Trường Ashikaga: ngôi trường lâu đời nhất Nhật Bản
Lịch sử của trường Ashikaga
Trường Ashikaga được xây dựng trên nền đất và dựa theo kiến trúc của ngôi trường cũ cùng tên từng bị sập sau một trận động đất thời Edo. Ngôi trường dần khôi phục lại diện mạo ban đầu của tòa nhà cũ và hoàn thiện vào năm 1990, bao gồm cả phần kiến trúc có từ thời Edo, giúp phần nào tái hiện lại môi trường học tập của các sinh viên thời đó.
Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của ngôi trường này. Tuy nhiên, trường Ashikaga được nhiều người biết đến nhất là vào thời kì Muromachi. Khi đó, lãnh chúa Kenmi Uesugi đã quyên góp sách và hỗ trợ rất nhiều cho trường Ashikaga. Kết quả là, có nhiều học sinh từ khắp nơi trên cả nước đổ về đây và có đến khoảng 3.000 học sinh học tập tại ngôi trường này. Năm 1549, nhà truyền giáo Francisco Xavier đã gọi nơi đây là "Trường đại học lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Bando." Và mang tên tuổi của nó giới thiệu ra toàn thế giới.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, trường Ashikaga đóng cửa vào năm 1872 (thời Meiji). Sau khi đóng cửa, phía đông của ngôi trường chuyển thành trường tiểu học và nhiều tòa nhà bị dỡ bỏ. Năm 1903, Thư viện Di tích Trường học Ashikaga được thành lập và trở thành thư viện công cộng đầu tiên ở tỉnh Tochigi. Vào năm 1921, trường Ashikaga và các kiến trúc hiện có như Đền thờ Khổng Tử, cổng trường…. đã được chỉ định là di tích lịch sử quốc gia.
Ngày nay, tính chất giáo dục của Ashikaga bị phai mờ dần. Các học giả thời nay chỉ coi ngôi trường này như một thư viện lưu giữ những cuốn sách cổ điển có giá trị. Tuy tỉnh Tochigi đã cố gắng thu hồi số sách của trường Ashikaga nhưng vẫn còn một phần bị lưu lạc bên ngoài. Vào ngày 24/4/2015, trường Ashikaga đã được Ủy ban Di sản Quốc gia Nhật Bản công nhận là di sản Nhật Bản, thuộc "Nhóm di sản giáo dục của Nhật Bản hiện đại - nguồn gốc của học tập và nghi thức".
Các khu vực bên trong ngôi trường
Nyutokumon - 入徳門
Đây là cổng đầu tiên để vào Trường Ashikaga. Chiếc cổng này được xây dựng vào năm 1668 nhưng sau đó, Nyutokumon đã bị thiêu rụi bởi một trận hỏa hoạn năm 1831. Đến năm 1840, cổng mới được di dời và xây dựng lại.
Đền thờ Khổng Tử - 孔子廟
Tên của tòa nhà là "Taiseiden", được xây dựng vào năm 1668. Phong cách được cho là mô phỏng lăng mộ cổ của nhà Minh ở Trung Quốc. Mặt tiền rộng 12.7m, sâu 10.9m, diện tích sàn khoảng 138,6 mét vuông.
Hojo -方丈
Đây là một khu nhà tập thể lợp mái bằng tranh, được sử dụng cho các buổi lễ và những sự kiện quan trọng. Bạn có thể nhìn thấy các sảnh đường Phật giáo, các phòng thờ. Cấu trúc hoàn toàn khác với những cánh cổng và đền thờ Khổng Tử. Ấn tượng đầu tiên về tòa nhà là sáng sủa, sạch sẽ và không có cảm giác cũ kỹ.
Shoin - 書院
Giữa các tầng có các giá, kệ khác nhau và một phòng làm việc, được dùng làm nơi tiếp đón các lãnh chúa.
Kuri - 庫裡
Kuri bao gồm nhà bếp, sàn trải chiếu tatami và một nhà tắm ở phía sau. Nơi đây được sử dụng làm nơi sinh hoạt của các lãnh chúa và học sinh.
Khu mộ của các lãnh chúa - 庠主の墓
Phía sau đền thờ Khổng Tử là lăng mộ của 17 vị chúa kế vị. Hầu hết những ngôi mộ đều là tháp đá. Trong số 17 ngôi mộ, chỉ có thể đọc hiểu được 8 cái, 9 cái còn lại thì không rõ tên.
Cho đến nay, những người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng các trường học ở thành phố Ashikaga luôn phải đến viếng mộ ở đây. Đó được xem như một nghi thức trước khi bắt đầu công việc giáo dục. Tuy nhiên, vì là tài sản văn hóa, người đến viếng không được thắp hương hay các hoạt động có liên quan đến lửa.
Thư viện tàn tích - 遺蹟図書館
Thư viện tàn tích trường học Ashikaga được thành lập vào tháng 3/1903 với mục đích bảo quản sách của trường. Trải qua hơn 10 năm xây dựng, khu thư viện được hoàn thành và chính thức mở cửa vào năm 1915.
Thư viện chứa khoảng 17.000 cuốn sách cũ, khoảng 4.000 cuốn sách về lịch sử địa phương và khoảng 10.000 cuốn sách tham khảo chung liên quan đến lịch sử Nhật Bản. Trong đó có nhiều ấn bản giá trị có từ thời nhà Tống và nhiều bản chép tay về thời đại Muromachi.
kilala.vn
03/09/2020
Bài: Quỳnh Vũ
Đăng nhập tài khoản để bình luận