Drum Tao: Chinh phục thế giới với trống Taiko
Bắt nguồn từ loại nhạc cụ lâu đời của Nhật Bản, Drum Tao đã tỏa sáng với những chuyến lưu diễn toàn cầu khi kết nối âm nhạc truyền thống với yếu tố giải trí hiện đại.
Bên ngoài xứ mặt trời mọc, Wadaiko thường được gọi ngắn gọn là Taiko, dù từ này trong tiếng Nhật chỉ đơn giản có nghĩa là “trống”.
Ở Nhật có rất nhiều nghệ sĩ trình diễn trống Taiko nổi tiếng, trong số đó có Drum Tao - nhóm nhạc đã đưa cách chơi trống Taiko lên tầm cao mới, dùng tiếng trống để thu hẹp khoảng cách giữa thời đại xưa và nay.
Những nghệ sĩ đến từ cao nguyên Kuju
Drum Tao được thành lập vào năm 1993 bởi giám đốc nghệ thuật Ikuo Fujitaka.
Có một sự thật là nguồn cảm hứng đầu tiên của Drum Tao lại không đến từ nước Nhật. Cụ thể, Ikuo Fujitaka đã ấn tượng với cách Cirque du Soleil, nhóm xiếc trứ danh của Canada, sử dụng trống Taiko trong buổi biểu diễn “Mystere” và nhận thấy loại hình nghệ thuật của đất nước mình cũng có thể gây được tiếng vang mạnh mẽ trong bối cảnh sân khấu đương đại.
Lấy Taiko làm nhạc cụ biểu diễn chính, ông tập hợp những người chơi trống và đào tạo họ tại trung tâm Grandioso trên vùng cao nguyên Kuju ở vùng Kyushu.
Theo Fujitaka: “Cái tên ‘Grandioso’ là một thuật ngữ âm nhạc của Ý mang nghĩa tráng lệ và vĩ đại, và tôi đã chọn nó để thể hiện cách chúng tôi chơi trống Taiko thật hoành tráng và hào hùng”.
Các thành viên của Drum Tao phải luyện tập với chế độ rất khắc nghiệt. Các bài tập hằng ngày của họ bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ tối, bao gồm chạy 20km, tập vũ đạo, uốn dẻo, luyện võ thuật và khiêu vũ. Đặc biệt họ được đào tạo để chơi thuần thục các loại trống cùng nhiều nhạc cụ truyền thống khác.
Trong 10 năm đầu tiên đã có 400 học viên đầu hàng trước những buổi tập khắc nghiệt. Sau đó Fujitaka đã chỉnh sửa lại chế độ luyện tập sau cho phù hợp và số họ viên bỏ học dần ít đi, chỉ có 40 người bỏ cuộc trong giai đoạn 2003-2008.
Taro Harasaki, một thành viên gắn bó với Drum Tao trong suốt 20 năm cho biết: “Chúng tôi sống cách ly, ở trên vùng núi hẻo lánh vì tiếng trống Taiko khi đánh lên rất to sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân sống xung quanh. Chúng tôi sống trên núi như những nhà sư khổ hạnh và tập luyện, ăn uống theo chế độ định sẵn như những người lính.”
Quyện hòa truyền thống với hiện đại
Tay trống chính Taro Harasaki chia sẻ: “Mọi người ở Nhật lớn lên đều được nghe và trải nghiệm trống Taiko. Trống được chơi ở hầu hết các lễ hội địa phương trên khắp đất nước. Nhưng đôi khi có nhiều người, nhất là thế hệ trẻ cho rằng đây là loại nhạc cụ lỗi thời và người sáng lập của chúng tôi muốn Drum Tao trở nên khác biệt”.
Thứ Drum Tao hướng đến là sự hòa hợp trong âm nhạc và nghệ thuật giữa quá khứ và hiện tại. Fujitaka muốn tạo ra những màn trình diễn mang tính sáng tạo mới mẻ, vừa hiện đại nhưng cũng giữ gìn và truyền tải tinh hoa của nghệ thuật truyền thống.
Và họ đã thể hiện điều đó thông qua các màn trình diễn mãn nhãn, đầy ấn tượng. Sức hấp dẫn của Drum Tao trên sân khấu thể hiện qua các tiết mục được dàn dựng công phu, với phục trang, bối cảnh, ánh sáng, âm nhạc đều phục vụ chủ đề chung.
Ngoài Taiko, nhóm kết hợp thêm các nhạc cụ truyền thống khác như sáo Shinobue, đàn Shamisen, đàn Koto, cồng chiêng... cùng với những màn trình diễn võ thuật, vũ đạo nhào lộn của các nghệ sĩ đã được đào tạo bài bản. Tất cả đều xuất sắc trong từng chi tiết, hài hòa vào nhau và tạo nên thứ nghệ thuật trình diễn đỉnh cao.
Như Harasaki chia sẻ: “Đoàn của chúng tôi mang đến những buổi biểu diễn tràn đầy năng lượng, như kết hợp giữa nhạc cổ điển và nhạc rock. Chúng tôi truyền đến mọi người sức mạnh âm nhạc, giúp họ giải tỏa căng thẳng và cảm thấy hứng khởi trong tâm hồn”.
Nhóm trống lừng danh, lưu diễn toàn cầu
Đoàn trống Drum Tao đã nâng tầm ảnh hưởng của Wadaiko trong văn hóa đại chúng ở Nhật và làm say mê công chúng khắp thế giới. Sau hơn một thập kỷ lưu diễn ở Nhật, nhóm đã biểu diễn tại Edinburgh Festival Fringe, đánh dấu hành trình lưu diễn quốc tế của Drum Tao.
Vào năm 2016, nhóm đã xuất hiện và ra mắt trên sân khấu Broadway danh giá tại nước Mỹ. Các buổi diễn đều cháy vé và được khán giả xứ cờ hoa hưởng ứng nhiệt tình.
Tính đến năm 2023, ước tính Drum Tao đã lưu diễn ở 500 thành phố trên khắp thế giới, thu hút gần 10 triệu khán giả đến xem.
Ở tỉnh Oita, quê hương của Drum Tao, có một nhà hát ngoài trời cố định tên là “Tao no Oka” (nghĩa là “Ngọn đồi của Tao”). Địa điểm này tọa lạc ở độ cao 1.036m, có phong cảnh hữu tình, là nơi đặt sân khấu “Nhà hát trên bầu trời” và Drum Tao thường tổ chức các buổi biểu diễn tại đây.
Ngoài ra khán giả tới đây còn có thể tham quan các không gian triển lãm về nhóm như: những trang phục do NTK nổi tiếng Junko Koshino thiết kế cho Drum Tao, trang sức, phụ kiện, nhạc cụ trình diễn..., hoặc ghé đến các cửa hàng, quán cà phê có chủ đề về Drum Tao.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận