NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những lễ hội khỏa thân truyền thống ở Nhật Bản

    Những lễ hội khỏa thân truyền thống ở Nhật Bản

    “Hadaka-matsuri” (裸祭り) hay lễ hội khỏa thân là một trong những sự kiện kì quặc nhất Nhật Bản, chủ yếu có sự tham gia của nam giới. Trong các lễ lội Hadaka-matsuri, những người đàn ông gần như khỏa thân hoàn toàn, chỉ che mình bằng một chiếc khố gọi là fundoshi ().

    Mục đích của những lễ hội này là để tẩy sạch những gì ô uế tích tụ trong năm và cầu bình an cho năm tới. Do đó, Hadaka-matsuri thường được tổ chức vào thời điểm lạnh nhất trong năm: cuối năm và đầu năm mới.

    Truyền thống khỏa thân bắt nguồn từ niềm tin cổ xưa: khi thỉnh cầu các vị Thần, Phật, con người phải trong hình dáng của đứa trẻ sơ sinh thuần khiết. Vì vậy, trước buổi lễ, những người tham gia Hadaka-matsuri phải kiêng ăn thịt và thanh lọc cơ thể bằng cách dội lên người dòng nước mát lạnh. Sau đó, họ sẽ xô đẩy và vật lộn với nhau theo nghi lễ.

    Trong số các Hadaka-matsuri, lễ hội khỏa thân được tổ chức thường niên vào đầu năm để khép lại lễ mừng năm mới, gọi là “shusho-e” (修正会), thường diễn ra khốc liệt nhất.

    Lễ hội Somin-sai ở chùa Kokuseki-ji (Iwate)

    Thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản có câu chuyện kể về Somin Shorai (蘇民将来), người đàn ông nghèo đã giúp đỡ một vị thần trong vai lữ khách đang tìm nơi trú ngụ. Sau đó, gia đình Somin Shorai đã được cứu thoát khỏi trận dịch cướp đi sinh mạng của nhiều người.

    somin-shorai
    Câu chuyện về Somin Shorai. Ảnh: bunka.pref.mie.lg.jp

    Câu chuyện là nguồn gốc cho phong tục treo bùa hộ mệnh có dòng chữ “hậu duệ của Somin Shorai” trước cửa nhà để xua đuổi bệnh tật và vận rủi. Theo thời gian, phong tục này phát triển thành Somin-sai (蘇民祭), lễ hội khỏa thân nhằm xua đuổi tà ma được lưu truyền khắp vùng Tohoku, đặc biệt là ở tỉnh Iwate.

    den-kokuseki-ji
    Chùa Kokuseki-ji ở thành phố Oshu, tỉnh Iwate. Ảnh: Wikipedia

    Trong số đó, chùa Kokuseki-ji (黒石寺) ở thành phố Oshu, tỉnh Iwate là nơi tổ chức lễ hội Somin-sai có lịch sử lâu đời và quy mô rộng lớn nhất. Ở lễ hội, những người tham gia tranh giành để bắt được somin-bukuro (蘇民袋), chiếc túi được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma, bảo vệ khỏi bệnh tật, thảm họa và mang đến một vụ mùa bội thu.

    Bên trong Somin-bukuro là những mảnh gỗ có đường kính khoảng 3cm, mỗi mảnh là một lá bùa chứa đựng sức mạnh của Somin Shorai. Trước đây, lễ hội Somin-sai được tổ chứa vào ngày đầu năm mới theo lịch âm, nhưng hiện nay đã chuyển sang tổ chức vào thứ Bảy thứ 3 của tháng Hai hằng năm.

    thanh-tay-tren-song
    Nghi thức thanh tẩy trên sông. Ảnh: Nippon

    Trong tiết trời lạnh giá của buổi đêm, những người tham gia cởi bỏ quần áo, tắm rửa trên sông rồi cầu nguyện tại các điện Yakushi-do (薬師堂) và Myoken-do (妙見堂) của ngôi chùa chính. Sau khi lặp lại quy trình này 3 lần, tiếng chuông vang lên, một đống củi bằng gỗ thông được đốt trước điện, những người tham sẽ lần nữa thanh tẩy bản thân bằng ngọn lửa này. Trong khi thực hiện nghi thức, những người đàn ông liên tục hét lên “Jasso! Joyasa!” (nghĩa là “cút đi cái ác").

