Rào cản với du học sinh muốn ở lại Nhật làm việc

    Nhiều sinh viên nước ngoài sẽ tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2024 muốn ở lại đất nước Mặt trời mọc và bắt đầu tìm kiếm việc làm nhưng điều này lại không dễ dàng. 

    Một sinh viên 27 tuổi người Trung Quốc, hiện đang sống ở Tokyo chia sẻ với tờ Asahi: "Tôi đã quen sống ở Nhật và mọi người ở đây đều tốt bụng. Tôi muốn ở lại thêm một thời gian nữa”. Tuy nhiên, người này cũng như nhiều du học sinh khác có nguyện vọng tương tự lại gặp phải những rào cản, mặc cho Chính phủ Nhật cũng mong muốn họ tìm được việc làm và định cư tại nước này.

    hội chợ việc làm ở tokyo
    Sinh viên nước ngoài tham dự hội chợ việc làm ở Tokyo vào ngày 22 tháng 2. Ảnh: Asahi

    Rào cản ngôn ngữ

    Vào cuối tháng 2, các sinh viên nước ngoài trong trang phục công sở lịch sự đã xếp hàng tại quận Minato của Tokyo để tham gia một hội chợ việc làm dành riêng cho họ. Sự kiện thu hút khoảng 600 sinh viên đăng ký cùng 30 gian hàng của các công ty, tất cả đều bận rộn, thậm chí một số chẳng còn chỗ trống.

    Theo Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, số lượng người nước ngoài có tình trạng cư trú thay đổi từ “học tập” hoặc những tình trạng khác sang hình thức cho phép họ được làm việc tại Nhật Bản đạt 28.974 vào năm 2021. Số liệu này nhiều hơn gấp ba lần so với con số 8.586 người năm 2011.

    Chính phủ Nhật Bản muốn nâng tỷ lệ sinh viên nước ngoài làm việc tại nước này sau khi tốt nghiệp lên 50%, không tính đến những người tiếp tục học lên cao học hoặc các cơ sở đào tạo khác.

    Tuy nhiên, theo nghiên cứu do Tổ chức Hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản thực hiện vào năm tài khóa 2021, chỉ dưới 40% sinh viên nước ngoài tìm được việc làm tại nước này sau khi tốt nghiệp.

    [subscribe]

    “Tôi lo lắng nhất về khả năng tiếng Nhật của mình,” Yang Senlin (24 tuổi), một sinh viên đã tốt nghiệp đang tìm việc làm ở Nhật Bản chia sẻ.

    Yang đã tham gia một khóa học tại trường sau đại học, ở đó tất cả các bài giảng đều được thực hiện bằng tiếng Anh. Cô đã lấy được chứng chỉ N1 - cấp độ cao nhất của kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tổ chức. Tuy nhiên Yang không tự tin khi nói tiếng Nhật.

    Xem thêm: JLPT có phải là thước đo tốt nhất để tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật?

    “Họ phỏng vấn bạn bằng tiếng Nhật và yêu cầu bạn tham gia thảo luận nhóm trong quá trình tuyển dụng ở Nhật Bản. Tất cả những điều đó rất khó khăn đối với tôi”, Yang nói. 

    Cô Ai Osawa - Chủ tịch của Vein Global Inc., một công ty đã giúp sinh viên nước ngoài tìm việc làm tại Nhật Bản trong 17 năm qua cho biết, các nhà tuyển dụng muốn sinh viên nước ngoài có nguyện vọng làm việc cho họ phải có kỹ năng tiếng Nhật tốt.

    Nhiều công ty yêu cầu sinh viên nước ngoài điền đơn xin việc hoặc làm bài kiểm tra năng khiếu, tất cả đều bằng tiếng Nhật. Điều đó nghĩa là họ phải cạnh tranh với các sinh viên bản địa mà không được tính đến bất lợi về khả năng ngôn ngữ.

    kỹ năng tiếng nhật
    Kỹ năng tiếng Nhật là một trong những rào cản với sinh viên nước ngoài khi tìm việc làm ở Nhật. Ảnh: Nikkei Asia

    Vì lẽ đó, nhiều nhà tuyển dụng Nhật đã chọn không tuyển dụng sinh viên nước ngoài vì họ không có kỹ năng ngôn ngữ, dẫu cho những sinh viên đó có khả năng về những mặt khác.

