ngọc Minh Hương/ Ảnh cover: Anjuli ayer/ Flickr

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!