Tiềm năng từ than sinh học không thải khí CO2 của Nhật Bản

    Giữa lúc tình hình chính trị thế giới bất ổn đẩy giá nhiên liệu tăng cao, than sinh học biocoke do Đại học Kindai phát triển lại càng có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt chất đốt, loại than này còn giúp bảo vệ môi trường khi hầu như không thải ra khí CO2. 

    Biocoke là một loại nhiên liệu rắn từ rác thải rau củ, đang thu thút sự chú ý như một công nghệ mới giúp thúc đẩy chuyển dịch sang một xã hội không carbon. Được phát triển vào năm 2005 bởi Đại học Kindai, tỉnh Osaka, biocoke được ví như một nhiên liệu rắn "trong mơ" bởi hầu như không thải ra khí CO2 khi đốt.

    Loại than này được làm ra bằng cách cắt nhỏ rau củ khô và nén dưới áp suất cực lớn. Sau đó, nó được nung nóng ở nhiệt độ 180°C và tạo thành dạng hình trụ. Biocoke khi cháy tạo ra nhiệt lượng hơn 1.000°C, tương đương với than cốc thông thường.
    than biocoke
    Than biocoke được phát minh bởi Đại học Kindai. Ảnh: PR Times 

    Hướng đến mục tiêu không carbon

    Vào tháng 04/2022, Oitomi, một doanh nghiệp kinh doanh đồ sắt truyền thống tại Oshu, tỉnh Iwate đã thử thay thế than cốc bằng than biocoke để nấu chảy gang. Akira Kikuchi, Giám đốc điều hành cấp cao của Oitomi đã đánh giá thành phẩm được sản xuất từ loại gang này và kết luận rằng: “Mặc dù biocoke tạo ra tia lửa nhiều hơn than cốc nhưng không có sự khác biệt về chất lượng."

    sử dụng biocoke nướng khoai lang
    Sử dụng than biocoke để nướng khoai lang. Ảnh: kindaipicks.com

    Mỗi năm, doanh nghiệp Oitomi tiêu thụ khoảng 20 tấn than cốc. Xưởng Oitomi đã ký kết tham gia thử nghiệm biocoke để hướng tới tình trạng “không khói” (không thải khí nhà kính) vào năm 2050.

    Được biết, lượng CO2 thải ra do đốt cháy rau củ quả không được tính là khí thải, vì ban đầu CO2 được thực vật hấp thụ từ không khí. Chính bởi lý do này mà biocoke được xem là hầu như không thải ra CO2 và được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.

    khoai lang và pizza được nướng bằng than biocoke
    Khoai lang và bánh pizza được nướng chín bằng than biocoke. Ảnh: kindaipicks.com

    Biocoke cũng được nhiều công ty lớn tại đất nước mặt trời mọc đón nhận. Đơn cử, Mos Food Services Inc., nhà điều hành chuỗi thức ăn nhanh Mos Burger đã bắt đầu bán cà phê rang bằng than biocoke tại chuỗi cửa hàng 48 Mos Burger & Cafe từ tháng 03/2022. Loại than này được làm từ bã cà phê.

    Đại diện công ty giải thích: “Khi xem xét làm mới các dòng sản phẩm cà phê của thương hiệu, chúng tôi đã nghiêng về sản phẩm thân thiện với môi trường. Chúng tôi muốn xem xét mở rộng các hoạt động sử dụng biocoke”. 

    Vào năm 2016 - 2017, thương hiệu tên tuổi Starbucks Coffee Japan Ltd. cũng đã hợp tác với Đại học Kindai và chính quyền thành phố Kobe trong một thử nghiệm sản xuất than biocoke từ bã cà phê cùng các loại rác thải khác từ cửa hàng của mình.

    Giải pháp được kỳ vọng cho tình trạng thiếu hụt nhiên liệu

    Ông Kikuchi cho biết những biến động trong tình hình chính trị quốc tế cũng thúc đẩy nhà xưởng truyền thống chuyển sang sử dụng biocoke. Theo số liệu sơ bộ, nhu cầu than của Nhật Bản phụ thuộc hầu hết vào nước ngoài với khoảng 180 triệu tấn than nhập khẩu trong năm 2021, trong đó khoảng 10% đến từ Nga. Kể từ năm 2021, giá than đã tăng vọt và vẫn duy trì ở mức cao, nhất là sau khi xảy ra bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine. 

    các loại biocoke khác nhau 3
    Bốn loại biocoke khác nhau làm từ bã trà xanh, bã cà phê, rác thải vải bông và bút chì. Ảnh: kindaipicks.com 

    Thủ tướng Fumio Kishida đã ra thông báo Nhật Bản sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu than từ Nga, điều này có thể làm cho giá than tăng cao hơn nữa. Với biocoke, nhiên liệu mới này ít chịu ảnh hưởng bởi biến động quốc tế hơn so với nhiên liệu hóa thạch, và Oitomi đang lên kế hoạch tiếp tục các thử nghiệm của mình song song với việc xem xét tính cân bằng chi phí - rào cản lớn nhất của biocoke cho đến hiện tại.

    Tuy nhiên, Tamio Ida, giám đốc của Viện nghiên cứu Biocoke của Đại học Kindai chỉ ra rằng việc đổi mới công nghệ và giá than thị trường tăng cao cũng góp phần đưa giá thành sản xuất của biocoke trở thành mức hợp lý.

    Trong quá trình sản xuất loại than sinh học này, tốn kém nhất là khâu xử lý nguyên liệu thô, bao gồm công đoạn sấy khô và nghiền nhỏ. Theo ông Ida, chi phí có thể giảm xuống bằng cách lựa chọn nguyên liệu thô chứa hàm lượng nước thấp, chẳng hạn như vỏ và cám của kiều mạch, vỏ lúa mì hay những thứ không cần xay như bã cà phê, trà.

    biocoke làm từ chanh
    Có thể ngửi thấy hương chanh với biocoke làm từ quả chanh. Ảnh: kindaipicks.com 
    Hiện tại, đang có ba công ty tại Nhật sản xuất nhiên liệu biocoke. Sản xuất hàng loạt là cần thiết để đưa biocoke phổ biến trên thị trường, nên Viện nghiên cứu Biocoke của Đại học Kindai đang nghiên cứu nhiều cách khác nhau để cải thiện hiệu suất của nhiên liệu, chẳng hạn như tăng nhiệt lượng tỏa ra và phát triển công nghệ sản xuất.
    Ông Ida nói thêm: "Chúng tôi muốn xây dựng chuỗi cung ứng theo hướng tái chế, trong đó, chất thải ở các địa phương sẽ được chuyển đổi thành biocoke và được tiêu thụ ở chính những địa phương này".
    ông tamio ida
    Ông Tamio Ida, giám đốc của Viện nghiên cứu Biocoke của Đại học Kindai. Ảnh: zakzak.co.jp

    kilala.vn

    Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

    Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
    SDGs

    21/06/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!