    Được báo hiệu bởi sự xuất hiện của hai cậu bé 7 tuổi, trận chiến giành Somin-bukuro sẽ bắt đầu bên trong chính điện. Trận chiến sau đó kéo ra bên ngoài, lúc này nhóm người chỉ còn khoảng 100 người tranh giành nhau đến điểm cuối cùng, cách đó 2km. Khi chiếc túi lăn xuống con dốc phủ đầy tuyết, người cuối cùng giữ được chiếc túi sẽ trở thành “chủ nhân” của nó. Lễ hội chính thức kết thúc.

    somin-sai
    Những người tham gia tranh nhau túi Somin-bukuro. Ảnh: sugoi-jp.com

    Trong hơn 1.000 nghìn năm, những người tham gia lễ hội Somin-sại tại chùa Kokuseki-ji hoàn toàn khỏa thân. Tuy nhiên, từ năm 2007, để phù hợp với thời đại, việc mặc khố đã trở thành bắt buộc. Nhưng cuối cùng, ban tổ chức thông báo rằng năm 2024 là lần cuối cùng lễ hội diễn ra. Lí do là vì các danka* của ngôi chùa chỉ còn chín hộ gia đình nên không đủ người để làm bùa hộ mệnh và thực hiện tất cả công tác cần thiết để tổ chức lễ hội.  

    *Danka là các hộ gia đình hỗ trợ tài chính cho một ngôi chùa, đổi lại ngôi chùa sẽ đáp ứng các nhu cầu tâm linh của họ. Hệ thống danka (danka seido) này đã xuất hiện từ thời Heian.

    Lễ hội Saidai-ji Eyo (Okayama)

    Lễ hội Saidai-ji Eyo (西大寺会陽) được tổ chức tại chùa Saidai-ji (西大寺) ở thành phố Okayama, tỉnh Okayama trong vòng 14 ngày kể từ ngày đầu tiên của năm mới.

    Trong lễ hội, khoảng 10.000 người đàn ông gần như khỏa thân sẽ cạnh tranh nhau để giành lấy hai “shingi” (宝木). Đây là bùa hộ mệnh được làm từ một khúc gỗ thơm dài 20cm chẻ đôi tượng trưng cho các lực âm và dương. Lá bùa này đã trải qua nghi thức cầu nguyện tại chính điện của ngôi chùa, vì vậy sẽ mang lại may mắn cho người sở hữu trong một năm.

    den-saidaiji
    Chùa Saidai-ji ở thành phố Okayama, tỉnh Okayama. Ảnh: okayama-kanko.jp

    Saidai-ji Eyo được cho là bắt đầu từ thời Muromachi (1336-1573) và cho đến nay đã có hơn 500 năm lịch sử. Lúc bấy giờ, người ta đồn đại rằng, bùa may mắn được cầu nguyện trong buổi lễ “修正会” (shusho-e) rất linh nghiệm, dẫn đến việc mọi người tranh nhau có được.

    Kể từ đó, bùa được quấn quanh những thanh gỗ để tránh bị hư hại trong cuộc chiến giành giật. Còn những người tham gia thì chọn cách khỏa thân để có thể di chuyển với tốc độ tối đa và giảm nguy cơ chấn thương, đồng thời dễ dàng hoạt động hơn khi xuống nước.

    Vào ngày diễn ra buổi lễ, một số lượng lớn người mặc khố tụ tập tại chính điện chùa Saidai-ji. Khi đồng hồ điểm 10 giờ đêm, đèn trong sân sẽ tắt ngúm. Lúc này, 100 lá bùa buộc vào thanh gỗ liễu sẽ được ném xuống từ những ô cửa sổ gần trần.

    Tiếp theo, trong bóng tối mịt mù, hai mảnh bùa “shingi” chính thức được ném xuống. Khi ánh sáng trở lại, đám đông xô đẩy nhau hỗn loạn để tìm kiếm shingi. Tất cả những gì họ có thể làm để xác định vị trí của chúng là lần theo mùi hương của thanh gỗ thơm.

    le-hoi-saidaiji-eyo
    Đám đông khỏa thân "chiến đấu" với nhau trong lễ hội Saidai-ji Eyo. Ảnh: Nippon

    Người may mắn giành được hai shingi sẽ bước ra sân, cất tiếng hô vang “Bảo vật đã được rút ra rồi!”, lúc này cuộc hỗn chiến kết thúc. Hai người chiến thắng trong số 10.000 người tham gia sẽ được phong danh hiệu “福男” (fuku-o) “người đàn ông may mắn” và được ca ngợi như người hùng trong cộng đồng địa phương.

    shingi
    Những người chiến thắng sẽ cắm shingi vào một hộp đựng đầy gạo trắng. Sau lễ hội, những người đại diện địa phương sẽ cầu nguyện với shingi. Ảnh: Nippon 

    Tất cả mọi người chỉ cần mua khố và tất tabi tại chùa Saidai-ji đều có thể tham gia lễ hội Saidai-ji Eyo. Yêu cầu duy nhất là phải thanh tẩy cả tâm trí và thân thể trước khi tham gia vì đây là một nghi lễ tôn giáo.

    Lễ hội Hayama Gomori (Fukushima)

    Hayama Gomori (羽山ごもり) là một lễ hội được tổ chức từ ngày 16 đến 18/11 âm lịch tại Đền Kuronuma ở Fukushima.

    den-kuronuma
    Đền Kuronuma ở Fukushima. Ảnh: amamiya2012.livedoor.blog

    Những người đàn ông tham gia Hayama Gomori sẽ tịnh tâm trong một sảnh đường ở gần ngôi đền trong 3 ngày. Vào lúc 5h giờ mỗi sáng và tối, họ sẽ khỏa thân hoàn toàn bên trong một giếng nước linh thiêng, dội nước lạnh vào người và cầu nguyện cho chính mình cũng như cho gia đình và bạn bè.

    Trong thời gian này, thức ăn của họ chỉ bao gồm cải thảo hakusai và củ cải daikon được thu hoạch tại địa phương, cùng với cơm trắng nấu bằng nước giếng.

    Vào đêm của ngày đầu tiên, những người tham gia, chỉ mặc khố, thực hiện nghi lễ tái hiện nghề trồng lúa. Họ đánh trống để gọi mây đen, cầu mưa trong khi đi vòng quanh bếp lửa.

    le-thanh-tay-ben-trong-mot-sanh-duong
    Lễ thanh tẩy bên trong một sảnh đường. Ảnh: Nippon

    Sau đó, họ sẽ vật lộn với nhau như trong một trận chiến, hô vang “Yoisa!”. Hành động này tượng trưng cho việc cày ruộng của những chú ngựa. Tiếp theo, họ sẽ khiêng người lên rồi thả xuống chiếu tatami, mô phỏng việc trồng lúa. Tất cả cùng hát những bài hát về cấy lúa, cầu mong một năm mới bội thu.

    Ngày thứ hai, họ sẽ giã gạo và làm thành bánh mochi để dâng lên các vị thần, tất nhiên là cũng trong tình trạng khỏa thân. Trong một căn phòng khác, các vị trưởng lão sẽ dùng rau củ để tạo ra một lễ vật gọi là “Gozzo” (ゴッツォ) tượng trưng cho sự giao hợp giữa nam và nữ.

    gozzo
    Gozzo - lễ vật dùng để cầu xin con cái và mùa màng bội thu. Ảnh: Nippon

    Ngày cuối cùng, bắt đầu từ 3 giờ sáng, mọi người sẽ tiến hành nghi lễ leo núi “yama-gake” (山がけ). Tất cả những người tham gia đều đội khăn trùm đầu là khăn tenugui quấn lại, mặc trang phục màu trắng và đi dép rơm để leo lên núi Hayama.

    Họ đến trước một ngôi đền nhỏ trên đỉnh núi và lắng nghe tiếng chuông ngân vang để thanh lọc tâm hồn. Một người gọi là “noriwara” (người truyền tin) được thần nhập vào và sẽ thông báo về thời tiết và mùa màng của năm mới cho tất cả mọi người.

    kilala.vn

    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!