Cảnh báo trào lưu nuôi rái cá làm thú cưng ở Nhật
Vẻ dễ thương của rái cá vuốt bé đã khiến nhiều người muốn nuôi chúng trong nhà. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho người nuôi và nguy hại cho chính bản thân rái cá.
Rái cá vuốt bé là loài rái cá nhỏ nhất thế giới, đa phần chúng sinh sống ở các quốc gia và khu vực châu Á như Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, miền Nam của Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chính nhờ vẻ ngoài đáng yêu của mình mà rái cá vuốt bé được nhiều quốc gia yêu thích trong đó có Nhật Bản.
Bên trong Sở thú Ueno ở Tokyo, người ta có thể bắt gặp một chú rái cá vuốt bé đang đi lạch bạch trông vô cùng đáng yêu. Tuy nhiên, chuyển động và biểu cảm của nó thay đổi đáng kể khi được cho ăn. Khi một nhân viên sở thú bước vào khu vực với con cá tươi trên tay, rái cá đã chạy đến chỗ anh với tiếng kêu the thé. Sau đó, nó cắn một miếng lớn trong miếng cá được cho.
Thức ăn tiếp theo cho rái cá là đầu gà. Một lần nữa, nó mở cái miệng lớn và ngấu nghiến bữa ăn. Có thể thấy, rái cá vuốt bé có răng và hàm khỏe, trong tự nhiên chúng ăn tôm, cua, cá và ếch nhái. Theo sở thú, việc cho chúng ăn thức ăn cứng như đầu gà để chúng rèn luyện sức nhai. Khẩu phần ăn hằng ngày chiếm đến 20% trọng lượng cơ thể của rái cá và phân của chúng có mùi nồng nặc.
Tuy nhiên, do nhu cầu nuôi làm thú cưng, loài động vật vốn chủ yếu sống ở Đông Nam Á này tiếp tục đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Các chuyên gia buộc phải lên tiếng về việc chúng ẩn chứa những nguy hiểm khi được nuôi như thú cưng.
Naoya Ohashi - Giám đốc bộ phận giáo dục và truyền thông của vườn thú, nói về rái cá vuốt bé: "Có sự khác biệt lớn giữa việc nhìn thấy và nuôi chúng. Chúng có tiếng kêu lớn, khó thuần hóa và sẽ cắn bạn nếu cảm thấy bất cứ điều gì có vẻ nguy hiểm xảy ra. Bạn có thể muốn tự mình nuôi một con rái cá sau khi xem video trên mạng xã hội, nhưng trên thực tế đây không phải là điều dễ dàng và không được khuyến khích".
Trên thực tế, nếu nuôi một con rái cá vuốt bé, nó sẽ cần một nơi để có thể tự do bơi lội, đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền nước hàng tháng sẽ tốn hơn 100.000 yên (khoảng 16,8 triệu đồng). Nếu rái cá bị bệnh, có rất ít bác sĩ thú y có thể chăm sóc y tế.
Vì không phải là động vật có thể nuôi trong gia đình nên con người không thể mong chờ rái cá sẽ có cảm xúc với họ như chó hay mèo. Vào năm 2022, một phụ nữ Tokyo bị chuyển đến các công tố viên vì nghi ngờ đã hành hạ hai con rái cá với lý do chúng "không có tình cảm" với mình.
Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) Nhật Bản, kể từ cuối những năm 2000, nhu cầu về rái cá vuốt bé làm thú cưng đã tăng vọt ở nước này do sự xuất hiện của chúng trên các chương trình truyền hình. Từ năm 2016 - 2019, 20 con rái cá đã bị thu giữ vì là động vật buôn lậu đến Nhật Bản.
Do nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng, buôn bán rái cá xuyên biên giới đã bị cấm về nguyên tắc, theo “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2019”. Tuy nhiên, một lượng cá thể rái cá vuốt bé được nhập khẩu trước khi có quy định.
Yoko Asakawa thuộc văn phòng bảo tồn thiên nhiên của WWF Nhật Bản đã chỉ ra: "Việc săn bắt trộm rái cá trong môi trường sống của chúng vẫn chưa thực sự dừng lại vì nhu cầu đối với chúng như vật nuôi ở Nhật Bản vẫn còn". Cô cảnh báo việc cố gắng biến động vật hoang dã thành thú cưng càng làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái như một loài ngoại lai xâm lấn nếu chúng bị bỏ rơi ra ngoài môi trường.
kilala.vn
03/06/2023
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận