Chuyên gia Nhật cảnh báo nguy hiểm khi đi bộ trên thang cuốn
Trong tháng 7, Đường sắt Nhật Bản, các sân bay và chính quyền địa phương trên khắp cả nước sẽ cùng nhau phát động một chiến dịch kêu gọi mọi người "dừng đi bộ và đứng yên" trên thang cuốn.
Tại nhiều quốc gia còn có văn hóa “nhường thang cuốn”, hiểu nôm na là nếu bạn không có việc gấp, bạn sẽ đứng yên ở một bên của thang (trái hay phải sẽ tùy vào từng quốc gia, khu vực), phía còn lại sẽ là phần dành cho những người cần đi bộ nhanh hơn.
Ở Nhật Bản, người dùng thang cuốn thường đứng sang một bên để nhường lối đi cho những người muốn di chuyển nhanh. Một số người trên mạng xã hội thậm chí còn khẳng định họ có "quyền được đi bộ" trên thang cuốn.
Nhưng ít ai biết được rằng việc đi bộ trên thang cuốn ẩn chứa nhiều rủi ro. Vào tháng 5, Hitachi Building Systems Co., nhà sản xuất thang cuốn và cung cấp dịch vụ bảo trì, đã công bố một trang web nêu chi tiết những rủi ro khi đi trên thang cuốn. Đồng thời họ lưu ý rằng ngay từ đầu, thang cuốn không được thiết kế để đi trên đó.
Theo báo cáo do Hiệp hội thang máy Nhật Bản thực hiện 5 năm/lần, trung bình có khoảng 1.550 vụ tai nạn bởi thang cuốn từ năm 2018 - 2019. Nguyên nhân chính là bị té ngã do đi bộ hoặc không bám vào tay vịn, chiếm 50%.
Tại sao đi bộ trên thang cuốn lại nguy hiểm?
Chiều cao giữa các bậc của thang không phù hợp
Chính xác là các bậc ở thang cuốn không được tạo ra để đi bộ. Trang web giải thích rằng do sự khác biệt về chiều cao giữa cầu thang bộ và thang cuốn theo Đạo luật Tiêu chuẩn Xây dựng, nên có nguy cơ vấp ngã hoặc bước hụt nếu mọi người đi trên thang cuốn.
Việc vấp ngã ở thang cuốn không chỉ khiến bạn mà cả những người xung quanh có nguy cơ xảy ra tai nạn dẫn đến thương tích nghiêm trọng.
Dễ va chạm với người khác
Chiều ngang của các bậc thang cuốn khác nhau tùy theo nhà sản xuất, nhưng hầu hết các bậc thang cuốn dành cho hai người đều rộng khoảng 100cm. Mặt khác, chiều cao và chiều rộng vai trung bình của đàn ông Nhật Bản nói riêng được cho là 44cm và do các yếu tố như mặc trang phục dày vào mùa đông nên con số này có thể cao hơn thế. Điều này đồng nghĩa với việc 2 người đứng ngang nhau sẽ phải đứng sát vào mới đủ chỗ.
Nếu ai di chuyển từ phía sau với tốc độ nhanh có thể dễ va vào vali, cặp hoặc vai của người đang đứng, khiến cả hai mất thăng bằng và dễ ngã.
Thiết bị an toàn có thể kích hoạt và gây ra tình trạng dừng đột ngột
Để ngăn ngừa nguy hiểm, thang cuốn được trang bị thiết bị an toàn tự động dừng thang cuốn trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện có điều bất thường. Nếu thang cuốn đột ngột dừng lại do kích hoạt thiết bị an toàn hoặc do mất điện, bạn có thể bị mất thăng bằng và ngã. Vì thế hãy chắc chắn bám vào tay vịn khi sử dụng thang cuốn.
Kẹt trang phục vào thang
Thang cuốn là phương tiện an toàn nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, nếu một người mất thăng bằng khi đi bộ và bị ngã, dây giày, dép, quần áo… có thể bị mắc vào các khoảng trống xung quanh bậc thang hoặc ở lối ra, có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Để hạn chế tai nạn, các nhà điều hành của các ga cũng yêu cầu mọi người đứng yên trên thang cuốn và không chừa lại phía bên kia cho người đi bộ. Điều này là do thang cuốn tại các nhà ga đã chứng kiến lượng lớn người đi lên và xuống các bậc thang.
Bắt đầu từ ngày 22 tháng 7, các nhà điều hành đường sắt bao gồm công ty Đường sắt Nhật Bản, các sân bay và chính quyền địa phương trên khắp cả nước cùng nhau phát động một chiến dịch kêu gọi mọi người "dừng đi bộ và đứng yên" trên thang cuốn. Chiến dịch sẽ diễn ra cho đến cuối tháng 8.
Vào tháng 10/2021, tỉnh Saitama đã trở thành địa phương đầu tiên tại Nhật Bản thực hiện sắc lệnh bắt buộc người dùng thang cuốn phải cố gắng đứng yên. Động thái này được thành phố Nagoya thực hiện vào tháng 10/2023, cho thấy chiến dịch này đang dần lan rộng trên toàn nước Nhật.
kilala.vn
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận