Tokyo Rainbow Pride: Kỷ niệm 30 năm rực rỡ
Tokyo Rainbow Pride ở Nhật Bản là một trong những sự kiện tự hào lớn nhất châu Á. Đây được xem là biểu tượng cho sự tiến bộ về vị trí của cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội Nhật những thập kỷ gần đây.
Tokyo Rainbow Pride là gì?
Tokyo Rainbow Pride (gọi tắt là TRP) là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Tokyo Rainbow Pride - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền và sự công nhận dành cho cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội. Lễ kỷ niệm này nhằm mục đích đón nhận và tôn vinh sự đa dạng của cộng đồng LGBTQ+, ước tính chiếm từ 7 - 10% dân số Nhật Bản.
Khác với nhiều quốc gia chọn làm lễ diễu hành trong Tháng Tự hào (tháng 6), TRP lại được tổ chức vào khoảng tháng 04 vì thời tiết đẹp, cũng như đây là thời điểm nghỉ lễ liên tiếp của người lao động Nhật Bản.
Lịch sử hình thành
Vấn đề về LGBT đã tồn tại ở xã hội Nhật Bản từ thời phong kiến, với những tài liệu tham khảo văn học có từ Truyện kể Genji, thế kỷ 11. Đến sau Thế chiến thứ hai, khu đèn đỏ Shinjuku 2-chome ở Tokyo đã trở thành trung tâm của cuộc sống về đêm dành cho người đồng tính nam. Đến nay, nơi đây vẫn là địa điểm dành cho cộng đồng LGBTQ+, với vô số quán bar, câu lạc bộ, khách sạn, nhà hàng…
Đến năm 1994, chi nhánh Nhật Bản của Hiệp hội đồng tính nam và nữ quốc tế (ILGA) đã tổ chức cuộc diễu hành Pride đầu tiên ở Tokyo, đặt tên là Tokyo Lesbian & Gay Parade (TL&GP), thu hút hơn 1.000 người tham gia. Từ đây, những sự kiện cộng đồng khác đã được truyền cảm hứng như Rainbow March ở Sapporo vào năm 1996.
Năm 2007, sự kiện được đổi tên thành Tokyo Rainbow Pride như hiện nay, nhưng xảy ra nhiều lần gián đoạn. Đến tháng 05/2011, hiệp hội Tokyo Rainbow Pride đã được thành lập để đảm bảo tính liên tục của sự kiện. Kể từ đó, TRP được tổ chức đều đặn hằng năm (trừ những năm không thể hoạt động do ảnh hưởng của COVID-19) tại công viên Yoyogi. Sự kiện chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số người tham gia, từ 4.500 người năm 2012 lên hơn 240.000 vào năm 2024.
Chính nỗ lực của tập thể bao gồm các cá nhân mạnh mẽ, dám lên tiếng dù gặp nhiều rào cản, đã thúc đẩy sự thay đổi đáng kể về cái nhìn của mọi người với những người trong cộng đồng.
Ngoài TRP, các cuộc diễu hành Pride khác không chỉ tổ chức ở Tokyo mà còn ở khoảng 30 thành phố trên khắp Nhật Bản mỗi năm, tổng cộng hơn 200 cuộc diễu hành trong hơn 30 năm.
Sự phát triển này là minh chứng phần nào cho thành công của những “bước đi” chậm rãi nhưng kiên trì, được thực hiện cách đây ba thập kỷ.
Ý nghĩa của Tokyo Rainbow Pride
Tổ chức phi lợi nhuận Tokyo Rainbow Pride (TRP) hoạt động theo phương châm “Hãy là chính mình, vui vẻ và tự hào” nhằm mục đích truyền cảm hứng đến tất cả mọi người sống tự hào về bản thân, bất kể họ là ai. Natsumi Yamada – đại diện TRP cho biết: “Có những người đã bắt đầu nó (TRP) trong hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có họ mà chúng tôi mới có thể tổ chức được sự kiện này ngày hôm nay.”
Giống như các sự kiện Pride tương tự trên toàn thế giới, TRP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi quan niệm của mọi người đối với LGBTQ+, đấu tranh cho quyền bình đẳng và công bằng trong xã hội.
“Hãy là chính mình, vui vẻ và tự hào.”
Ba mươi năm – một chặng đường dài, đã mang lại những tiến bộ đáng kể. Đồng đại diện của cuộc diễu hành - Fumino Sugiyama và Natsumi Yamada chia sẻ với The Japan Times rằng lượng người tham gia đáng kinh ngạc và sự chấp nhận ngày càng tăng đối với người LGBTQIA+ ở Nhật Bản là một “sự tự hào”.
Việc ngày càng có nhiều người tham gia lễ diễu hành là một tín hiệu đáng mừng, nhưng mục tiêu của TRP là mong muốn mỗi người tham gia có thể sống là chính mình, dù có TRP hay không.
Cổng vòm được lắp đặt ở lối vào địa điểm tổ chức Tokyo Rainbow Pride còn đại diện cho một cây cầu dẫn đến tự do, vượt ra ngoài sự kiện và có thể “đi” vào cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay một khi bước qua cổng vòm và rời khỏi công viên, các vấn đề về LGBTQ+ thường mờ dần và không còn là mối bận tâm của bất kỳ ai.
“Các cặp đôi nắm tay nhau vui vẻ trong công viên Yoyogi thường nhanh chóng buông tay nhau khi ra khỏi cổng. Chúng tôi hi vọng sẽ không phải chứng kiến những cảnh như vậy nữa. Xã hội này phải thay đổi. Cổng vòm đóng vai trò là cầu nối giữa Công viên Yoyogi và cuộc sống bình thường chứ không phải là rào cản ngăn cách họ”, đại diện TRP cho biết.
Năm 2024 – kỷ niệm 30 năm, Tokyo Rainbow Pride chú trọng giải quyết các vấn đề cấp bách như: thúc đẩy hôn nhân bình đẳng và sự gia tăng nghiêm trọng của những tội phạm căm thù người chuyển giới.
Những hoạt động đầy màu sắc của Tokyo Rainbow Pride
Mỗi năm, Tokyo Rainbow Pride được tổ chức theo một chủ đề khác nhau, chẳng hạn như “Beyond the Rainbow” (2016), “Love & Equality” (2018) và “Our Voices, Our Rights” (2021).
Tâm điểm của Tokyo Rainbow Pride là cuộc diễu hành từ Shibuya đến Công viên Yoyogi với hàng nghìn người tham gia trong trang phục, phụ kiện có biểu tượng cờ lục sắc và hàng nghìn khán giả khác đến cổ vũ.
Nhiều gian hàng ở Yoyogi Event Plaza có sự góp mặt của các tổ chức hỗ trợ LGBTQ+, nhà tài trợ doanh nghiệp cung cấp đồ ăn thức uống. Thường có âm nhạc, khiêu vũ và các buổi biểu diễn khác được tổ chức suốt cả ngày.
Tầm ảnh hưởng của TRP đã thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp đồng hành. Ban đầu, chỉ các công ty có liên kết với nước ngoài tham gia. Năm 2014, nhà sản xuất đồ uống Cheerio Corp. đã trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên tài trợ cho sự kiện này.
Trong những năm gần đây, sự góp mặt của các công ty trong nước ngày càng tăng, với số lượng nhà tài trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế đạt 200 vào năm 2022, 276 vào năm 2023 và 314 trong năm 2024.
Một người đồng tính nữ ở độ tuổi 50 làm việc cho một công ty đã bắt đầu tài trợ cho cuộc diễu hành tự hào năm 2024 cho biết: “Tôi rất vui vì công ty của tôi đã phần nào công nhận rằng tôi thuộc về nơi này”.
Hoạt động xã hội, tầm nhìn và xây dựng cộng đồng từ lâu đã trở thành tâm điểm của các sự kiện Pride. Ngoài cuộc diễu hành hàng năm, TRP còn cung cấp các chương trình đào tạo tại doanh nghiệp về đa dạng giới và tính dục; bán nhiều loại hàng hóa, từ móc khóa đến áo phông; thúc đẩy hoạt động của các tổ chức LGBTQ trong khu vực thông qua Mạng lưới Tự hào Nhật Bản.
Năm 2024, kỷ niệm 30 năm TRP, nhiều hoạt động đã được tổ chức với chủ đề “Don’t give up until we make change - Đừng bỏ cuộc cho đến khi tạo ra sự thay đổi”. Ngày 21/04, ngày cuối cùng của lễ hội, Tokyo ngập tràn màu sắc khi 15.000 thành viên trong cộng đồng và những người ủng hộ tham gia cuộc diễu hành Tokyo Rainbow Pride.
Quảng trường chính có hơn 220 gian hàng, đại diện cho các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi lợi nhuận, nhà cung cấp địa phương và tập đoàn đa quốc gia với những nhân viên mặc áo phông có logo thương hiệu như Panasonic, Mizuho…
Những người nổi tiếng xuất hiện trong Tokyo Rainbow Pride
Một sự kiện lớn như TRP đã thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia. Bourbonne, người tiên phong trong biểu diễn drag (những người đàn ông mặc trang phục, trang điểm và trình diễn như một người phụ nữ) ở Shinjuku Ni-chome, đã trở thành nhân vật cố định của Tokyo Rainbow Pride.
Trong những năm gần đây, một người chủ trì khác của Tokyo Rainbow Pride là Fumino Sugiyama - Đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận TRP và nhà hoạt động chuyển giới nổi tiếng.
Bên cạnh đó, các sự kiện trong quá khứ đã thu hút các nhân vật chính trị lớn như Caroline Kennedy - cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản và các ca sĩ bao gồm Chara, Mika Nakashima, Ayumi Hamasaki, Nhà hoạt động Teishiro Minami - người thúc đẩy cuộc diễu hành Pride đầu tiên vào năm 1994.
Sự hội tụ của thế giới giải trí, chính trị và văn hóa trong một sự kiện mùa xuân quy mô lớn ở Tokyo đảm bảo mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả những ai tham dự.
Từ đó, bằng sức ảnh hưởng của mình TRP và các tổ chức khác đã đóng góp tích cực vào việc giúp mọi người có được cái nhìn tích cực hơn với cộng đồng LGBTQ+, cũng như tiến đến những thay đổi về mặt luật pháp.
Tháng Tự hào, mời bạn xem thêm những bài viết cùng chuyên mục tại đây.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận