9X đa tài Phan Anh: Dũng cảm từ bỏ, dũng cảm bắt đầu

    Bỏ ngang đại học Bách Khoa, du học Nhật ngành Truyền thông và Nghệ thuật, tự mày mò học chụp ảnh, quay phim, thực hiện Nhật ký hành trình i-Tabi – Phan Anh khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên vì sự dũng cảm từ bỏ, dũng cảm dấn thân và trải nghiệm những điều mới mẻ.

    Dũng cảm từ bỏ, dũng cảm bắt đầu

    Phan Anh quyết định đến Nhật du học và khám phá khi anh chàng… vừa học xong 2 năm ở trường ĐH Bách Khoa. Quyết định từ bỏ 2 năm học, công sức ôn luyện thi cử để bắt đầu lại một điều mới hoàn toàn của Phan Anh là điều không phải ai cũng làm được. Thế nhưng, “tuổi trẻ chỉ đến một lần, phải làm trọn vẹn những điều mình thích”, bằng quyết tâm học tiếng Nhật, Phan Anh đã giành học bổng du học chuyên ngành là Truyền Thông và Nghệ Thuật. Mới đây, anh chàng còn nhận được học bổng lên đến 1.200.000 ¥  của quỹ Heiwa Nakajima cho một năm học.
    Bên cạnh việc giữ vững thành tích học tập, Phan Anh còn là thành viên BCH của Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Kyoto (VYSA Kyoto)
    Bức ảnh đoạt giải ba trong một cuộc thi nhiếp ảnh về mùa thu của Kyoto.
    Chia sẻ về những kinh nghiệm nhiếp ảnh, quay phim, Phan Anh chia sẻ đều là do anh chàng tự mày mò, học hỏi trên mạng, đặc biệt là từ Youtube sau giờ học và làm thêm. “Hầu hết những kiến thức trên mạng đều có tiếng Anh, hiện tại giảng viên chỉ đạo seminar của mình tại đại học là người Mỹ lại nói thông thạo cả tiếng Nhật nữa nên cũng khá dễ dàng trong việc trao đổi và học tập. Mình thường theo dõi trang instagram củaTokyo Camera Club, follow một vài nhiếp ảnh gia ở Nhật nhưatsushi.k.photography, _tuck4, you.iwata, . hay một bạn trẻ người Việt khá nổi tiếng làSơn Tùng (sontungst) nữa. Nhật Bản vốn là một đất nước xem trọng vấn đề bản quyền, khó có thể download phần mềm lậu. Khi dùng những phần mềm bản quyền cho việc biên tập ảnh và phim sẽ khiến bản thân nghiêm túc và trân trọng hơn những gì mình đang theo đuổi.”

    Học gì ở ngành truyền thông tại Nhật?

    Việc học ngành truyền thông ở Nhật mang đến cho Phan Anh nhiều trải nghiệm khá mới mẻ và thú vị:
    -Quan trọng nhất là năm 1 với môn 基礎演習, về phương pháp học tập, tự học, nghiên cứu và cách viết báo cáo. Mình thấy môn này khá thiết thực ngay từ năm 1 vì phương pháp học tập ở trường đại học sẽ khác so với phương pháp học trong suốt những năm cấp 1 đến cấp 3, tập trung vào việc nghiên cứu, tự học và viết báo cáo sao cho khoa học.
    -Trường Đại học Ryukoku nơi mình đang theo học là một trường đại học Phật giáo. Một trong những môn bắt buộc cho sinh viên năm đầu là Tư tưởng Phật Giáo 仏教の思想: giới thiệu về lịch sử Phật giáo và lịch sử liên quan trường. Cả mình và bạn bè, những người theo tôn giáo khác, Thiên chúa, đạo Hồi đều có thể học qua môn này, tự hào hơn về lịch sử, sự đặc biệt của ngôi trường mình đang theo học.
    Định hướng của sinh viên học ngành truyền thông tại Nhật rất đa dạng (làm việc liên quan đến báo chí, truyền hình, điện ảnh, manga, anime). Ngành Quốc tế học có thể làm nghề dịch thuật, du lịch khách sạn, hay giáo viên các ngành ngôn ngữ.
    -Năm 2 sẽ gồm rất nhiều những môn đại cương liên quan đến những chuyên ngành nhỏ trong khoa Quốc tế mà mình theo học. Về ngành Truyền thông và Nghệ thuật, một môn thú vị có lẽ là mônメディア大衆文化入門, qua đó biết rõ hơn về lịch sự, ý nghĩa và vai trò của những ngành liên quan đến truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, manga, anime.
    -Từ năm 3 trở đi sẽ có những môn học chuyên ngành hơn, đặc biệt là về seminar mình đang theo học về điện ảnh và xã hội. Gần đây khi vào những năm chuyên ngành hơn thì ở trường cũng có những môn học có liên quan như là triết học về điện ảnh, điện ảnh và xã hội, nghệ thuật quảng cáo và văn hoá đại chúng, hay khoá học hè vừa qua về cơ bản làm phim, phim ngắn.
    Với nhận định nước Nhật khá khép kín nên truyền thông không phát triển, Phan Anh tâm sự: “Mình nghĩ là truyền thông ở Nhật và Việt Nam đều có những đặc điểm và tính chất riêng, và khó có thể kết luận là ở đâu khép kín hay khó phát triển hơn, kiến thức có được dù ở đâu đi nữa cũng là điều quý giá.  Điều đặc biệt là, truyền thông liên quan rất nhiều đến ngôn ngữ. Khi càng có nhiều người học và quan tâm đến tiếng Nhật thì sự phổ biến và tiếp nhận văn hoá, truyền thông của Nhật tại Việt Nam mới tăng lên được.”

    Thú vị Nhật ký hành trình i-Tabi

    Là một những người thực hiện chương trình Nhật ký hành trình i-Tabi – chương trình giới thiệu các địa điểm nổi tiếng tại Nhật theo chủ đề từng mùa/ sự kiện, Phan Anh chia sẻ: “Từ khi bắt đầu lên ý tưởng từ tháng 10/2016, đến nay đã được 1 năm phát sóng. Bọn mình đã chọn những địa điểm gần gũi nhất với khu vực mình sinh sống để thực hiện trước. Vì thế mà tất cả những địa điểm trên sóng của Nhật kí hành trình đều xoay quanh khu vực Kansai. Series Nhật kí hành trình là một mảng trong cổng thông tin du lịch Nhật Bản i-Tabi mà nhóm bọn mình đang phát triển.”

    "Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện chương trình có lẽ là mùa cỏ lau năm ngoái mình cùng một người bạn lái xe lên cao nguyên Oishi ở Wakayama. Đây là địa điểm khá khó đi lại, đường núi thì hẹp và hiểm trở, bù lại thì phong cảnh ở đây đẹp miễn chê. Khi đang chụp và nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì bọn mình gặp một cặp đôi trung niên người Nhật với phong cách ăn mặc… không bình thường cho lắm. Họ đứng sau lưng. nói xấu và dùng rất nhiều từ không hay về người nước ngoài bằng tiếng Nhật. Ở Nhật vẫn còn một số ít người khôngthích người nước ngoài vậy đó." Phan Anh tâm sự.
    Dự định của Phan Anh sau đại học sẽ là săn học bổng và tìm kiếm cơ hội tiếp tục học cao hơn, phát triển trang i-Tabi, mở rộng thêm kênh Youtube với nhiều chủ đề mới.
    Phương Anh/ kilalal.vn

    01/11/2017

    Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCC

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!