NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những ngôi đền thờ rắn linh thiêng ở Nhật Bản

    Những ngôi đền thờ rắn linh thiêng ở Nhật Bản

    Từ xa xưa ở Nhật Bản, rắn đã được coi là thần nước và là hiện thân của nữ thần Benzaiten. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ, hãy cùng Kilala khám phá những ngôi đền thờ phụng loài vật này tại xứ Phù Tang nhé!

    Biểu tượng của sức sống, thần bảo vệ nước, thần may mắn về tài lộc

    Tín ngưỡng tôn thờ rắn như một vị thần hoặc sứ giả của các vị thần tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Nhìn từ đặc tính sinh học của loài vật này (ngủ đông và lột da), nhiều người tin rằng, rắn là biểu tượng của sự trường thọ và tái sinh.

    Ở Nhật Bản, hoạ tiết rắn được tìm thấy trên nhiều đồ gốm thời Jomon (khoảng 10.000-300 TCN), chứng tỏ rắn đã là đối tượng của một loại tín ngưỡng vào thời điểm đó. Kể từ khi lịch sử được ghi chép, rắn (tiếng Nhật: hebi/ 蛇) được tôn kính như vị thần của nước.

    Vào thời Nara (710-794), tín ngưỡng tôn thờ rắn như thần nước đã được kết hợp với sự sùng kính Benzaiten, một nữ thần Phật giáo đồng thời là hiện thân của thần Ấn Độ Saraswati. Sau thời cổ đại, thần Benzaiten được đồng nhất với thần rắn Ugajin, trở thành vị thần của sự giàu có, mang lại may mắn và mùa màng bội thu.  

    tuong-ugajin
    Tượng thần rắn Ugajin trước hồ Shinobazu Bentendo ở Ueno, Tokyo. Ảnh: Tokyo 

    Hiện nay, trên khắp Nhật Bản vẫn còn khá nhiều những ngôi đền thờ thần rắn vô cùng linh thiêng. Viếng thăm đền thờ rắn có thể mang lại sự thịnh vượng cho cả năm.

    Đền Omiwa (Sakurai, tỉnh Nara)

    Ở Sakurai, trung tâm của cố đô Nara, có ngọn núi Miwa cao chót vót. Theo Biên niên sử Kojiki và Nihon shoki thì ngọn núi này là nơi cư ngụ của các vị thần.

    Đền Omiwa nằm trên núi được cho là đền thờ Thần đạo lâu nhất còn tồn tại và vẫn giữ tín ngưỡng thờ cúng thiên nhiên như trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản.   

    den-omiwa
    Đền Omiwa. Ảnh: visitnara.jp

    Truyền thuyết kể rằng, vị thần của đền Omiwa, Omononushi-no-okami, có hình dạng là một con rắn nhỏ xinh đẹp và được tôn kính như thần của ngành công nghiệp, y học cùng nghề nấu rượu sake.

    Phía trước ngôi đền còn có một cây tuyết tùng khổng lồ gọi là “Mi-no-kamisugi” (巳の神杉), và người ta tin rằng, con rắn “Mi-san” hiện thân của thần Omononushi-no-okami, trú ngụ trong đó.

    cay-tuyet-tung-mi-san
    Cây tuyết tùng “Mi-no-kamisugi”, nơi trú ngụ của con rắn Mi-san. Ảnh: Nippon

    Người viếng thăm đền thường để lại trứng (thức ăn ưa thích của rắn) như một cách để được thần linh bảo hộ.

    Đền Kanahebisui (Iwanuma, tỉnh Miyagi)

    Đền Kanahebisui ẩn mình trong một khu rừng sâu, cách thủ phủ Sendai khoảng 30 phút di chuyển bằng tàu và taxi.

    Theo truyền thuyết địa phương, thợ rèn kiếm tài hoa Sanjo Munechika sống ở Heiankyo vào thế kỉ thứ 10 (nay là Kyoto) được giao nhiệm vụ rèn kiếm cho Thiên hoàng Ichijo. Để tìm kiếm nguồn nước chất lượng cao, thứ cần thiết để chế tạo kiếm, ông đã dựng lò rèn bên dòng một dòng suối trong vắt dành riêng cho thần nước.

    den-kanahebisui
    Đền Kanahebisui. Ảnh: visitmiyagi.com

    Tuy nhiên, tiếng ếch kêu xung quanh khiến ông không thể tập trung làm ra thanh kiếm chất lượng. Một ngày nọ, ông tạc một bức tượng rắn và đặt trên ruộng lúa, ngay lập tức không còn tiếng ếch nữa. Cuối cùng, ông cũng thành công rèn được một thanh kiếm tinh xảo nhờ vào phước lành của vị thần. Sanjo Munechika đã dâng một con rắn bằng kim loại cho ngôi đền có tên “Suijin no Miya” (水神の宮) để bày tỏ lòng biết ơn.