    Cuộc khảo sát năm 2020 của Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho thấy điều mà các công ty mong muốn nhất ở sinh viên nước ngoài là “cải thiện các kỹ năng tiếng Nhật thương mại”.

    Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng cho thấy trong số 450 trường đại học tiếp nhận sinh viên nước ngoài, chỉ có 263, tương đương khoảng 60%, cung cấp các bài giảng tiếng Nhật thương mại.

    Xem thêm: 7 chỗ khó của tiếng Nhật mà người nước ngoài hay gặp

    Thiếu sự hỗ trợ mang tính tổ chức

    Mối bận tâm của sinh viên nước ngoài về việc tìm kiếm việc làm ở Nhật Bản không chỉ giới hạn ở kỹ năng ngôn ngữ. Một số không biết công ty nào tuyển dụng người nước ngoài trong khi số khác nhận thấy tìm việc ở Nhật Bản khác với ở nước mình, và họ không biết quy trình.

    Cô Osawa cho biết, tại một số trường đại học, thông tin cần thiết với sinh viên nước ngoài không được chia sẻ với họ vì các bộ phận chịu trách nhiệm hỗ trợ du học sinh và hỗ trợ tìm việc làm tách biệt nhau, trong khi du học sinh lại không giỏi giao tiếp.

    sinh viên nước ngoài chật vật tìm việc ở nhật
    Sinh viên nước ngoài chưa được hỗ trợ đúng mức về quy trình tuyển dụng, tìm việc ở Nhật. Ảnh: Nikkei Asia

    Các sinh viên nước ngoài thường bị đổ lỗi vì không thể tìm được việc làm, điều đó dập tắt nhiệt huyết trong họ. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này được nhận định là nguồn tài nguyên quý giá ở Nhật Bản khi nước này đang trải qua tình trạng thiếu lao động.

    Một công ty thương mại của Nhật đã tuyển dụng sinh viên nước ngoài vì kỹ năng ngôn ngữ (không phải tiếng Nhật) của họ cho các hoạt động ở nước ngoài của doanh nghiệp.

    Nhân viên phụ trách bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp trên cho biết: “Ngày càng có ít sinh viên Nhật Bản nộp hồ sơ vào công ty chúng tôi. Công ty đã tích cực tiếp nhận các hồ sơ bất kể ứng viên là người Nhật hay người nước ngoài.”

    Nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản

    Chính phủ Nhật đã nỗ lực cung cấp hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài có mong muốn ở lại làm việc. Bộ Giáo dục đồng hành cùng các trường đại học, trong khi đó các tổ chức khác cung cấp chương trình giáo dục tiếng Nhật, giáo dục nghề nghiệp hoặc các chương trình thực tập cho sinh viên nước ngoài.

    Đã có 15 dự án cung cấp các chương trình như vậy được Bộ Giáo dục chọn để hỗ trợ. Chúng bao gồm những chương trình mà chính quyền địa phương cung cấp, hoặc các chương trình chung mà nhiều trường đại học đang thực hiện. Trong năm tài khóa 2023, Bộ có kế hoạch chọn thêm 3 dự án như vậy để hỗ trợ.

    Hội đồng Kiến tạo Giáo dục Tương lai của Chính phủ cũng thực hiện một số giải pháp như xem xét tình trạng cư trú của người nước ngoài, yêu cầu các công ty xem xét hệ thống nội bộ để tìm hiểu nhu cầu của nhân viên nước ngoài.

    Xem thêm: Làm thế nào để phát triển công việc, sự nghiệp tại Nhật Bản?

    kilala.vn

    11/05/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!