Cách đối phó với sốc văn hoá khi đi du học

    Thực ra, là con người nói chung, khi gặp sự cố hay khó khăn trong cuộc sống, để vượt qua được, bạn cần có nhận thức mạnh mẽ về bản thân (mình là ai, mình đang làm gì,v.v), khả năng linh hoạt (mọi việc đểu có nhiều cách nhìn, nhiều cách giải quyết), tính nhẫn nại, bao dung, tính xã giao (bạn bè, đồng nghiệp là những người thân khi chúng ta xa gia đình, tổ quốc), tính hài hước và lạc quan (chuyện gì rồi cũng sẽ tốt cả), tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi. Sốc văn hóa có thể xảy ra với bất kì ai, nhưng tùy vào sự chuẩn bị này của bạn, mà bạn có thể vượt qua nó một cách dễ dàng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, cũng như tận hưởng thời gian tuổi trẻ, những trải nghiệm quý báu trên đất nước Nhật.

    Khi bắt đầu cảm nhận mình bị sốc văn hóa, du học sinh nên làm gì để vượt qua?

    1. Nói về cảm nhận của bản thân

     Hãy thổ lộ những cảm nghĩ của bạn về sự khác biệt văn hóa với bạn bè hoặc người quen, biết đâu họ cũng đang gặp tình huống như bạn thì sao. Có sự cảm thông từ bạn bè chính là động lực để bạn tìm ra hướng giải quyết và vượt qua thời kì khủng hoảng đấy.

    2. Giữ nếp sống lành mạnh

    Ngủ đủ, đúng giờ giấc , chú ý đến chế độ ăn uống cho cân bằng bởi khi cơ thể bị stress, sức đề kháng sẽ giảm sút đáng kể. Đừng để một tinh thần mệt mỏi, một cơ thể ốm yếu đánh gục bạn nhé.

    3. Không tự cô lập bản thân

    Ai cũng có những lúc buồn và cảm giác cô độc, đặc biệt là nơi xứ người, khi các mối quan hệ của bạn thời gian đầu có thể không có nhiều. Nhưng ngay cả khi như vậy, cũng đừng tự cô lập mình khi gặp vấn đề khó khăn, hay thấy có sự thay đổi khác lạ trong tính tình của mình. Đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, trò chuyện là liệu pháp nhanh nhất để bạn cảm thấy mọi chuyện sáng sủa hơn đấy.

    4. Tiếp tục sở thích, không ngừng trải nghiệm

    Ở Nhật Bản, việc mua sắm dễ dàng, đi lại thuận tiện cũng như một cuộc sống mới mẻ với vô số những điều bạn có thể khám phá là một lợi thế để học sinh có thể có nhiều sở thích, trải nghiệm mới như du lịch, chụp ảnh, leo núi, lắp ráp các món đồ điện tử, tham quan các khóa học về trang trại, tham gia các lễ hội, v.v  Những trải nghiệm thú vị, những cảm giác hạnh phúc là “của để dành” để bạn mang ra sử dụng khi cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Đồng thời, thông qua những trải nghiệm, bạn sẽ tìm thấy những điều khiến bạn yêu thêm đất nước mà bạn đang sống đấy.

    5. Tích cực vận động

    Trong các trường đại học của Nhật luôn có rất nhiều các câu lạc bộ, rất nhiều các môn thể thao từ bóng đá, tenis, bóng chày đến đua thuyền, kiếm đạo, võ thuật, bắn cung, các bộ môn nghệ thuật như kịch, múa hiện đại, thanh nhạc, các câu lạc bộ nhảy, v.v nên hãy tích cực tham gia để cả thân thể và đầu óc của bạn được vận động. Người Nhật tin rằng, để thay đổi tâm trạng nhanh nhất, thì phải bắt đầu bằng việc để cơ thể của bạn được vận động.

    6. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý

    Ở bất cứ trường học nào ở Nhật đều có nơi hỗ trợ sinh viên, tư vấn về mọi mặt trong cuộc sống. Du học sinh thường có tâm lí ngại ngùng, xấu hổ khi nói về vấn đề sốc văn hóa của mình đối với các giáo viên hay chuyên gia tâm lý người Nhật, sợ bị đánh giá là yếu đuối. Nhưng bạn đừng ngại, việc này không phải chỉ xảy ra đối với một mình bạn, mà với tất cả mọi người, kể cả các sinh viên Nhật Bản đi ra nước ngoài học, họ cũng chỉ là du học sinh, cũng trải qua những cảm giác y hệt như bạn mà thôi. Vì vậy, trước khi mọi việc trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của bạn, hãy tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia, hay gần gũi hơn, là từ chính các thầy cô đang dạy bạn. Hơn nữa, ở Nhật Bản, việc bảo mật thông tin cá nhân là cực kì chặt chẽ, bạn không cần phải lo ngại rằng mọi người sẽ biết chuyện của mình. Sẽ không ai nói bạn yếu đuối, chỉ có những người bỏ cuộc trước vấn đề của bản thân mình mới bị gọi là yếu đuối mà thôi.

    10/09/2015

    MINH NHẬT

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!