    Sau khi lấy tượng rắn của Munechika làm đối tượng thờ cúng, ngôi đền đã đổi tên thành “Kanahebisui Jinja” (金蛇水神社), với “hebi” (蛇) có nghĩa là “con rắn” trong tiếng Nhật. Trong 1.000 năm sau đó, tượng rắn ở đền Kanahebisui được tôn thờ như là vị thần bảo vệ của cải, sức sống và sinh kế.

    Ngoài tượng rắn, trong khuôn viên của ngôi đền còn có những khối đá điêu khắc hình rắn vô cùng bí ẩn.

    nhung-khoi-da-khac-hinh-ran
    Những khối đá được chạm khắc hình rắn bí ẩn ở đền Kanahebisui. Ảnh: gltjp.com

    Đền Hyakuja Benzaiten (Moka, tỉnh Tochigi)

    Đền Hyakujia Benzaiten được thành lập cách đây khoảng 500 năm, có chung một vị thần bảo hộ với đền Itsukushima nổi tiếng ở tỉnh Hiroshima.

    Khi bước qua cổng Torii, đặt chân vào khuôn viên đền Hyakuja Benzaiten, du khách có thể sẽ giật mình bởi những con rắng trắng cuộn tròn ở hai bên lối vào. Chúng được biết đến với vai trò là sứ giả của thần linh, là người bảo vệ ngôi đền.

    den-hyakuja-benzaiten
    Đền Hyakuja Benzaiten. Ảnh: Nippon

    Được xây dựng gần một cái ao, đền Hyakujia Benzaiten có rất nhiều nguồn nước tự nhiên và cây xanh. Có lời đồn rằng, một con rắn trắng đã cư trú trong cái ao đó. Ngoài ra, ngôi đền còn cung cấp loại bùa hộ mệnh dạng dây đeo có họa tiết con rắn.  

    tuong-ran-truoc-dien
    Tượng rắn trước điện thờ. Ảnh: Nippon

    Phía sau của ngôi đền là thác nước Zeniarai no Taki, người ta tin rằng, rửa tiền giấy và tiền xu dưới dòng nước thiêng của thác sẽ có thể cải vận về tiền bạc và sức khỏe.

    Đền Iwakuni Shirohebi (Iwakuni, tỉnh Yamaguchi)

    Mặc dù việc thờ thần nước và rắn trắng có mối liên hệ khá chặt chẽ, nhưng chỉ một số nơi có thể khẳng định rắn trắng thực sự tồn tại. Rìa phía đông của tỉnh Yamaguchi là nơi sinh sống của một loài rắn trắng hoang dã - không phải là loại đột biến, được chỉ định là báu vật tự nhiên. Người ta kể lại rằng, trong thời Edo (1603-1868), những con rắn trắng đã bảo vệ các kho thóc của lãnh chúa vùng Iwakuni khỏi loài chuột.

    den-iwakuni-shirohebi
    Đền Iwakuni Shirohebi. Ảnh: kankou.iwakuni-city.net

    Rắn trắng được xem là hiện thân của thần Benzaiten, là đối tượng tôn thờ tại các ngôi đền nhỏ khắp Iwakuni. Tuy nhiên ở đền Iwakuni Shirohebi được xây dựng vào năm 2012, rắn trắng không được tôn thờ như một vị thần mà là sứ giả của thần linh. Đền thu hút nhiều du khách đến cầu may mắn về tài chính, kinh doanh, sức khỏe và tuổi thọ.

    Đền Hebikubo (Shinagawa, Tokyo)

    Tọa lạc tại phường Shinagawa của Tokyo, đền Hebikubo (hay đền Tenso) được xây dựng vào thế kỉ 14 để bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần vì đã mang mưa đến sau trận hạn kéo dài.

    den-hebikubo
    Đền Hebikubo. Ảnh: postcardsfromjapan.com

    Người ta tin rằng, có một con rắn trắng từng sống ở ao nước trong khuôn viên đền nhưng đã rời đi sau khi nước ở đó cạn kiệt. Dân làng mơ thấy con rắn muốn quay trở lại, vì vậy đã đào một cái ao mới và thờ vị thần Benzaiten gần đó. Khu vực này được gọi là đền Hakuja Benzaiten, nằm phía sau chính điện của đền Hebikubo, là nơi để cầu may mắn tài lộc, hôn nhân hạnh phúc và hồi phục sau bệnh tật.

    khu-vuc- den-hakuja-benzaiten
    Khu vực đền Hakuja Benzaiten trong khuôn viên đền Hebikubo. Ảnh: Gaijinpot

    Đền Hebikubo cung cấp nhiều loại bùa Omamori, đặc biệt nhất là loại có chứa da của loài rắn trắng Iwakuni, được bán vào ngày diễn ra lễ hội Tsuchinotomi (60 ngày tổ chức một lần).

    kilala.vn

    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!