Số lượng giáo viên Nhật xin nghỉ phép dài hạn vì bệnh tâm thần tăng kỷ lục

    Với áp lực từ thời gian làm việc kéo dài, nhiều giáo viên ở Nhật đang dần kiệt quệ về tinh thần, thể chất và mắc bệnh tâm lý, buộc họ phải nghỉ phép để dưỡng bệnh. 

    Số lượng giáo viên trường công tại Nhật xin nghỉ phép dài hạn trong 1 tháng hoặc lâu hơn do bệnh tâm thần, bao gồm cả trầm cảm trong năm học 2021 lần đầu chạm mốc 10.000 người, theo một khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố vào ngày 26/12/2022. 

    Con số chính xác là 10,944 giáo viên trường công, tăng 15,2% (tức 1,448 người) so với năm học 2020 và chiếm 1,19% trên tổng số giáo viên của Nhật, đây là tỉ lệ rất cao từng được ghi nhận. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ tin rằng nguyên nhân đằng sau con số này là thời gian làm việc kéo dài – một vấn đề nhức nhối ở các trường học, cũng như khối lượng công việc gia tăng, đè nặng lên vai các giáo viên trẻ.

    nghề giáo viên ở nhật bản
    Giáo viên ở một lớp học tại Nhật Bản. Ảnh: toyokeizai.net

    Cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục được thực hiện trên tổng số 919.900 giáo viên trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông công lập, trường giáo dục đặc biệt và các cơ sở tương tự trên khắp nước Nhật. Số lượng giáo viên xin nghỉ phép dài hạn trong 1 tháng hoặc hơn được ghi nhận tăng dần kể từ khi thống kê lần đầu vào năm tài chính 2016.

    Trong số 10,944 giáo viên xin nghỉ phép dài hạn trong năm học 2021, có 5.897 giáo viên xin nghỉ hơn 90 ngày (số lượng ngày phép nghỉ ốm tối đa), chiếm 0,64% tổng số giáo viên tại Nhật - cũng là tỷ lệ cao nhất từng được thu thập. Kể từ năm học 2007, số lượng giáo viên xin nghỉ vì bệnh tâm thần dao động ở mức 5.000 người. 

    Theo một nghiên cứu khác của Bộ Giáo dục tiến hành trong năm tài chính 2016, có khoảng 30% giáo viên tại trường tiểu học công, 60% tại trường trung học công phải làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng, vốn được xem là ngưỡng gây ra tử vong do làm việc quá sức. Một cải cách về giờ làm của giáo viên vẫn đang được thực hiện và Bộ Giáo dục tin rằng gánh nặng công việc đã đè nặng lên vai của một số giáo viên, dẫn đến việc họ phải xin nghỉ phép vì bệnh tâm thần. 

    giáo viên xin nghỉ phép vì bệnh tâm thần
    Giáo viên xin nghỉ phép dài hạn do bệnh tâm thần, bao gồm cả trầm cảm. Ảnh: aldenandassoc.com

    Ngoài ra, cuộc khảo sát công bố vào tháng 12/2022 nói trên cũng phân loại tỷ lệ giáo viên xin nghỉ ốm do bệnh tâm thần theo từng nhóm tuổi: 1,87% ở độ tuổi 20, 1,36% ở độ tuổi 30, 1,27% ở độ tuổi 40 và 0,92% ở độ tuổi 50 trở lên. Xu hướng xin nghỉ ốm ở giáo viên trẻ cao hơn các nhóm tuổi khác và tỷ lệ này ở các nhóm tuổi cũng tăng so với năm học trước. Trong đó, nhóm giáo viên ở độ tuổi 20 ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất với 0,43%. 

    Số lượng lớn giáo viên trường công được tuyển dụng vào những năm 80 theo đợt bùng nổ trẻ em lần 2 ở Nhật cũng đã gần đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, hạn chế tuyển dụng giáo viên vào khoảng năm 2000 do dự đoán tỷ lệ sinh tiếp tục giảm đã dẫn tới tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên ở độ tuổi từ 35 đến 45 để giáo dục cho thế hệ giáo viên trẻ. 

    Bộ Giáo dục cho biết: “Có ít sự hỗ trợ cho giáo viên trẻ ở trường bởi ở nhiều nơi, số lượng giáo viên trung niên khá ít ỏi để có thể tìm gặp và xin lời khuyên”.

    Cuộc khảo sát của Bộ cũng xem xét đến vấn đề liệu 5,897 giáo viên xin nghỉ vì bệnh tâm thần trong năm học 2021 có quay trở lại làm việc vào tháng 4/2022 hay không. Theo đó, có khoảng 2,473 giáo viên (tức 41,9%) quay trở lại làm việc, 2,283 giáo viên (chiếm 38,7%) tiếp tục xin nghỉ phép và 1,141 (tức 19,3%) thôi việc.

    giáo viên tại Nhật
    Giáo viên tại Nhật áp lực vì thời gian làm việc kéo dài. Ảnh: joboole.jp

    Đại diện nhân sự của Hội đồng giáo dục tại một thành phố lớn chia sẻ rằng vấn đề nằm ở việc thiếu hụt giáo viên, rất khó để có người thay thế ở giữa năm học khi có giáo viên nghỉ thai sản hoặc nghỉ chăm sóc con cái. Điều này dẫn đến khối lượng công việc của mỗi người tăng lên và cũng khiến họ gặp khó khăn để đề cập vấn đề sức khỏe của chính mình, càng làm cho tình trạng tệ hơn. 

    Đại diện này cũng cho biết thêm sau khi trở lại trường, các giáo viên này cần phải bắt tay ngay vào công việc nên nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với học sinh và phụ huynh. 

    Ngoài những khảo sát và nghiên cứu trên, vào tháng 11 và tháng 12, tổ chức phi lợi nhuận Kyouiku no Mori đặt trụ sở tại Hiroshima, giáo sư danh dự của Đại học Tokyo - ông Masahito Ogawa và nhiều đơn vị khác đã tiến hành xem xét phản hồi của 80 hội đồng giáo dục về vấn đề giáo viên đối mặt với bệnh tâm thần. 

    Kết quả cho thấy nguyên nhân đáng chú ý là do công việc quá tải, như trường hợp giáo viên vừa quay trở lại trường thì buộc phải giữ vị trí chủ nhiệm, hoặc các trường hợp từ chối tiếp nhận trị liệu tâm lý do lịch trình bận rộn, cũng như thiếu sự hỗ trợ từ cấp quản lý. 

    Bộ Giáo dục Nhật Bản hiện đang tiến hành phân tích chi tiết nguyên nhân và nghiên cứu cách thức để tạo ra một hệ thống nơi giáo viên có thể dễ dàng chia sẻ những mối bận tâm của họ. 

    kilala.vn

    05/01/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi
    Ảnh bìa: joboole.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!