Hội chứng Galapagos: độc bản hay ngăn cản sự tiến bộ
Điều gì xảy ra khi công nghệ ở Nhật Bản phát triển độc lập với phần còn lại của thế giới?
Nhật Bản đã đóng góp và tiếp tục đóng góp nhiều phát minh tuyệt vời cho thế giới trong nhiều lĩnh vực: máy karaoke, nồi cơm điện, vạch kẻ đường dành cho người khiếm thị… Nhưng đôi khi những ý tưởng tốt của Nhật Bản gặp khó khăn khi cần đến sự đổi mới, điều này được gọi chung thành Hội chứng Galapagos.
Hội chứng Galapagos là gì?
“ガラパゴス化 - Garapagosu-ka” (Hội chứng Galapagos) là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Nhật Bản, được sử dụng trong các nghiên cứu kinh doanh để chỉ một nhánh phát triển biệt lập của một sản phẩm có sẵn trên toàn cầu.
Galapagos là một quần đảo gồm các hòn đảo núi lửa ở Thái Bình Dương. Nơi đây nổi tiếng vì sự cô lập cực độ, quốc gia gần nhất là Ecuador. Nhưng đây lại là địa điểm mà Charles Darwin đã nảy ra những ý tưởng dẫn đến công trình nghiên cứu làm nền tảng cho sự tiến hóa – Thuyết tiến hóa của Darwin, ông tin rằng sự cô lập định hình sự phát triển và sự thích nghi xảy ra để đáp ứng nhu cầu của môi trường cụ thể.
Trong kinh doanh hiện đại, “Hội chứng Galapagos” đã trở thành một phép ẩn dụ được sử dụng để mô tả các sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả các quy trình đã phát triển tập trung vào một thị trường hoặc nền văn hóa duy nhất, khiến chúng trở nên khác biệt khi so sánh với phần còn lại của thế giới. Thuật ngữ này thường được sử dụng khi thảo luận về sự phát triển của các sản phẩm Nhật Bản trong hơn 30 năm qua.
Lần xuất hiện đầu tiên thuật ngữ này được ghi nhận là vào năm 2004 bởi Sado Shuji - khi đó là trưởng bộ phận tiếp thị của VA Linux Systems Japan. Một loạt các kết quả nghiên cứu và kết quả của nhóm làm việc sau đó đã dẫn đến việc thuật ngữ này lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả công nghệ di động.
Như thế nào được gọi là Hội chứng Galapagos?
- Hàng hóa và dịch vụ tồn tại ở Nhật Bản đáp ứng nhu cầu hoặc mong muốn đặc biệt của người tiêu dùng nội địa.
- Có một thị trường hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài với chất lượng và tính năng khác với thị trường ở Nhật Bản.
- Khi Nhật Bản tiếp tục phát triển sản phẩm của mình một cách độc lập, giải pháp các sản phẩm được sử dụng bên ngoài Nhật Bản trở thành một tiêu chuẩn thực tế.
Ví dụ về hội chứng Galapagos tại Nhật
Điện thoại di động
Thuật ngữ "hội chứng Galapagos" ban đầu được đặt ra để chỉ điện thoại di động 3G của Nhật Bản, đã phát triển một số lượng lớn các tính năng chuyên dụng được áp dụng rộng rãi tại thị trường Nhật Bản, nhưng không thành công ở nước ngoài.
Takeshi Natsuno, giáo sư tại Đại học Keio của Tokyo, giải thích: "Điện thoại di động của Nhật Bản giống như loài đặc hữu mà Darwin bắt gặp trên quần đảo Galapagos, đã tiến hóa một cách tuyệt vời và khác biệt so với những người "anh em" khác ở các nước, bởi chúng quá phức tạp để tồn tại ở nước ngoài.
Ví dụ, Nhật Bản giới thiệu Internet di động vào tháng 2/1999, sớm hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác. “Điện thoại Galapagos” (Galake, ガラケ) là điện thoại di động (“điện thoại tính năng”) thường dựa trên hệ điều hành Symbian kế thừa và bao gồm một bộ tính năng rất phong phú:
- Truyền hình di động.
- GPS.
- Ví điện thoại, chức năng thanh toán di động và tiền điện tử.
- Các dịch vụ dành riêng cho nhà điều hành di động…
Máy ATM
Trên khắp Nhật Bản, phần lớn trong số 190.000 máy ATM không chấp nhận thẻ ngân hàng và thẻ tín dụng được phát hành ở nước ngoài. Theo một bài báo vào tháng 04/2022, chỉ có khoảng 20.000 bưu điện và cửa hàng tiện lợi cho phép rút tiền mặt bằng thẻ ngân hàng không phải của Nhật Bản.
Với lượng khách du lịch dồi dào ở những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã bổ sung lượng máy ATM chấp nhận thẻ nước ngoài.
Ví thanh toán
Năm 2004, ví thanh toán được giới thiệu tại Nhật Bản như một phương tiện cho phép thanh toán di động cùng với nhiều ứng dụng khác. Ở một khía cạnh nào đó, ví thanh toán có thể được coi là tiền thân của các công cụ thanh toán di động sau này được tung ra thị trường toàn cầu như Apple Pay hay Google Wallet (ở Việt Nam có thể kể đến là Momo hay VNPay).
Xe Kei
Kei car (Keijidosha - 軽自動車) hay ô tô hộp diêm đều là tên gọi của ô tô mini chở khách, đồ đạc hợp pháp trong nội thành và trên đường cao tốc, trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với người dân Nhật Bản hay những người có dịp ghé thăm xứ Phù Tang.
Nhưng loại xe này vì nhiều lý do mà không được coi là có lợi nhuận ở thị trường xuất khẩu và do đó chỉ là một phần của thị trường ô tô Nhật Bản.
Mặt trái của hội chứng Galapagos
Theo phân tích của Tiến sĩ Gerhard Fasol - người sáng lập và Giám đốc điều hành của Eurotech Japan KK, “hội chứng Galapagos” có nghĩa là không có chỗ hoặc không cần những thiên tài về công nghệ như Nhật Bản.
Cho đến năm 1995, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển, nhưng hiện đang ở trạng thái tĩnh, một tình huống độc nhất trong G8. Thật vậy, nền kinh tế của Hàn Quốc vượt mặt Nhật Bản vào năm 2022.
Nhật Bản có một lĩnh vực điện tử khổng lồ, từ những gã khổng lồ cho đến những nhà sản xuất chuyên dụng nhỏ hơn với thị trường trị giá 600 triệu USD, tương đương với Hà Lan. Tuy nhiên, mức tăng trưởng gần như bằng 0 so với 10 năm trước.
Thu nhập ròng của 20 công ty hàng đầu trong lĩnh vực này thực tế còn thấp hơn thu nhập ròng của một công ty Mỹ, GE hay đối thủ Hàn Quốc - Samsung.
Hội chứng Galapagos ngăn cản các công ty “tiến ra toàn cầu” khi thị trường nội bộ của họ đã đạt đến mức bão hòa. Fasol đề cập đến nồi cơm điện như một ví dụ về hàng tiêu dùng, vì quá bền nên không được mua thường xuyên, bên cạnh đó dân số già, tỷ lệ sinh thấp khiến cho thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng thu hẹp.
Xem thêm: Sự biến mất của đồ điện tử Made in Japan
kilala.vn
25/07/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận